Cuộc bầu cử mang tính bước ngoặt với Pháp và châu Âu

Google News

Theo kết quả sơ bộ cuộc bầu cử Quốc hội Pháp vòng đầu tiên vừa diễn ra hôm qua (30/6), đảng cực hữu “Tập hợp Quốc gia” (RN) đã giành được thắng lợi quan trọng, với hơn 33,4% số phiếu ủng hộ.

Đây là kết quả không mấy bất ngờ bởi nó không khác nhiều so với dự đoán từ những cuộc thăm dò trước đó. Tuy nhiên, điều được dư luận đặc biệt quan tâm là vòng hai của cuộc bỏ phiếu vào ngày 7/7 có tiềm ẩn yếu tố bất ngờ nào không? Tương lai nước Pháp, cũng như châu Âu sẽ ra sao sau cuộc bầu cử mang tính bước ngoặt này?

Cuoc bau cu mang tinh buoc ngoat voi Phap va chau Au

Đảng RN đã giành chiến thắng vang dội tại vòng 1 bầu cử Quốc hội Pháp. Ảnh: France 3
“Canh bạc liều lĩnh” của Tổng thống Macron

Theo kết quả bầu cử sơ bộ hiện đang nghiêng về đảng cực hữu “Tập hợp Quốc gia” (RN) với 33,4% số phiếu, cùng với sự bám sát của liên minh “Mặt trận nhân dân mới” (NFP) khi chỉ kém RN vỏn vẹn 5% và đạt 28,5% và phe ủng hộ Tổng thống Macron chỉ nhận được 22% số phiếu ủng hộ, các chuyên gia địa bàn nhận định có 3 khả năng lớn có thể xảy ra.

Kịch bản đầu tiên, đó là việc RN hoặc NFP sẽ giành được đại đa số, tương đương với việc có hơn 289 nghị sĩ của đảng trúng cử tại vòng 2 diễn ra vào ngày 7/7 tới. Theo kết quả sơ bộ vòng 1, RN được cho là có nhiều khả năng đạt được đại đa số tại vòng hai với khoảng 295 ghế tại Quốc hội.

Dù vậy, cuộc chiến này được dự đoán là sẽ rất căng thẳng bởi phe ủng hộ Tổng thống, do Thủ tướng đương nhiệm Gabriel Attal dẫn đầu, đã tuyên bố sẵn sàng rút 60 ứng viên để gia tăng khả năng thắng lợi của liên minh NFP. Tương tự, Chủ tịch đảng “Nước Pháp bất khuất" Jean-Luc Mélanchon cũng cho biết đảng sẽ rút lui tại một số địa phương để ủng hộ NFP. Thế nên, sẽ là quá sớm để có thể khẳng định điều gì. Nhưng cho dù kết quả có như thế nào đi chăng nữa thì Tổng thống Macron đều sẽ phải gọi chủ tịch hoặc đại diện một trong hai đảng đến điện Matignon để cùng chung sống. Đây sẽ là một tình huống cùng nhau cộng sinh.

Kịch bản thứ hai, đó là việc RN hoặc NFP chiếm đa số ghế tại Quốc hội nhưng không đạt được đại đa số tuyệt đối. Khi đó, chính trường Pháp sẽ trở nên phức tạp và chính phủ mới sẽ khó vận hành khi luôn phải thỏa hiệp, đàm phán và không ngừng thay đổi liên minh để đạt được mục đích. Chưa kể đến phe đối lập sẽ không ngừng yêu cầu bỏ phiếu bất tín nhiệm để ngăn chặn các dự luật được thông qua.

Kịch bản cuối cùng, cũng là kịch bản hỗn loạn nhất, đó là việc cả 3 thế lực, bao gồm RN, NFP và phe ủng hộ Tổng thống đều đạt được một số ghế nhất định nhưng không có quá nhiều chênh lệch. Trong bối cảnh này, Quốc hội Pháp sẽ ở thế giằng co 3 bên. Việc Tổng thống chọn thủ tướng sẽ rất phức tạp và cuộc khủng hoảng chính trị sẽ vô cùng nghiêm trọng tại Pháp. Tuy nhiên, khả năng này sẽ khó có thể xảy ra bởi hiện phe ủng hộ Tổng thống hiện đang bị bỏ lại khá xa và các chính trị gia Pháp đang sẵn sàng “hy sinh” để tránh kết quả xấu nhất đến với chính trường Pháp.

Thách thức của chính quyền Tổng thống Macron

Trong kịch bản cộng sinh, Tổng thống Macron sẽ phải đối mặt với việc mất đi quyền tự quyết hay nói cách khác là quyền lực của ông sẽ bị suy yếu. Mọi kế hoạch hay ý định của ông sẽ phải có được sự thỏa hiệp từ phía Thủ tướng để có thể triển khai. Với viễn cảnh đảng cực hữu RN đang tiến dần đến thắng lợi tại cuộc bầu cử Quốc hội, ông Macron sẽ càng gặp nhiều khó khăn hơn bởi hai bên có quá nhiều sự khác biệt về mặt tư tưởng.  

