Điều đặc biệt làm nên lịch sử của cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2020

Google News

Cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2020 chứng kiến cuộc chạy đua gay cấn giữa hai ứng viên Donald Trump và Joe Biden, với chiến thắng thuộc về ứng viên đảng Dân chủ.

Là một siêu cường có quan hệ kinh tế, quân sự, văn hóa và ngoại giao trải khắp thế giới nên các diễn biến trên chính trường Mỹ đều có tác động toàn cầu dù nhiều hay ít. Do vậy, một cuộc bầu cử thay đổi người sẽ lãnh đạo Nhà Trắng được dư luận khắp nơi quan tâm.
Thời điểm đặc biệt
Cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2020 được đánh giá là mang tính lịch sử vì diễn ra trong bối cảnh xã hội Mỹ bị phân hóa sâu sắc và đối mặt với khủng hoảng đa chiều, từ y tế (đại dịch COVID-19) đến suy thoái kinh tế và khủng hoảng xã hội.
Lây nhiễm mầm bệnh cho hơn 10 triệu người và cướp đi sinh mạng của hơn 243.000 người khác, COVID-19 biến Mỹ thành tâm dịch dai dẳng với số ca nhiễm và tử vong cao nhất thế giới. Thực trạng này càng khoét sâu mâu thuẫn đảng phái, khiến nó trở thành mối quan tâm hàng đầu của cử tri Mỹ. Đeo khẩu trang để tránh lây nhiễm virus, một việc đơn giản ở nhiều quốc gia trên thế giới, cũng trở thành vấn đề chính trị gây tranh cãi với nhiều quan điểm trái ngược.
COVID-19 gây suy thoái kinh tế nghiêm trọng, dẫn tới tình trạng vô số doanh nghiệp làm ăn bết bát và phá sản, đẩy hàng chục triệu lao động vào cảnh mất việc làm. Thực tế này đè nặng thêm lên một nước Mỹ vốn vẫn đang chật vật đương đầu với các vấn đề cố hữu như chia rẽ chính trị và phân biệt chủng tộc. Lo ngại bạo động bùng phát sau bầu cử gia tăng lớn đến mức không ít người phải dùng ván gỗ gia cố xung quanh cửa hiệu, cửa hàng hoặc cơ sở kinh doanh của mình để đảm bảo an toàn.
Dieu dac biet lam nen lich su cua cuoc bau cu tong thong My 2020
 
