Theo War History Online, anh nuôi đóng vai trò quan trọng trong quân đội dù chỉ mang cấp bậc thấp. Ngoài việc nuôi quân, đầu bếp còn giúp các binh sĩ vững tinh thần chiến đấu.
|
Xe tăng hạng nặng Tiger 2 của Đức trong Thế chiến 2. |
Trong Thế chiến 2, một đầu bếp Liên Xô thậm chí còn tiến xa hơn thế, trở thành anh hùng quân đội.
Ivan Pavlovich Sereda sinh ngày 1/7/1919, trong một gia đình nông dân ở làng Oleksadrivka, gần thành phố Kramatorsk của Ukraine ngày nay. Lớn lên, Sereda không theo học đại học mà đăng ký vào Trung tâm Huấn luyện Nấu ăn Donetsk để trở thành đầu bếp.
Sau khi tốt nghiệp, Sereda tiếp tục dấn thân vào con đường làm đầu bếp, nhưng không theo cách mà ông từng nghĩ. Sereda gia nhập Hồng quân Liên Xô năm 1939.
Sau khi trải qua khóa huấn luyện cơ bản, Sereda trở thành anh nuôi của Trung đoàn tăng số 91, Sư đoàn tăng số 46, Quân đoàn Bộ binh Cơ giới số 21.
Tháng 2/1941, quân Đức bắt đầu tập kết ở biên giới Romania-Liên Xô. Các máy bay Đức liên tục trinh sát trên không phận nước này. Lãnh tụ Stalin tin rằng một cuộc xâm lược sắp diễn ra, dù lúc đó Đức vẫn đang cố gắng tập trung đánh Anh ở mặt trận phía Tây.
|
Quân Đức tập trung tại biên giới với Liên Xô ngày 22.6.1941. |
Ngày 21/6, Hồng quân Liên Xô được đặt trong trạng thái cảnh giác cao độ. Vào lúc 1 giờ sáng ngày hôm sau, toàn bộ lực lượng đều sẵn sàng chiến đấu.
Cơ sở hạ tầng thông tin liên lạc của Liên Xô khi đó rất kém, nhiều đơn vị tiền tuyến nhận điện quá muộn hoặc không nhận được thông báo. Lúc hơn 3 giờ sáng ngày 22.6, 3 triệu quân Đức mở màn chiến dịch xâm lược Liên Xô mang tên Barbarossa.
Nhiều đơn vị quân đội Liên Xô không biết rằng lãnh thổ đang bị Đức tấn công. Đến trưa cùng ngày, Ngoại trưởng Liên Xô Vyacheslav Molotov mới thông báo tình hình qua radio.
Tháng 8/1941, đơn vị của Ivan Pavlovich Sereda đóng quân ở bên ngoài thành phố Dvinsk. Vào một buổi tối, đồng đội ra ngoài làm nhiệm vụ, chỉ còn một mình Sereda đang chuẩn bị bữa ăn.
Điều bất ngờ là một chiếc xe tăng bỗng nhiên xuất hiện. Đầu bếp Liên Xô nhanh chóng nhận ra đó không phải xe tăng của đồng đội mà là quân Đức, nên ông nấp sau lều bếp.
Chiếc xe dừng lại ở khu đất trống, 4 lính xuống xe và nói chuyện với nhau bằng tiếng Đức. Ivan Pavlovich Sereda cầm súng trường và một chiếc rìu chẻ củi lao ra hò hét.
|
Binh sĩ Liên Xô ẩn nấp trong hào chống tăng. |
Lính Đức cho rằng họ bị số đông quân đội Liên Xô tấn công, vội vã trèo vào xe tăng trong khi Sereda cầm rìu đuổi theo ngay phía sau.
Đối phương đóng nắp xe và dùng súng máy tấn công, nhưng Sereda nhảy lên nóc xe, dùng rìu bổ nhiều nhát vào nòng pháo cho đến khi nó bị cong. Lính Đức tìm cách lái xe bỏ chạy, nhưng Sereda bịt kín các kính ngắm, khiến tổ lái hoàn toàn không nhìn thấy tình hình bên ngoài.
Sereda tiếp tục vừa bổ rìu vào chiếc xe tăng vừa hò hét đồng đội đem lựu đạn chống tăng đến. Mặc dù không có ai xuất hiện nhưng Serada cũng không biết lính Đức bên trong xe đã đầu hàng.
Một lúc sau, người đầu bếp Liên Xô ra lệnh cho từng lính Đức bước ra khỏi xe. Sereda yêu cầu lính Đức lần lượt tự trói tay nhau lại. Khi được thông báo về vụ việc, cấp trên rất ấn tượng với hành động của Sereda nên đã chuyển anh qua đơn vị trinh sát.
|
Phụ nữ Liên Xô đào hào chuẩn bị cho trận chiến bảo vệ Moscow. |
Vài tuần sau, với vai trò trinh sát, cựu đầu bếp trông thấy một xe tăng Đức đang đuổi theo nhóm đồng đội.
Khi chiếc xe dừng lại quan sát, Sereda bí mật áp sát, ném lựu đạn vào trong xe, vô hiệu hóa kíp điều khiển. Trước khi lực lượng Đức kịp phản ứng, anh leo lên xe và khai hỏa, tiêu diệt thêm 12 lính Đức ở bên ngoài, buộc những tên còn lại đầu hàng.
Ivan Pavlovich Sereda được thăng hàm trung đội trưởng, chỉ huy một đơn vị thuộc Trung đoàn Bộ binh số 1, Sư đoàn bộ binh số 46, Tập đoàn quân số 1. Sereda tham gia chiến đấu trong trận vây hãm Leningrad từ ngày 10/10-23/11/1941.
Sau đó, Sereda được thăng cấp, chỉ huy một đại đội thuộc Trung đoàn Bộ binh số 7, Sư đoàn Bộ binh số 185, Tập đoàn quân số 30 tham gia trận chiến bảo vệ Moscow từ ngày 27/11/1941-5/1/1942.
Giải ngũ vào năm 1945, Ivan Pavlovich Sereda giữ hàm trung úy và được tặng thưởng danh hiệu Anh hùng Liên Xô, Huân chương Lenin và một số giải thưởng khác. Đây được coi là thành tích phi thường với một người khởi đầu chỉ là đầu bếp.
Theo Đăng Nguyễn/Dân Việt