Bạo lực với phụ nữ ở Ấn Độ
Tội phạm và bạo lực tình dục nhằm vào phụ nữ vốn đã kéo dài nhiều năm qua tại Ấn Độ. Một lần nữa chủ đề này “làm nóng” dư luận những ngày gần đây, sau vụ một bác sĩ nội trú bị hãm hiếp và giết chết tại một bệnh viện công ở thành phố Kolkata, bang Tây Bengal.
Nữ bác sỹ nội trú 31 tuổi này được cho là đã bị hành hung và xâm hại rạng sáng ngày 9/8, ngay sau ca trực tại hội trường lớn của bệnh viện trường Đại học Y Radha Gobinda Kar, tại Kolkata. Điều gây phẫn nộ cho dư luận Ấn Độ là vụ việc xảy ra tại một bệnh viện trường đại học, nơi đáng nhẽ ra phải là một địa điểm an toàn cho nữ giới.
Điều đáng ngạc nhiên là đây không phải là lần đầu xảy ra vụ việc tương tự tại một bệnh viện ở Ấn Độ. Rất nhiều cuộc biểu tình, tuần hành của người dân đã diễn ra để gây sức ép buộc chính quyền có các biện pháp mạnh tay với những kẻ phạm tội ác tình dục; rất nhiều luật được sửa đổi, cập nhật để ngăn chặn và răn đe hành vi này; nhiều kẻ thủ ác đã bị đưa ra trước công lý và nhận các bản án nhưng bạo lực nhằm vào nữ giới, đặc biệt là bạo lực tình dục vẫn chưa có dấu hiệu thuyên giảm.
Vụ việc này gây bất bình lớn trong dư luận Ấn Độ một phần vì kẻ bị cáo buộc là thủ phạm là một nhân viên tình nguyện dân sự thuộc lực lượng cảnh sát Kolkata. Người này được phép tiếp cận không hạn chế các khu vực tại bệnh viện; và đây chính là lý do dẫn tới vụ việc đau lòng này.
Vì kẻ thủ ác lại đang là nhân viên của lực lượng thực thi pháp luật nên người ta cho rằng cảnh sát Kolkata đã bỏ sót nhiều chứng cứ và không muốn đẩy nhanh quá trình điều tra. Sức ép gia tăng buộc Tòa án phải chuyển quyền điều tra vụ án từ cảnh sát Kolkata lên cho Cục Điều tra Trung ương tiến hành. Tuy nhiên, nhiều câu hỏi xung quanh vụ án này vẫn còn bỏ ngỏ.
Kể từ ngày 9/8, các bác sĩ nội trú tại bang Tây Bengal đã quyết định ngừng làm việc và biểu tình nhằm tìm kiếm công lý cho nạn nhân và sự an toàn cho các đồng nghiệp của mình trong bệnh viện. Các dịch vụ y tế tại một số bệnh viện ở Tây Bengal đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Bất chấp lời kêu gọi của chính quyền bang, các bác sĩ này đã từ chối tiếp tục làm việc.
Ở một số khu vực của bang này, người dân đã mất kiên nhẫn với sự gián đoạn của các dịch vụ y tế và đã bắt đầu tổ chức các cuộc biểu tình bên ngoài các cơ sở y tế do Nhà nước điều hành. Sự tức giận của nhân viên y tế không chỉ giới hạn ở Kolkata và Tây Bengal. Hiệp hội Y khoa Ấn Độ, tổ chức lớn nhất của đội ngũ nhân viên y tế trong cả nước, đã tuyên bố đình công trên toàn quốc trong 2 ngày cuối tuần qua (17- 18/8) với sự tham gia của nhân viên y tế cả ở khu vực công và tư.
Vì sao vấn nạn bạo lực với phụ nữ ở Ấn Độ ngày càng nhức nhối?
Sau vụ cưỡng hiếp tập thể và giết hại một phụ nữ 23 tuổi vào năm 2012, Chính phủ Ấn Độ đã đưa ra những thay đổi được cho là toàn diện đối với hệ thống tư pháp hình sự, bao gồm cả các bản án nghiêm khắc hơn cho những kẻ phạm tội. Nhưng tình trạng này dường như không mấy chuyển biến.
Trong khoảng hơn 1 thập kỷ qua, Chính phủ Ấn Độ đã rất nỗ lực để mang lại công lý, răn đe, trừng phạt với các hành vi xâm hại phụ nữ tại nước này. Rất nhiều vụ án liên quan tới bạo lực nhằm vào phụ nữ đã được đưa ra xét xử tại Ấn Độ nhiều năm qua. Hệ thống pháp luật cũng đã được củng cố để làm tốt hơn nhiệm vụ bảo vệ phụ nữ. Tính từ thời điểm xảy ra vụ hiếp dâm tập thể một phụ nữ trên xe buýt ở Delhi vào ngày 16/12/2012, nhiều thay đổi đã diễn ra ở đất nước này.
