Lãnh đạo 53 quốc gia châu Phi sẽ tham gia Diễn đàn Hợp tác Trung Quốc - châu Phi được tổ chức tại thủ đô Bắc Kinh, Trung Quốc vào ngày mai (3/9). Hội nghị này diễn ra sau chuyến thăm của các nhà lãnh đạo châu Âu tới châu Phi, đánh dấu “ sự trở lại” của các quốc gia này trong bối cảnh châu Phi đang trở thành tâm điểm của một cuộc cạnh tranh ảnh hưởng giữa những nước lớn trên thế giới.
Diễn đàn hợp tác châu Phi – Trung Quốc được cho là sẽ chứng kiến các thông báo với hàng tỉ USD đầu tư của Trung Quốc đổ vào châu Phi để xây dựng cơ sở hạ tầng tại châu lục này. Tại Hội nghị thượng đỉnh ở thành phố Johannesburg của Nam Phi vào tháng 12/2015, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã thông báo 60 tỉ USD hỗ trợ cho việc phát triển cơ sở hạ tầng tại châu Phi.
|
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (phải) trong lễ đón Tổng thống Sierra - Leone Julius Maada Bio ở Bắc Kinh. Ảnh: AFP. |
Với chủ đề “Trung Quốc và châu Phi: hướng đến một cộng đồng mạnh mẽ hơn với một tương lai chung thông qua hợp tác hai bên cùng có lợi”, diễn đàn lần này tiếp tục là một cơ hội để Trung Quốc và châu Phi thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế ,thương mại chặt chẽ hơn.
Không thể phủ nhận vai trò và ảnh hưởng ngày càng lớn của Trung Quốc tại châu lục giàu tài nguyên này. Không chỉ hợp tác thương mại và đầu tư, Trung Quốc còn chú trọng đến vấn đề an ninh cũng như tham gia vào nỗ lực hòa giải xung đột hay cứu trợ nhân đạo tại châu Phi.
Bất chấp những chỉ trích về nguy cơ “bẫy nợ ngoại giao” của Trung Quốc đối với các nước khu vực, mối quan hệ hợp tác châu Phi – Trung Quốc đang chứng kiến những bước tiến dài vượt bậc.
Phát biểu trước Diễn đàn, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres cho rằng, sự hợp tác Trung Quốc- châu Phi là nền tảng cơ bản cho sự thay đổi tích cực tại châu lục này: “Điều quan trọng là sự phát triển đều do các nước châu Phi đi đầu, với sự hợp tác của Trung Quốc là nền tảng cơ bản đối với sự phát triển của châu Phi. Trung Quốc đã làm mọi điều có thể để đảm bảo rằng sự hợp tác sẽ tạo điều kiện cho châu Phi phát triển hiệu quả, thành công và do chính các nước châu Phi dẫn dắt”.
Cùng với Diễn đàn hợp tác Trung Quốc- châu Phi, chuyến thăm của Thủ tướng Đức Angela Merkel và Thủ tướng Anh Theresa May mới đây cho thấy vị trí ngày càng quan trọng của châu Phi trong mắt các cường quốc hàng đầu thế giới.
Một châu lục 1,2 tỷ dân và có thể tăng gấp đôi vào năm 2050 cùng nguồn tài nguyên khoáng sản dồi dào đang tạo ra một cuộc “chạy đua tới châu Phi” của những nước lớn trên thế giới.
Thủ tướng Anh Theresa May đặt mục tiêu đến năm 2022, Anh sẽ trở thành nước có mức đầu tư tại châu Phi cao nhất trong Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7), cho thấy tầm quan trọng của châu Phi trong chiến lược tương lai của Anh khi nước này đang chuẩn bị rời khỏi Liên minh châu Âu.
Đối với Thủ tướng Đức Angela Merkel, ngoài vấn đề hợp tác kinh tế, hợp tác với châu Phi cũng là chìa khóa cho sự ổn định đối với nước Đức nói riêng và cả châu Âu nói chung, trong bối cảnh khối này đang nỗ lực ngăn chặn làn sóng di cư từ châu Phi tới châu Âu.
Kể từ đầu năm, châu Phi cũng là điểm đến của hàng loạt nguyên thủ của các cường quốc hàng đầu thế giới như Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron.
Mặc dù mỗi quốc gia tìm cách tiếp cận châu Phi theo một con đường khác nhau nhưng cuộc đua tới châu Phi đang chứng kiến những diễn biến hết sức sôi động. Theo giới quan sát, trong bối cảnh chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump dường như không mấy hứng thú với khu vực này, còn châu Âu chưa đủ năng lực và quyết tâm tăng tốc nên sẽ khó có đối thủ nào có thể vượt qua được Trung Quốc trong cuộc đua tới châu lục đầy tiềm năng này.
Theo Phạm Hà/VOV