Dân mạng Trung Quốc tranh cãi chuyện ông ngoại bắt cháu gái theo họ

Google News

Người phụ nữ ở Thượng Hải cho biết cô rất mệt mỏi khi cha đẻ muốn cháu gái 10 tuổi đổi sang họ của ông, nếu không sẽ tự tử.

Con gái của người đàn ông đến từ thành phố Thượng Hải (Trung Quốc) đã gọi đến đơn vị giải quyết xung đột gia đình ở địa phương để phàn nàn về những yêu cầu từ cha cô, South China Morning Post đưa tin.

Người phụ nữ giấu tên, nói với người hòa giải vào hôm 16/7: "Thời gian gần đây, tôi quá mệt mỏi vì bị cha mình uy hiếp. Con gái tôi đã 10 tuổi, nhưng ông nhất quyết muốn cháu ngoại đổi sang họ của mình, nếu không ông sẽ chết".

Theo người con gái, vợ chồng cô phải dựa vào cha để kiếm sống và có nơi ở. "Bởi vậy cha tôi nói rằng ông cảm thấy bị bóc lột khi cháu gái không theo họ mình", cô kể.

Trên mạng xã hội, nhiều người bày tỏ sự ủng hộ đối với người cha, cho rằng yêu cầu của ông là "công bằng".

"Anh con rể có vẻ không muốn mất bất kỳ quyền lợi nào", "Con rể không có đủ khả năng để chu cấp bất kỳ nhu cầu cơ bản nào cho gia đình, nhưng lại không muốn con gái theo họ của người nuôi cả nhà", "Nhận họ của ông ngoại cũng như lấy họ mẹ thôi, điều này hoàn toàn có ý nghĩa", nhiều dân mạng bày tỏ.

Dan mang Trung Quoc tranh cai chuyen ong ngoai bat chau gai theo ho

Người ông muốn cháu ngoại đổi sang họ của mình vì ông là người nuôi sống cả gia đình. Ảnh minh họa: Handout.

Theo luật pháp Trung Quốc, một đứa trẻ có thể lấy họ mẹ. Trong một số gia đình giàu có, quyền quý, con cái vẫn đặt theo họ mẹ.

Ví dụ như hai ái nữ của CEO tập đoàn Huawei là Meng Wanzhou (còn được gọi là Cathy Meng) và em gái cùng cha khác mẹ của cô, Annabel Yao, không mang họ của cha, ông Ren Zhengfei.

Theo Wang Xuming, cựu chủ tịch một tòa án địa phương ở Thượng Hải, mối quan tâm lớn nhất đối với những đứa trẻ nhận họ của mẹ hoặc cha chúng là sự đoàn kết trong gia đình.

"Khi cha mẹ chọn họ cho con, chúng tôi yêu cầu xem xét sự hòa hợp để không gây nên xung đột gia đình. Có nhiều giải pháp khác nhau, ví dụ dùng tên có hai chữ mang hai họ của cha và mẹ", Wang nói.

Sau khi chính sách một con được xóa bỏ, và chính phủ cho phép các cặp vợ chồng sinh hai con từ năm 2016, nhiều gia đình có hai con đã để một con theo họ cha và đứa trẻ còn lại mang họ mẹ.

Theo báo cáo hàng năm của Bộ Công an nước này về tên, 7,7% trẻ sơ sinh năm 2020 lấy họ mẹ. Ở một số thành phố lớn, chẳng hạn như Thượng Hải, con số này còn lớn hơn, với 8,8% trẻ sơ sinh lấy họ mẹ vào năm 2018.

Theo Đinh Phạm/Zing