Hai ứng viên cao tuổi nhất
Trong cuộc bầu cử 2020, cử tri Mỹ đã phải chọn lựa giữa hai ứng viên tổng thống già nhất trong lịch sử chính trị nước này.
Sau 3 thập niên "nuôi mộng" làm tổng thống, Joe Biden cuối cùng cũng đạt được mục tiêu khi ông sắp bước sang tuổi 78 vào ngày 20/11/2020. Với chiến thắng ngày 7/11, ông trở thành tổng thống cao tuổi nhất trong lịch sử Mỹ và sẽ kết thúc nhiệm kỳ ở tuổi 82.
Trước đó, vào năm 2016, Donald Trump đã thiết lập kỷ lục người tổng thống Mỹ cao tuổi nhất khi thắng cử ở tuổi 70.
Việc hai chính trị gia tuổi cao như vậy cạnh tranh nhau vào Nhà Trắng có vẻ là "bất thường" ở Mỹ, nơi xu hướng chung là thần tượng tuổi trẻ. Tuy nhiên, nó phản ánh sự khát khao thay đổi của người dân nước này và chứng tỏ tuổi tác không phải là rào cản, thậm chí còn là lợi thế vì bề dày kinh nghiệm.
"Người Mỹ hiện nay sống lâu và sống khỏe hơn bao giờ hết. Do đó thể trạng của Joe Biden 77 tuổi có thể hơn Ronald Reagan lúc 69 tuổi. Donald Trump đã chứng tỏ bản thân là một nhà vận động mạnh mẽ trên đường tranh cử dù 74 tuổi", ông Wendy Schiller, Giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Brown lý giải.
Hai đường lối trái ngược nhau
Hai ông Donald Trump và Joe Biden được giới phân tích mô tả như hai thái cực trái ngược, với cách tiếp cận khác biệt nhau trong nỗ lực giải quyết các vấn đề quan trọng của đất nước.
Về kinh tế
Sau cương lĩnh tranh cử "Đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại" năm 2016, ông chủ trương "Giữ cho nước Mỹ vĩ đại" trong chiến dịch tranh cử năm nay, tập trung vào kinh tế, việc làm và thuế, đồng thời đặt mục tiêu khôi phục kinh tế về mức trước khi bị đại dịch COVID-19 tấn công. Ông cam kết "thiết lập các thỏa thuận thương mại công bằng để bảo vệ việc làm của người Mỹ" và tin điều kiện giúp kinh tế hồi phục trở lại là mở cửa lại nền kinh tế và trường học.
Joe Biden với cương lĩnh "Xây dựng lại tốt đẹp hơn" (Build back better) hướng đến hủy bỏ các khoản cắt giảm thuế mà chính quyền Trump đang thực thi, đề xuất tăng thuế doanh nghiệp, nâng thuế thu nhập cá nhân và tăng lương tối thiểu. Ông vạch kế hoạch tăng thuế lên 4 nghìn tỷ USD để tiếp sức cho các chương trình liên bang, đưa nước Mỹ thoát khỏi suy thoái, bao gồm hỗ trợ trực tiếp cho người dân, cho các bang và tăng trợ cấp thất nghiệp.
Về đối ngoại
Tổng thống Trump vẫn hướng tới việc từ bỏ gánh nặng quốc tế, giảm bớt sự can thiệp ở bên ngoài để tập trung nâng cao sức mạnh nội địa, từ đó tạo ra một nước Mỹ mạnh mẽ hơn, sẵn sàng hành động để bảo vệ những lợi ích quốc gia cốt lõi.
Trong khi đó, Joe Biden muốn khôi phục vị thế của Mỹ trên trường quốc tế, cam kết mở ra "làn sóng thần" thay đổi trong cách nước Mỹ xử lý các vấn đề quốc tế. Ông ủng hộ mạnh mẽ các mối quan hệ giữa Mỹ và các đồng minh, đặc biệt là NATO.
Trong quan hệ với Trung Quốc, ông Biden khẳng định Bắc Kinh phải chịu trách nhiệm về những hành vi thương mại không công bằng nhưng tỏ tín hiệu sẽ giải quyết thông qua một nỗ lực quốc tế chứ không phát động thương chiến. Ông cũng cam kết đảo ngược một số quyết sách của Tổng thống đương nhiệm bằng cách khôi phục tư cách thành viên của Mỹ trong Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu.
Đại dịch COVID-19
Tổng thống Trump không đặt nặng tác động của COVID-19, đặt kỳ vọng vào bào chế thành công vắc-xin cuối năm 2020 và cam kết "trở lại trạng thái bình thường vào năm 2021". Ông chủ trương tích trữ đủ nhu yếu phẩm và đảm bảo lực lượng lao động trọng yếu có đủ nguồn lực cần thiết để sẵn sàng đương đầu với các đại dịch trong tương lai. Ông cũng theo đuổi lập trường xóa bỏ Đạo luật Chăm sóc sức khỏe giá cả phải chăng, còn gọi là Obamacare, và thay thế đạo luật này bằng một chương trình tốt hơn.
Joe Biden 'tố' Tổng thống đương nhiệm phản ứng chậm trễ, đổ lỗi cho bên ngoài, không tin vào giới chuyên gia khoa học, và thường xuyên đưa ra khuyến cáo không đúng về các loại thuốc chữa. Cựu Phó Tổng thống và phe Dân chủ thúc giục các nhà khoa học đưa ra khuyến cáo nhất quán, tăng ngân sách hỗ trợ các doanh nghiệp để duy trì việc làm, hợp tác với Quốc hội miễn phí xét nghiệm và điều trị COVID-19.
Những điều chưa từng có tiền lệ
Cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2020 được đánh giá có quá nhiều điều bất ngờ.
Với chiến thắng thuộc về Joe Biden, liên danh tranh cử của ông, thượng nghị sĩ bang California Kamala Harris là người phụ nữ đầu tiên, người da màu đầu tiên và người gốc Á đầu tiên trở thành Phó Tổng thống Mỹ trong 231 năm qua. Điều này thực sự là nguồn cảm hứng mạnh mẽ với nhiều người.
Douglas Emhoff, chồng của nữ thượng nghị sĩ Dân chủ, cũng làm nên lịch sử khi là người Do thái đầu tiên là chồng của một Phó Tổng thống Mỹ.
Năm nay, có khoảng 230 triệu người Mỹ đủ điều kiện bỏ phiếu. Vì đại dịch COVID-19, nước này cho phép bỏ phiếu sớm và bỏ phiếu qua đường bưu điện để tránh lây nhiễm virus, dẫn đến hơn 100 triệu cử tri đã bỏ phiếu trước ngày bầu chính thức. Đây là con số cao chưa từng có trong lịch sử bầu cử Mỹ hơn 100 năm qua.
Tổng chi tiêu cho cuộc bầu cử 2020 cũng cao "chất ngất". Theo báo cáo hồi tháng 10 của Trung tâm Phản ứng chính trị Mỹ (CRP), con số này đạt gần 14 tỷ USD, vượt xa số tiền được chi trong hai kỳ bầu cử trước cộng lại.
Theo tính toán của CRP, các chiến dịch tranh cử của ông Biden và ông Trump có chi phí lên tới khoảng 6,6 tỷ USD, nhiều hơn 2 tỷ USD trong cuộc chạy đua năm 2016. Các đảng viên Dân chủ chi tiêu nhiều nhất, lên tới 6,9 tỷ USD so với mức 3,8 tỷ USD của các ứng cử viên và nhóm đảng viên Cộng hòa.
Tin giả cũng là một hiện tượng khác thường của mùa bầu cử năm nay. Với sự phát triển của mạng xã hội và khoa học công nghệ, việc xuất hiện thông tin sai lệch liên quan bầu cử không còn xa lạ với nước Mỹ, xuất hiện tràn lan trên mạng xã hội như Facebook, Twitter, thậm chí là TikTok.
Thách thức pháp lý
Gần như chắc chắn sẽ có thách thức pháp lý liên quan đến kết quả bầu cử Mỹ vì Tổng thống Trump tuyên bố ông sẽ phản đối tất cả "các tiểu bang được Biden nhận chiến thắng gần đây" với cáo buộc về tình trạng gian lận cử tri. Tin tức cho biết, đội ngũ của ông đang tìm kiếm các luật sư hàng đầu của Mỹ để khởi kiện.
Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng các vụ kiện khó có thể thành công trong việc thay đổi kết quả bầu cử.
Theo Thanh Hảo/Vietnamnet