Zing.vn trích dịch bài đăng trên South China Morning Post, đề cập đến số lượng người nghèo gia tăng liên tục ở Hong Kong. Trong bối cảnh nơi này thường xuyên xảy ra bất ổn, cuộc sống của người dân tại đây ngày càng khốn khó hơn.
Ở nhà để chăm sóc người con trai mắc chứng tự kỷ, Liu cho biết gia đình bốn người của cô đang sống dựa vào mức thu nhập không ổn định của người chồng.
Người đàn ông kiếm được 10.000 HKD mỗi tháng từ công việc bán thời gian. Số tiền trên thậm chí chưa bằng một nửa mức được coi là chuẩn nghèo cho một hộ gia đình 4 người tại thành phố này.
Cuộc đời của người phụ nữ 39 tuổi thay đổi sau khi con trai cô chào đời vào năm 2013. Các bác sĩ chẩn đoán cậu bé mắc chứng tự kỷ và bị điếc tai trái. Chi phí y tế cho con trai cứ thế tăng theo từng năm, tỷ lệ nghịch với số thu nhập ít ỏi của gia đình.
Cả gia đình sống chật chội trong căn hộ xập xệ với số tiền thuê hàng tháng là 2.000 HKD. Cô con gái lớn 18 tuổi đã bỏ học và chỉ phụ cha mẹ được số tiền chẳng đáng là bao.
|
Người già về hưu, người thất nghiệp, mẹ đơn thân là những đối tượng dễ lâm vào cảnh nghèo đói nhất ở Hong Kong. |
Chồng của bà Liu từng kiếm được khoảng 20.000 HKD mỗi tháng khi làm việc tại công trường xây dựng. Nhưng những cuộc biểu tình xảy ra liên tiếp trong hơn 7 tháng đã khiến ngành xây dựng chững lại, còn ông rơi vào cảnh thất nghiệp.
Trong 3 tháng, gia đình không có thêm nguồn thu nào.
“Hiện tại, anh ấy làm một số công việc lặt vặt ở nhà hàng từ sáng sớm đến nửa đêm và dành ít thời gian hơn cho gia đình. Có những đêm, chồng tôi ngủ trong công viên nếu lỡ chuyến tàu cuối cùng về nhà”, Liu nói.
“Thật khó khăn cho anh ấy. Tôi ước mình có thể ra ngoài làm việc để giúp giảm bớt một phần gánh nặng”, cô thở dài.
Nỗi cay đắng vì sống trong cảnh nghèo khó giữa một thành phố sầm uất, hiện đại như Hong Kong khiến Liu khóc gần như mỗi ngày.
“Tôi tuyệt vọng. Tôi sẵn lòng làm bất cứ thứ gì để giúp đỡ gia đình nhưng đã thử mọi cách mà mọi việc vẫn không tốt lên”, cô nói trong nước mắt.
Chỉ biết trông chờ vào trợ cấp
Wong Suet-ying (70 tuổi) và chồng Law Kin-fat (64 tuổi) sống tại một căn hộ cho thuê cùng với ba người cháu, lần lượt 9, 13 và 14 tuổi.
Cha mẹ của những đứa trẻ không thể chăm sóc chúng. Bà Wong từ chối giải thích lý do đằng sau.
Không có thu nhập, hộ gia đình năm người nhận được khoản trợ cấp hàng tháng khoảng 17.000 HKD theo chương trình phúc lợi xã hội của thành phố.
Trước khi chuyển đến căn hộ được cấp vào năm 2017, gia đình bà Wong di chuyển nơi ở liên tục trong 4 năm.
“Cuộc sống của chúng tôi không ổn định trong một thời gian dài”, bà Wong cho hay.
|
Những căn hộ siêu nhỏ đã trở thành khung cảnh quen thuộc với người dân Hong Kong. |
Ngay cả hiện tại, khi đã có một căn hộ với hai giường tầng, cuộc sống vẫn là một cuộc đấu tranh mỗi ngày với hai vợ chồng già. Bà Wong bị viêm khớp còn ông Law mắc chứng xơ gan.
“Chúng tôi sống nhờ vào khoản trợ cấp để chi trả cho các nhu cầu hàng ngày. Cứ cuối tháng, số tiền lại vơi dần và chúng tôi buộc phải dè xẻn”, bà nói.
Li (27 tuổi) rời bỏ người chồng 30 tuổi vào tháng 9 năm ngoái và hiện sống với đứa con trai ba tuổi trong một căn phòng nhỏ.
Không có giường hay tủ lạnh, chỉ có một tấm nệm để cô nằm cùng với con trai.
Số tiền thuê nhà đã giảm đi 6.000 HKD mỗi tháng vì khu vực cô ở là địa điểm tổ chức biểu tình thường xuyên. Căn phòng thông gió kém sẽ trở nên ngột ngạt mỗi lần cô đóng cửa sổ để ngăn hơi cay của cảnh sát không ùa vào phòng.
Trước kia, Li làm nhân viên tiếp tân. Song, cô đã xin nghỉ việc khi con trai được chẩn đoán mắc chứng tự kỷ. Tất cả giờ phụ thuộc vào khoản trợ cấp khoảng 11.000 HKD hàng tháng.
