Theo tờ The Guardian đưa tin, chính quyền thị trấn Ostend (Bỉ) đang dự định cải tạo một nhà chứa máy bay bỏ hoang thành nhà thổ khổng lồ có tên “Hangar d’amour” nhằm phục vụ cho kế hoạch dẹp bỏ khu phố đèn đỏ Hazegras của thị trấn ven biển này.
Được biết, sau khi dự án "siêu nhà thổ" hoàn thiện, toàn bộ lực lượng lao động “buôn hương bán phấn” tại Hazergras sẽ được chuyển tới “siêu nhà thổ” nói trên. Nhà thổ mới tại Ostend sẽ được quản lý bởi Villa Tinto – một công ty đã và đang quản lý một nhà thổ lớn với 51 phòng ở Antwerp. Ngoài các “căn phòng sung sướng”, Hangar d’amour còn tích hợp một quầy bar, một cơ sở nấu bia và một trung tâm thương mại.
|
Cảng tại thị trấn ven biển Ostend, Bỉ. Ảnh: Alamy Stock Photo. |
Tuy nhiên, dự định này đã gặp phải sự phản đối dữ dội của Oostendse Oosteroever - nhóm phi lợi nhuận đang vận động chính quyền cải tạo nhà chứa máy bay thành một bảo tàng để lưu giữ các giá trị văn hóa gắn liền với biển của thị trấn. Trả lời báo chí, nhóm Oostendse Oosteroever cho rằng đây là một dự định “điên rồ” và sẽ phản đối đến cùng. Trong khi đó, thị trưởng Ostend Johan Vande Lanotte lại khẳng định dự án này sẽ đảm bảo an toàn cho các “chị em” trong khi “hành nghề”.
“Các cô gái sẽ có hợp đồng thuê chỗ trực tiếp với công ty quản lý, không có qua trung gian gì hết”, ông Lanotte cho hay.
“Điều kiện làm việc sẽ tốt hơn, ngành nghề trong sạch hơn, tình trạng lạm dụng, bạo lực sẽ được triệt tiêu hoặc ít nhất là bị hạn chế. Ngoài ra, các nữ lao động ‘tình dục’ còn được chăm sóc y tế, cung cấp thông tin và được bảo vệ bởi cảnh sát”.
Theo The Guardian, mại dâm được coi là một ngành nghề hợp pháp tại Bỉ và việc thuê cơ sở để hành nghề mại dâm cũng đã được hợp pháp hóa từ năm 1995. Hiện tại, đang có khoảng 26.000 phụ nữ đang làm việc trong ngành “công nghiệp không khói” tại quốc gia châu Âu này. Thế nhưng, theo số liệu của chính phủ, 80% trong số này không hề làm việc tự nguyện mà là nạn nhân của nạn buôn người hoặc tội phạm có tổ chức.
Theo Tiểu Đào/ Dân Việt