Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide đã nêu bật lên lý do chọn Việt Nam cho chuyến công du đầu tiên kể từ khi ông nhậm chức, trong sự kiện họp báo chung với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sau cuộc hội đàm ngày 19/10.
“Việt Nam đóng vai trò trọng yếu khi Nhật Bản tiến hành chính sách Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và mở (FOIP)”, ông Suga phát biểu.
“Nhật Bản là một quốc gia Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, và sẽ góp phần cho hòa bình và thịnh vượng ở khu vực. Tôi chọn Việt Nam vì Việt Nam là địa điểm thích hợp nhất để tôi gửi thông điệp này lần đầu tiên ra thế giới”.
|
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bắt tay Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide. Hai nhà lãnh đạo đã có cuộc hội đàm ngày 19/10. Ảnh: Hoàng Hà. |
Chia sẻ với Zing, tiến sĩ Nicholas Chapman, chuyên gia nghiên cứu an ninh quốc tế và chính trị của các nước châu Á - Thái Bình Dương, nhận định chuyến thăm của Thủ tướng Suga tới Việt Nam mang tính chiến lược ở nhiều lý do.
Trước tiên, chuyến công du đầu tiên này của nhà lãnh đạo Nhật Bản kể từ khi nhậm chức cho phép ông tương tác đối ngoại với quốc gia có quan hệ kinh tế và an ninh chặt chẽ với Tokyo.
Thứ hai, chuyến thăm mang lại cơ hội cho ông Suga tạo ra cú hích quan trọng cho nền kinh tế lớn thứ ba thế giới. Tokyo đang nỗ lực đa dạng hóa chuỗi cung ứng của mình vì sự tàn phá của virus corona, phá vỡ chuỗi cung ứng truyền thống của nước này.
Từ tháng 2 đến tháng 6, tình trạng thiếu khẩu trang đã xảy ra trên toàn Nhật Bản. Việc đa dạng hóa chuỗi cung ứng sẽ ngăn chặn tình trạng đó lặp lại trong tương lai. Do đó, Nhật Bản mong muốn đầu tư hơn nữa vào Việt Nam.
Chuyến đi cũng tạo cơ hội cho Nhật Bản tiến về phía trước và lấy lại cảm giác bình thường hóa trong hoạt động đi lại giữa hai nước. Sự trở lại của du khách Nhật sẽ là tín hiệu đáng mừng đối với Việt Nam và việc gia tăng đi lại từ cả hai bên cũng là dấu hiệu cho thấy quan hệ kinh tế đang nảy nở.
Tại cuộc họp báo sau hội đàm, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói hai bên “đã thỏa thuận về áp dụng những quy chế đi lại ưu tiên, nhất trí sớm khôi phục đường bay thương mại”.
Về hợp tác chống dịch Covid-19, thủ tướng Nhật cho biết: “Nhật Bản và Việt Nam sẽ thúc đẩy đa dạng hóa chuỗi cung ứng, vừa (sử dụng) tối đa trang thiết bị y tế mà chính phủ Nhật Bản hỗ trợ, với tổng số tiền 4 tỷ yen Nhật (38 triệu USD), hai nước sẽ phối hợp để có thể chung bước trên con đường phục hồi sau dịch Covid-19”.
|
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã cùng Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide tham quan Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch. Ảnh: Hoàng Hà. |
“Lý do sau cùng và cũng quan trọng nhất cho thấy chuyến thăm của ông Suga mang tính chiến lược là nó giúp ông thể hiện quan điểm rõ ràng ở Biển Đông. Trước khi rời Sân bay Haneda để lên đường tới Hà Nội, Thủ tướng Suga nói rằng: ‘Tôi muốn thể hiện quyết tâm đóng góp cho hòa bình và thịnh vượng của khu vực bằng việc hiện thực hóa tầm nhìn về Ấn Độ Dương - Thái Bình dương tự do và rộng mở’. Trong bài phát biểu trước các sinh viên Đại học Việt - Nhật ở Hà Nội chiều 19/10, ông nhấn mạnh một lần nữa sự phản đối mạnh mẽ các hành động làm gia tăng căng thẳng ở Biển Đông”, tiến sĩ Chapman nói với Zing.
Vị chuyên gia người Anh đang sinh sống và làm việc ở Nhật Bản này đánh giá chuyến công du của Thủ tướng Suga đã gặt hái thành công ở tất cả mục tiêu nói trên.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Suga đã chứng kiến lễ trao đổi 12 văn kiện ký kết giữa các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp hai nước với tổng trị giá gần 4 tỷ USD.
Bên cạnh đó, hai quốc gia tuyên bố nối lại các liên kết du lịch hàng không. Cuối cùng, về nguyên tắc, hai nước đã “cơ bản đạt được thỏa thuận về hiệp định chuyển giao thiết bị và kỹ thuật quốc phòng, là bước phát triển lớn trong hợp tác an ninh - quốc phòng giữa hai nước”.
|
Ông Suga phát biểu trước các sinh viên Đại học Việt - Nhật ở Hà Nội chiều 19/10. Ảnh: Đại học Việt - Nhật. |
Cũng tại sự kiện ở đại học Việt - Nhật chiều 19/10, đánh dấu lần đầu tiên một thủ tướng Nhật có bài phát biểu chính sách tại Việt Nam, Thủ tướng Suga đã nhấn mạnh những giá trị mà Nhật Bản và ASEAN có chung là thượng tôn pháp luật, cởi mở, minh bạch và tự do, sẽ là cơ sở thúc đẩy hợp tác.
Đó là những giá trị được ASEAN đặt ra khi công bố “Tầm nhìn ASEAN về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương”, có nhiều điểm chung với chiến lược “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và mở” mà Nhật Bản đang theo đuổi, theo ông Suga.
Tiến sĩ Chapman cho rằng đây là điểm nhấn đáng chú ý trong bài phát biểu của nhà lãnh đạo Nhật.
“Điều thú vị là trong bài phát biểu của mình tại Đại học Việt - Nhật, Thủ tướng Suga đã đề cập rằng tầm nhìn của Nhật Bản và ASEAN về một Ấn Độ Dương tự do và rộng mở dựa trên các giá trị chung như thượng tôn pháp luật, cởi mở, minh bạch và tự do. Các nhà đầu tư coi trọng sự ổn định hơn bất kỳ điều gì khác và cam kết của ông đối với một Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương hòa bình sẽ làm yên lòng các nhà đầu tư trong nước và các đối tác quốc tế”, vị chuyên gia nói với Zing.
Điều này được cho là thể hiện Nhật Bản coi trọng Việt Nam trong việc triển khai chính sách đối ngoại với Đông Nam Á. Cũng trong bài phát biểu nói trên, ông Suga nhấn mạnh mong muốn theo đuổi hợp tác nhiều hơn với các thành viên khác của ASEAN.
Phát biểu ở Tokyo hôm 16/10, ông Suga nói rằng ông mong muốn chuyến thăm tới các nước Đông Nam Á lần này thể hiện Nhật Bản sẽ giữ vai trò đi đầu trong hòa bình và thịnh vượng của khu vực Đông Nam Á.
Người tiền nhiệm của Thủ tướng Suga, ông Shinzo Abe cũng chọn Việt Nam là điểm dừng chân đầu tiên trong chuyến công du đầu tiên sau khi nhậm chức nhiệm kỳ thủ tướng thứ hai năm 2012.
Sau Việt Nam, Thủ tướng Suga sẽ có chuyến thăm tới Indonesia và hội đàm với Tổng thống Joko Widodo ngày 20/10.
Theo Đỗ Quyên/Zing