Nhưng cho dù có muốn hay không, Tổng thống Pháp vẫn sẽ phải chấp nhận cùng chung sống từ nay cho đến hết 2027 hoặc vận động phe ủng hộ cũng như NFP liên tục yêu cầu các cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm. Thông qua phương tiện này, ông sẽ có thể buộc thủ tướng phải từ chức hoặc chính phủ bị giải tán. Quá trình này có thể được lập lại nhiều lần cho đến khi một trong hai bên thỏa hiệp hoặc ông Macron hết nhiệm kỳ.

Tuy nhiên, đây sẽ là viễn cảnh hỗn loạn chính trị mà không một ai muốn thấy, thế nên cả ông Macron hay tân Thủ tướng cực hữu đều sẽ phải nhượng bộ và cùng nhau xóa bỏ mọi khác biệt để hướng đến một tương lai chung.

Với kịch bản không có đại đa số tuyệt đối, điều mà chúng ta đã chứng kiến từ 2022 sau lần bầu cử Quốc hội trước, Tổng thống Pháp sẽ phải đối mặt với việc không có được sự ủng hộ từ Quốc hội, nhưng lần này ông sẽ phải đối mặt thêm với việc không có sự ủng hộ cả từ phía chính phủ. Trong trường hợp này, ông Macron sẽ càng phải đàm phán, lôi kéo liên minh cũng như gia tăng thỏa hiệp, thậm chí sử dụng điều 49.3 thường xuyên hơn để có thể thông qua các dự luật và triển khai kế hoạch của mình. Đây sẽ là một chính phủ “yếu” bởi không cùng một phe với Tổng thống và có một thế lực đối lập mạnh.

Thế lực đối lập mạnh đồng nghĩa với việc sẽ có nhiều cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm hơn. Hệ quả của hành động này là sự tắc nghẽn thể chế khi không có dự luật nào được thông qua và không ngừng có chính phủ mới bị giải tán, như những gì đã từng xảy ra dưới nền Cộng hòa thứ IV ở Pháp.           

Dư luận châu Âu về biến động trên chính trường Pháp

Như những gì đã chứng kiến tại cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu 3 tuần trước, khối cực hữu đang dần mở rộng sức ảnh hưởng khi bất ngờ giành được hơn 70 ghế và hiện đang tranh giành vị trí quyền lực thứ 3 tại Nghị viện.

Trong trường hợp phe cực hữu “Tập hợp Quốc gia” tiếp tục được ủng hộ tại vòng bầu cử thứ 2 và giành được đại đa số tại Quốc hội Pháp, EU sẽ phải đối mặt với sự phân cực chính trị ngày càng nghiêm trọng. Điều này không chỉ đơn giản là gây ảnh hưởng đến những quyết định của khối 27 trong tương lai mà còn có thể gây ra sự rạn nứt thậm chí là sụp đổ, nhất là trong bối cảnh cuộc bầu cử ở Đức cũng đang đến gần.

Theo số liệu mới nhất từ các cuộc thăm dò, phe cực hữu tại Đức cũng đang có được sự ủng hộ của đa số giới trẻ và xu hướng này ngày càng tăng lên. Các chuyên gia ước tính số phiếu ủng hộ phe cực hữu AfD hiện rơi vào khoảng 22-23% mặc dù tỷ lệ ủng hộ đảng này tại cuộc bầu cử châu Âu chỉ vỏn vẹn 15,9%, thấp hơn nhiều so với các dự đoán.     

Thắng lợi của phe cực hữu ở Pháp sẽ chỉ làm cho làn sóng cực hữu ngày càng mạnh mẽ hơn ở Đức. Hiệu ứng domino sẽ tiếp tục được lan rộng, ảnh hưởng dần dần đến chính trường các nước khác như Bỉ, Áo…và làm suy yếu các lực lượng đối lập.

Ngoài ra, châu Âu cũng sẽ phải đối mặt với nguy cơ Frexit. Mặc dù trong kịch bản RN thắng lợi, Tổng thống Pháp vẫn sẽ có được quyền “tự quyết” về các vấn đề đối ngoại, nhưng về lâu dài, RN sẽ tăng dần sức ảnh hưởng và ép ông Macron vào thế phải thỏa hiệp, tương tự như trường hợp của cựu Thủ tướng Anh David Cameron. Khi đó, sẽ khó có thể dự đoán quyết định của người dân Pháp trong cuộc trưng cầu dân ý Frexit dưới triều đại cực hữu.

Viễn cảnh về việc Pháp rời khỏi EU sẽ kéo theo nhiều hệ lụy. Hậu quả nghiêm trọng nhất là làn sóng cực hữu sẽ làm liên minh tan rã. Trong bối cảnh cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump có khả năng tái đắc cử, chiếc cọc cứu vớt châu Âu là NATO sẽ không còn tỏ ra chắc chắn như mọi người vẫn thường lầm tưởng. Châu Âu sẽ dễ bị tổn thương hơn bao giờ hết.

Với sự trỗi dậy của phe cực hữu, các chuyên gia đánh giá, cuộc bầu cử Quốc hội lần này có thể mang tính “tàn phá” nặng nề nhất kể từ sau Chiến tranh Lạnh - không chỉ đối với Pháp mà còn đối với Liên minh châu Âu và NATO. Tuy nhiên, để biết được kịch bản nào xảy ra, dư luận sẽ phải chờ đến kết quả bỏ phiếu vòng 2, diễn ra vào ngày 7/7. 

Theo Anh Tuấn/VOV