Độc lạ 'lễ hội tử thần', trải nghiệm đám tang của chính mình

Google News

Việc trải nghiệm cái chết bằng cách nằm trong quan tài, mang ý nghĩa giúp mọi người được thử đối diện với nó và từ đó suy ngẫm thêm về sự sống.

Doc la 'le hoi tu than', trai nghiem dam tang cua chinh minh
Du khách tham gia lễ hội ở Tokyo có thể trải nghiệm cái chết bằng cách nằm trong quan tài trước khi được chào đón trở lại cuộc sống. Ảnh: Weibo
Năm 2023, có khoảng 1,6 triệu người chết ở Nhật Bản, thời kỳ mà truyền thông nước này gọi là "kỷ nguyên tỷ lệ tử vong cao".
Nhưng giờ đây cái chết dường như đã trở thành một viễn cảnh ít đáng sợ hơn, khi một lễ hội kỳ lạ ở nước này được phát động kéo dài 6 ngày ở quận Shibuya của Tokyo từ ngày 13/4. Lễ hội giúp những người tham gia được thử trải nghiệm cái chết mang tên "lễ hội tử thần".
Du khách đến tham gia lễ hội sẽ khám phá thế giới bên kia bằng kính thực tế ảo, lập danh sách những mục tiêu muốn làm trước khi qua đời, nằm trong quan tài và trải nghiệm đám tang của chính mình.
Được tổ chức bởi một tập đoàn gồm các đơn vị có trụ sở tại Tokyo bao gồm các tổ chức phi chính phủ, các công ty truyền thông mới và các chuyên gia tang lễ, lễ hội tử thần đã diễn ra ở Shibuya, ngay trung tâm nhộn nhịp của thủ đô đất nước Mặt trời mọc.
Trong tiếng Nhật, số 4 mang ý nghĩa tiêu cực bởi vì nó đồng âm với chữ "tử", có nghĩa là chết chóc. Vì vậy, ngày 14/4 đã được những người tạo ra lễ hội chỉ định là "ngày tử thần".
Trong thời gian diễn ra sự kiện, du khách có thể trả 1.100 yên (hơn 180 nghìn đồng) để được thử nằm trong quan tài trong 3 phút. Hết thời gian đã định, nhân viên phụ trách sẽ mở nắp quan tài và nói: "Chào mừng trở lại thế giới".
Ngoài ra, lễ hội kéo dài 6 ngày cũng mang đến cho du khách cơ hội khám phá thế giới bên kia bằng công nghệ thực tế ảo, tham dự các bài giảng về truyền thống chôn cất của Nhật Bản và thử các món ăn lấy cảm hứng từ cái chết.
Mục tiêu của lễ hội là thay đổi thái độ xã hội, khuyến khích mọi người thử đối diện với cái chết và gắn kết hơn với sự sống.
Nhật Bản là quốc gia có tỷ lệ tử vong cao, tỷ lệ sinh cực thấp và dân số già. Những người sáng lập lễ hội cho biết mục đích của họ là giúp mọi người suy nghĩ lại về cách sống trong hiện tại bằng cách trải nghiệm cái chết.
Nozomi Ichikawa, một trong những người sáng lập cho biết: "Nếu bạn bắt đầu ngắm nhìn cuộc sống từ những giây phút cuối cùng của nó, bạn sẽ cảm nhận được một thế giới hoàn toàn mới".
Không chỉ ở Nhật Bản, nhiều khu vực khác ở Châu Á cũng có những hoạt động tương tự. Tại thành phố Thượng Hải và thành phố Thẩm Dương ở Trung Quốc cũng có các trung tâm cung cấp trải nghiệm cái chết như mô phỏng thủ tục tang lễ và hỏa táng.
Một người ở tỉnh Quảng Đông từng sử dụng dịch vụ này đã chia sẻ trải nghiệm của mình trên nền tảng mạng xã hội Weibo: "Tôi đã trượt kỳ thi đầu vào của hệ sau đại học và rất suy sụp. Nhưng sau khi nằm trong quan tài, tôi nhận ra đó không phải là vấn đề lớn".
Kể từ năm 2012, hàng chục nghìn người ở thủ đô Seoul của Hàn Quốc đã tham gia "đám tang sống" và dành khoảng 10 phút nằm trong quan tài đóng kín.
Bên cạnh đó, ở Nhật Bản còn có lễ hội Obon, thường kéo dài ba ngày vào giữa tháng 8, bao gồm việc tôn kính tổ tiên thông qua các điệu múa Bon, một truyền thống dân gian để chào đón linh hồn người chết, thả đèn lồng và viếng mộ.
Hay lễ Trung Nguyên, còn được gọi là Lễ hội ma, là một ngày lễ truyền thống ở Trung Quốc, Singapore và Malaysia với mục đích an ủi linh hồn tổ tiên.Người ta thường dâng thức ăn và thả đèn hoa đăng với niềm tin dẫn lối các linh hồn tìm được đường về nhà.
Theo Trần Trang/Báo Tin tức