Cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc tiếp tục đẩy lên cao trào khi Bắc Kinh thông qua lệnh thuế mới vào hôm 23/8. Trang People’s Daily cho hay Trung Quốc sẽ chiến đấu đến cùng và quyết tâm thực hiện lời hứa sẽ đánh bại Mỹ.
Phản ứng lại đầy tức giận, ông Trump cho hay sẽ tăng đồng loạt các lệnh thuế hiện tại, bao gồm lệnh thuế mới 30% trên 250 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc, tăng từ 25% trước đó và lệnh thuế mới 15% trên 300 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc còn lại, tăng từ 10%. Đồng thời ông chủ Nhà Trắng kêu gọi trên Twitter: "Tôi ra lệnh cho các doanh nghiệp Mỹ tìm phương án rút khỏi thị trường Trung Quốc, bao gồm việc đưa công ty trở lại Mỹ và sản xuất sản phẩm tại Mỹ".
|
Các dòng tweet của ông Trump tiếp tục thổi lửa thương chiến Mỹ - Trung.Ảnh: Dave Granlund. |
Tuy nhiên, một trong những trang cá nhân có ảnh hưởng lớn đến thị trường Trung Quốc, cây bút Hồ Tích Tiến (Hu Xijin) của tờ Thời báo toàn cầu đã bình luận trên Twitter cho rằng Mỹ đang bắt đầu hứng chịu từ hành động “chia tay” với Trung Quốc.
Danh tiếng của tổng biên tập tờ Thời báo hoàn cầu có sức ảnh hưởng lớn với giới đầu tư khi trang cá nhân của ông luôn trở thành nơi để họ cập nhật các thông tin “nóng”, và dự báo động thái đầy chính xác của hai bên Mỹ Trung trong cuộc chiến thương mại.
Đáng chú ý, sức nặng của thông tin tiết lộ trên trang cá nhân có 29 triệu người theo dõi của ông Hồ cũng có tác động tới thị trường chứng khoán tương tự như các động thái của Tổng thống Trump với thị trường Mỹ.
Hôm 24/8, ông Hồ đăng tải dòng tweet phân tích “Trung Quốc vốn đã “mất”Mỹ từ lâu (trong quan hệ thương mại): từ hàng rào thuế quan cao ngất toàn diện, lệnh cấm Huawei, quan điểm chính trị thù địch cho đến các vấn đề Hong Kong, Đài Loan … Chúng ta đang đối mặt với một nước Mỹ hoàn toàn khác. Do đó, ta cũng không còn gì để mất, trong khi Mỹ mới bắt đầu “mất” Trung Quốc”.
Vào thứ sáu, Bắc Kinh đã tiết lộ kế hoạch áp dụng thuế quan bổ sung đối với 75 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ, nhắm vào đậu nành, ôtô và dầu. Trang Nhân dân Nhật báo tiếng Anh cho rằng hai bên đều kiên quyết biến lời nói thành hành động khi liên tục đưa ra làn sóng trả đũa lần thứ ba trong năm nay.
Theo trang này, Trung Quốc đã buộc phải đối phó với chủ nghĩa đơn phương và chủ nghĩa bảo hộ thương mại của Mỹ, đặc biệt là sự thất thường bất nhất trong việc áp thuế của Washington. Tờ báo này còn dùng cụm tự tình trạng “mất trí” trong việc thực hiện các lời cam kết của Mỹ.
Thị trường chứng khoán tiếp tục quay cuồng sau khi chuỗi các dòng tweet đầy tức giận của Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố gia tăng thuế quan trả đũa.
Hôm qua, 24/8, Bộ Thương mại Trung Quốc đã mạnh mẽ lên án “chủ nghĩa bảo hộ đơn phương” và hành vi “bắt nạt” trong quan hệ thương mại, chỉ trích Mỹ đang đe dọa trật tự thương mại quốc tế bình thường.
Ông Trump tiếp tục đổ thêm dầu vào lửa khi đăng tải trên Twitter đêm 24/8 lời đe dọa sẽ cân nhắc Đạo Luật Quyền lực Kinh tế Khẩn cấp ban hành từ năm 1977 để lệnh cho các công ty Mỹ rời khỏi Trung Quốc. Về mặt kỹ thuật, Đạo luật này trao quyền cho các tổng thống Mỹ trong việc điều chỉnh các quan hệ thương mại quốc tế trong những thời điểm khẩn cấp của quốc gia, tuy nhiên trong đó chưa chỉ rõ công cụ hoặc phương thức để ông Trump có thể điều động các công ty của Mỹ theo ý của mình.
Ngay lập tức, ông Hồ đăng tải dòng tweet mỉa mai rằng nếu các nhà sản xuất ôtô của Mỹ đáp ứng lời kêu gọi hồi hương của Trump, việc rời bỏ Trung Quốc cũng đồng nghĩa với việc nhường lại thị trường tỷ dân cho cho các đối thủ của mình từ Nhật Bản và Đức.
“Quay về Mỹ, hãy phấn đấu để mỗi gia đình Mỹ có 20 ôtô trong nhà” các công ty này mới có thể đạt được kết quả kinh doanh vốn có của mình.
Ông Hồ Tích Chiến phân tích: “Tổng thống Trump đang hoan nghênh GM, Ford và các nhà sản xuất ôtô khác hồi hương. Mà theo tôi được biết, Trung Quốc là thị trường số 1 của họ. Liệu rằng họ có thể từ bỏ thị trường của mình cho BMW, VW và Toyota”.
Trong khi đó, đại diện các nhà nhập khẩu và bán lẻ ôtô Mỹ từ chối đưa ra phản hồi trước lời kêu gọi của Tổng thống Trump.
“Tuyên bố về thuế quan leo thang là sai lầm kinh tế tồi tệ nhất kể từ Đạo luật thuế quan Smoot-Hawley năm 1930 - một quyết định đưa nước ta vào cuộc đại suy thoái”, theo lời Chủ tịch và CEO của Hiệp hội Công nghệ tiêu dùng Gary Shapiro.
Theo An Chi/Zingnews