Điện Biên Phủ trên không: 5 năm cho 12 ngày (3)

Google News

(Kiến Thức) - Trận đánh thành công ở Hải Phòng tháng 4/1972 củng cố lòng tin của người Mỹ.

Kỳ 3: Biểu tượng sụp đổ

Nếu trong Thế chiến thứ 2, cứ 1.000 lần xuất kích Không quân Mỹ mất 9 máy bay thì trong 12 ngày đêm đánh phá Bắc Việt Nam cuối năm 1972 con số ấy lên tới 27 chiếc. Đặc biệt số B-52 bị mất lên tới con số 17% khiến thần tượng uy thế Không quân  Mỹ sụp đổ.

Ít người biết rằng, 8 tháng trước chiến dịch Linerbacker II, người Mỹ đã có 1 chiến thắng trong chiến dịch được xem như cuộc tập dượt khi họ cho B-52 đánh vào Hải Phòng và rút về an toàn. Chiến thắng này đã củng cố lòng tin của người Mỹ rằng họ đã hoàn toàn chế áp hoàn toàn hệ thống phòng không đối phương. 

B-52 thật, B-52 giả

Ngày 16/4/1972, Không quân Mỹ điều 30 chiếc B-52 vào đánh Hải Phòng. Lúc này, trung đoàn tên lửa 263 đang ở trong tình huống diễn tập theo phương án đánh B-52. Các phái viên của quân chủng đang có mặt ở sở chỉ huy và các trận địa. Đây là một cuộc gặp gỡ ngẫu nhiên thú vị. 

Những kẻ mang B-52 đi đánh phá đang thí nghiệm một thủ đoạn tác chiến mới còn phía phòng thủ đang trong tình huống diễn tập để phổ biến những kinh nghiệm chống B-52.

Lúc 2h15, địch điều máy bay cường kích vào đánh phá. Đến 2h28, trên bảng tiêu đồ của tổng trạm radar, những tốp B-52 bắt đầu xuất hiện. Tới 2h32, tổng trạm radar lại thông  báo có B-52 hoạt động ở độ cao 9-10km. Các đơn vị của trung đoàn 285, 238 đã bắn hết hơn 10 quả đạn mà không thấy hiệu quả gì. 

Máy bay B-52 ném bom oanh tạc mục tiêu.

Nhưng ngay sau đó, các tốp B-52 bắt đầu bay vào và loạt bom đầu tiên nổ vào lúc 2h56 phút. Chính lúc này lại không thấy các tiểu đoàn tên lửa phóng đạn. Sở chỉ huy giục bắn thì các đơn vị báo cáo là không thấy gì hết cả. Mãi đến 3h36, lúc loạt bom cuối cùng nổ và B-52 đã quay ra mới thấy có 5 quả đạn phóng lên.

Trận đánh đã kết thúc, hai trung đoàn 285 và 238 đã bắn 10 quả tên lửa chỉ để đổi lấy một chiếc B-52 mà không phải rơi tại chỗ. Không quân Mỹ đã dùng một thủ đoạn mới là dùng những máy bay F4 bay ổn định ở độ cao 10km theo đội hình giống B-52 để đánh lừa các chiến sĩ radar của ta.

Với kết quả này, Không quân Mỹ hoàn toàn yên tâm với các thủ đoạn và hệ thống điện tử tiên tiến của mình hoàn toàn có thể vô hiệu hóa mạng lưới phòng không miền Bắc Việt Nam. Nhưng chúng đã nhầm, bộ đội Việt Nam đã nhanh chóng tìm ra cách đối phó thủ đoạn mới và “giáng một đòn mạnh” vào niềm kiêu hãnh của người Mỹ trong 12 ngày đêm cuối 1972.

1 quả tên lửa diệt 1 B-52

Mặc dù bất ngờ huy động một lực lượng B-52 lớn để tập trung đánh phá một vùng trời chật hẹp là Hà Nội. Sng ngay từ phút đầu, các máy bay B-52 đã được chào đón bằng những loạt tên lửa quyết liệt. 

Sang các đêm tiếp theo của chiến dịch, máy bay Mỹ bị rơi ngày càng nhiều. Đại úy không quân Drenkowski viết: “Con số thiệt hại cứ ngày một tăng dần lên. Đầu tiên là 3 chiếc, rồi 4, rồi 6 chiếc B-52 rơi trong một ngày... Từ ngày 22-24/12, tinh thần phi công tại các căn cứ B-52 suy sụp, số lớn phi công xin rút ra khỏi diện bay vì lý do sức khỏe. Các buổi giao nhiệm vụ thực hiện các phi vụ hàng ngày trở thành những cuộc cãi vã. Phi công cười mỉa mai hoặc nói kháy các sĩ quan thuyết trình”.

Trong khi tinh thần các phi công địch ngày càng đi xuống thì bộ đội tên lửa Việt Nam càng đánh càng chính xác. Theo thiết kế của tên lửa SAM-2, mỗi lần bắn phải phóng 3 tên lửa vào một mục tiêu thì mới có hiệu quả. Tuy vậy, trong tình trạng khó khăn đạn dược, bộ đội ta đã đánh theo phương thức “con nhà nghèo” nhưng vẫn đảm bảo chiến thắng. 

Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Văn Phiệt và kíp trắc thủ trong 10 phút bắn hạ 2 B-52.