Một năm sau vụ việc kinh hoàng, luật đã được sửa đổi - định nghĩa về tấn công tình dục đã được mở rộng, mức hình phạt cho tội hiếp dâm được tăng lên, những yêu cầu phi khoa học trong quá trình điều tra đã được loại bỏ. Việc nộp đơn khiếu nại lên cảnh sát đã bớt mang tính quan liêu hơn - ít nhất là trên giấy tờ. Tuy nhiên, những quyết tâm này đã chưa được chuyển thành kết quả tích cực hơn trên thực tế.
Dữ liệu của Cục Hồ sơ Tội phạm Quốc gia Ấn Độ cho thấy, năm 2021 ghi nhận hơn 428.000 vụ phạm pháp chống lại phụ nữ, tăng gần gấp đôi so với 9 năm trước đó là 244.000 vụ vào năm 2012. Đây chỉ là những con số chính thức. Thực tế có thể còn tồi tệ hơn. Nhiều trường hợp tội phạm kiểu này thường không được báo cáo do nạn nhân xấu hổ, bị tẩy chay, sợ thủ phạm trả thù và việc đưa thủ phạm ra ánh sáng là một quá trình pháp lý tốn kém, kéo dài và thường không có kết quả.
Sau năm 2012, một quỹ chuyên dụng có tên là Quỹ Nirbhaya đã được thành lập, một phần là để giúp các nạn nhân bị tấn công tình dục dễ dàng tiếp cận công lý. Tuy nhiên, 30% ngân sách quỹ này vẫn chưa được sử dụng. Thay vào đó ở bang Maharashtra, số tiền này được dùng để đảm bảo an ninh cho các nhà lập pháp bang. Tỷ lệ kết án các vụ hiếp dâm ở mức thấp 28,6% vào năm 2021.
Việc trừng trị những kẻ gây ra tội ác với nữ giới tại Ấn Độ được cho là vẫn chưa đủ mức răn đe. Điều này có thể bắt nguồn từ những khuyết điểm của bộ máy thực thi pháp luật như năng lực điều tra kém, sai sót về thủ tục làm suy yếu việc truy tố... Kết hợp với những thất bại của thể chế là sự thoái hóa xã hội đi kèm khi có những tiếng nói còn buộc tội ngược lại các nạn nhân. Thậm chí, một số trường hợp những kẻ hiếp dâm còn được yêu cầu kết hôn với nạn nhân của chúng.
Trong vụ việc nữ bác sĩ nội trú vừa bị sát hại tại nơi làm việc tại bang Tây Bengal. Thủ hiến bang Mamata Banerjee tuyên bố sẽ buộc kẻ phạm tội ác phải chịu mức án cao nhất là tử hình. Tuy nhiên, các đảng phái khác lại đang sử dụng vụ việc này để công kích chính trị nhằm vào bà Banerjee và đảng TMC của bà. Câu chuyện giờ đang mở rộng ra thành cuộc chiến chính trị, chứ không còn là vấn đề tội ác nhằm vào phụ nữ nữa.
Giải pháp với vấn nạn bạo lực phụ nữ
Điều rõ ràng nhất nếu Ấn Độ muốn ngăn chặn tình trạng bạo lực liên quan tới giới chắc chắn là việc củng cố bộ máy tư pháp và đội ngũ thực thi pháp luật theo hướng nghiêm minh và nhân văn nhất. Quyết tâm chính trị phải đi kèm với các hành động quyết liệt, nghiêm túc là vấn đề cốt lõi nếu chính quyền Ấn Độ muốn đem lại công lý cho những phụ nữ bị xâm hại, cũng như răn đe những kẻ còn có ý định này. Trong nhiều vụ án xâm hại phụ nữ, những kẻ bị buộc tội lại được tại ngoại vì thiếu bằng chứng; chưa kể họ còn thường được cảnh sát, chính trị gia hoặc thậm chí là luật sư che chở, giúp đỡ để thoát hoặc làm giảm nhẹ tội.
Một số nhà nghiên cứu cho rằng vấn đề bạo lực giới ở Ấn Độ không chỉ là vấn đề pháp lý. Chính quyền và người dân không thể bỏ qua khía cạnh xã hội của nó. Tiến sĩ Shruti Kapoor, một nhà hoạt động nữ quyền và là người sáng lập tổ chức Sayfty Trust khẳng định Ấn Độ vẫn đang có một xã hội mang nặng tính gia trưởng, nơi coi trọng đàn ông hơn phụ nữ. Nữ giới thường bị coi là công dân hạng hai.
Và như thế, bạo lực nhằm vào họ, ở hình thức và mức độ nào cũng có thể coi là chấp nhận được. Đây chính là động lực khiến những kẻ phạm tội có thể dẫn ra để bào chữa cho hành động của mình. Muốn thay đổi thực tế này, người Ấn Độ sẽ cần phải tiến hành vận động, tuyên truyền qua nhiều thế hệ để phụ nữ có được vị trí bình đẳng hơn.
Cuối cùng, có thực mới vực được đạo. Phụ nữ Ấn Độ nói chung cần có tiếng nói và vị trí cao hơn trong gia đình và xã hội để có thể tự phòng tránh và bảo vệ mình trước các hành vi tấn công. Muốn vậy, họ cần được tham gia vào thị trường lao động nhiều hơn, tự chủ hơn trong kinh tế của chính bản thân mình.
Theo Phan Tùng/VOV