Chồng cũ không hỗ trợ kinh tế cho hai mẹ con, còn cô lại không đủ thân thiết với bố mẹ hay em trai để nhờ giúp đỡ.
Khó khăn chồng chất khiến nhiều tháng nay, Li sụt cân và mắc chứng trầm cảm.
“Cuộc sống vốn đã chật vật, lại càng thử thách hơn với những người mẹ có con bị bệnh như tôi. Nhiều lúc, tôi cảm thấy chán nản, bế tắc, song chính tình yêu với con trai đã thúc đẩy tôi tiến lên phía trước”, cô cho hay.
Cuoc song cay dang cua dan ngheo trong long Hong Kong hinh anh 3 w644.jpg
Khi những cuộc biểu tình vẫn tiếp tục kéo dài, bài toán cứu giúp những người dân nghèo vẫn ở thế nan giải.
Số người nghèo tăng kỷ lục
Số lượng người nghèo ở Hong Kong đã đạt mức cao nhất trong 10 năm, vào khoảng 1,41 triệu vào năm 2018, chiếm 20,4% tổng số dân, theo báo cáo mới nhất được chính quyền công bố vào tháng 12.
Điều đó có nghĩa là hơn một phần năm số người dân sống dưới mức nghèo đói, với thu nhập hàng tháng là 4.000 HKD cho một người, 10.000 HKD cho hộ gia đình hai người và 16.500 HKD cho hộ gia đình ba người.
Tình trạng này càng tồi tệ hơn đối với những người thất nghiệp, người già, các hộ gia đình mới chuyển từ Đại lục đến Hong Kong, báo cáo chỉ ra.
Sự gia tăng tình trạng khó khăn ở những người trẻ từ 18-29 tuổi cũng ở mức báo động. Tỷ lệ nghèo ở thanh niên đạt 12,6% trong năm 2018, tăng từ 11,9% vào năm 2015.
Sự giúp đỡ của chính quyền thành phố chủ yếu dưới dạng trợ cấp tiền mặt đều đặn đã giảm số người nghèo xuống còn khoảng 1,02 triệu, theo báo cáo.
Người đứng đầu bộ phận Lao động và Phúc lợi thành phố Chi-kwong lập luận rằng dân số ở mức nghèo trên thực tế thấp hơn, ở mức 910.000 người, dù ông thừa nhận con số này vẫn cao.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho hay số liệu thống kê không thực sự phản ánh tình trạng nghèo đói.
|
Khó khăn chồng chất khó khăn có thể gây ra vòng lặp nghèo khó giữa các thế hệ. |
Giáo sư Paul Yip Siu-fai của Đại học Hong Kong cho biết sự phát triển kinh tế của thành phố - mức tăng 3% trong năm 2018 - không có lợi cho hầu hết người Hong Kong, đặc biệt là với hộ gia đình thu nhập thấp.
Những người cao tuổi đã nghỉ hưu không có thu nhập có nguy cơ đói nghèo cao hơn. Khoảng 516.600 người, tương đương 44,4% tổng dân số cao tuổi, là người nghèo. Tỷ lệ nghèo của họ cao hơn gấp đôi so với dân số nói chung.
Với tỷ lệ nghèo là 48,1% trong năm 2018, báo cáo cho biết các hộ gia đình gồm hai vợ chồng và con cái có nguy cơ đói nghèo cũng ở mức đáng lo ngại, vì các bậc cha mẹ này phải chăm sóc trẻ em và thiếu hụt thành viên đi làm.
Sze Lai-shan, nhà tổ chức của Hiệp hội Tổ chức Cộng đồng Hong Kong, cho biết các gia đình nghèo có con cái nằm trong số những người vất vả nhất.
“Môi trường sống tồi tệ có thể khiến họ gặp vấn đề về cảm xúc. Việc thiếu tiền khiến trẻ em không được hưởng nền giáo dục tốt. Điều đó dẫn đến một vòng tròn nghèo khó giữa các thế hệ”, Sze đánh giá.
Mặt khác, tình trạng dân nghèo ngày một trầm trọng sẽ càng làm tồi tệ và gây mất ổn định xã hội, nhất là trong bối cảnh Hong Kong vốn đã chìm trong bất ổn nhiều tháng qua.
Wong Wo-ping, Giám đốc an sinh xã hội và việc làm của Hội đồng Dịch vụ xã hội Hong Kong, nói rằng chính quyền thành phố nên tăng mức lương tối thiểu - hiện là 37,5 HKD mỗi giờ để hỗ trợ các hộ gia đình có thu nhập thấp.
Mok Hing-luen, 61 tuổi, giảng viên cao cấp đã nghỉ hưu tại Đại học City, thường xuyên đến thăm các hộ nghèo. Ông nói rằng nhiều người nghèo cảm thấy bị cô lập và sức khỏe, tinh thần của họ cũng cần được chăm sóc.
“Với tình trạng bất ổn chính trị và triển vọng kinh tế ảm đạm, chính quyền thành phố khó có thể tạo ra những thay đổi lớn. Tình hình hoàn toàn có thể tồi tệ hơn với những người dân nghèo”, ông nói.
Theo Trà My/Zing News