Rạng sáng ngày 21/12, khi từng tốp B-52 đang nối tiếp nhau bay vào thì trên các bệ phóng của tiểu đoàn 57 chỉ còn 3 quả đạn (một quả bị hỏng). Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Văn Phiệt hạ quyết tâm đánh "quả một", nghĩa là mỗi lần dùng một quả. Lúc 5h09, quả thứ nhất rời bệ phóng hạ một chiếc B-52. Tiếp đó, 5h19 quả đạn cuối cùng trên bệ phóng lao vút lên hạ thêm một B-52 nữa, chiếc này rơi xuống gần Núi Đôi, Vĩnh Phú. 

Không chỉ có tiểu đoàn 57, nhiều tiểu đoàn khác cũng đánh thắng B-52 với hiệu suất rất cao. Trong đêm 19-20/12 tiểu đoàn 77 đã đánh liên tiếp 3 trận theo kiểu “tiết kiệm” như vậy. 

Hồi 4h30 sáng ngày 19/12, chỉ huy Tiểu đoàn 77 Đinh Thế Văn đã cho phóng 2 quả, hạ một B-52 rơi ở xã Tân Hưng, huyện Thanh Oai, Hà Tây. Đêm 20/12, tiểu đoàn lại hạ thêm một B-52 nữa rơi ở Vạn Thắng, Ba Vì, cũng bằng 2 quả đạn. Sau đó đến 5h sáng 20/12, tiểu đoàn phóng tiếp 2 quả đạn cuối cùng bắn rơi tại chỗ một B-52.

Trong chiến dịch 12 ngày đêm cuối 1972, tiểu đoàn 57 và 77 là hai đơn vị bắn rơi nhiều B-52 nhất.

Người Mỹ quá sức chịu đựng

Có một điều vẫn còn gây nhiều tranh cãi trái ngược đó là vì lý do gì mà tổng thống Nixon đã vội vã tuyên bố chấm dứt ném bom, kết thúc cuộc hành binh Linerbacker II khi Hà Nội vẫn chưa “trở về thời kỳ đồ đá”. Nhiều người cho rằng vì dư luận thế giới phản ứng quá mạnh mẽ.

Tuy nhiên, sự thật lại rất mỉa mai là nước Mỹ giàu có đã đuối sức. Những thiệt hại về máy bay chiến lược B-52 quá lớn khiến họ phải sớm bỏ cuộc. Trong chính hồi ký của mình, Nixon viết: “"Nỗi lo sợ của tôi trong những ngày này không phải là do những làn sóng phản đối và phê phán nghiêm khắc ở trong nước và trên thế giới, mà chính là ở mức độ tổn thất về máy bay B-52 quá nặng nề”.

Những tổn thất về máy bay B-52 của Mỹ với mỗi nguồn công bố là khác nhau. Chính phủ Mỹ chỉ thừa nhận họ bị bắn rơi 15 B-52 trong đó 10 chiếc rơi ở Bắc Việt Nam, 4 chiếc rơi tại Lào và 1 chiếc rơi tại Thái Lan. 

Đưa ra một con số khác, Đại úy Không quân Drenkowski nói: “Lệnh ngừng ném bom được được công bố vào ngày lễ Noel .Các nhân viên SAC tai Omaba Nebraska báo cáo về thiệt hại lúc đó đã tới từ 10% đến 12% trong số từ 150 đến 200 chiếc B-52 hiện có ở Đông Nam Á”.

Xác B-52 trên đường phố Hà Nội.

Còn theo nguồn của phía Việt Nam công bố thì trong cả 12 ngày đêm diễn ra chiến dịch, lực lượng Phòng không – Không quân đã bắn rơi 34 máy bay B-52. Ngay trong 2 ngày đầu đã có 5 chiếc bị rơi (đêm 18 rơi 3 chiếc, đêm 19 rơi 2 chiếc). Những ngày tiếp theo, B-52 tiếp tục bị rơi nhiều hơn, như ngày 20/12 có 7 chiếc B-52 bị rơi và ngày 26/12, 8 chiếc tiếp theo bị tên lửa SAM-2 tiêu diệt. 

Giới phân tích cho rằng số liệu của Việt Nam đáng tin cậy hơn vì nó phù hợp với thống kê của cãng hãng tin AP cũng như những bình luận của các tờ báo trong thời điểm đó. 

Ngày 29/12/1972, Reuters đưa tin: "Các nhà quan sát quân sự ở Washington ước tính rằng với mức độ 33 chiếc bị hạ trong vòng 10 ngày qua, thì chỉ 3 tháng nữa B-52 Mỹ sẽ bị tuyệt chủng.

Hôm nay, chúng ta kỷ niệm 40 năm chiến thắng Điện Biên Phủ trên không. Thời gian đã đủ dài, các tài liệu của cả hai bên đưa ra đã đủ phong phú để nhìn lại lịch sử một cách toàn diện hơn. Các nhà quân sự hẳn là sẽ rút ra nhiều bài học để phục vụ nền quốc phòng hiện tại. 

Còn đối với những người dân Việt Nam, nhắc lại chiến thắng này, chúng ta có quyền tự hào về truyền thống đánh giặc của cha ông và tự tin rằng trong bất kỳ tình huống nào, chỉ cần người Việt đồng tâm nhất trí, dám đánh và biết đánh thì dù kẻ địch có xảo quyệt, có vũ khí hiện đại đến đâu cũng phải chịu thất bại.


Vũ Tiến Đức