“Hễ là người trở về từ nơi rủi ro vừa hoặc cao, dù anh có hay không giấy tiêm chủng, dù anh có hay không kết quả xét nghiệm Covid-19 còn giá trị trong 48 tiếng, chỉ cần anh trở về thì sẽ bị cách ly rồi tạm giam”, Đổng Hồng, Chủ tịch huyện Đan Thành, tỉnh Hà Nam, nói trong một video, theo South China Morning Post.
Được đăng ngày 20/1, đoạn clip dài 23 giây nói trên đã nhanh chóng lan truyền trên mạng xã hội Trung Quốc, trong bối cảnh chính quyền các địa phương tại đây siết quy định đi lại vì sợ làn sóng người dân về quê ăn Tết sẽ khiến virus lây lan.
Nhưng chính những phát ngôn thanh minh sau đó của ông Đổng mới là giọt nước làm tràn ly, khiến các tờ báo lớn của Trung Quốc đồng loạt lên tiếng chỉ trích vị chủ tịch huyện.
|
Video ghi lại trong một cuộc họp, ông Đổng Hồng nói sẽ cách ly rồi tạm giam người dân trở về huyện Đan Thành từ vùng rủi ro trung bình hoặc cao. Ảnh: Trung tâm tin tức huyện Đan Thành.
|
“Về quê với dụng ý xấu”
Trả lời báo chí, Chủ tịch Đổng cho rằng đoạn clip gây hiểu nhầm vì bị cắt ghép, bỏ sót phần ông nói. Theo Zaobao, vị chủ tịch huyện cho biết ông nghe nói có sau người đang ở vùng rủi ro cao khăng khăng muốn về quê, dù cho có bị “bắn bỏ”.
Vì thế, trong lúc họp ông nói “hễ là người không tuân thủ quy định phòng dịch của địa phương, không nghe can ngăn, về quê với dụng ý xấu, chỉ cần anh trở về thì sẽ bị cách ly rồi tạm giam”, ông Đổng giải thích.
Cụm “về quê với dụng ý xấu” của vị chủ tịch huyện vấp phải phản ứng dữ dội từ người dùng mạng xã hội và truyền thông Trung Quốc.
Hôm 21/1, một bài bình luận trên tờ Đệ Nhất Tài Kinh (Yicai) đặt câu hỏi liệu chủ tịch huyện có thể quy định khái niệm “dụng ý xấu” hay không, liệu người về quê có thể có “dụng ý xấu”, và liệu việc về quê ăn Tết lúc này có đi kèm rủi ro bị tạm giam hay không?
Bài viết nhận định một số địa phương ở Trung Quốc, bao gồm tỉnh Hà Nam, đang bùng dịch nên giới chức những nơi này gặp áp lực lớn.
“Để bảo đảm an toàn cho địa phương, nói một vài câu ‘cứng’ là có thể hiểu được. Nhưng dù ‘cứng’ thế nào cũng cần phải có một lằn ranh đỏ không thể vượt qua”, Đệ Nhất Tài Kinh viết.
“Đó là giữ gìn sự thượng tôn pháp luật, không phá vỡ ranh giới đạo đức”, bài báo nhấn mạnh.
|
Nhân viên y tế xịt khử trùng một toa tàu hỏa ở khu tự trị Quảng Tây, Trung Quốc. Ảnh: Tân Hoa xã.
|
Đệ Nhất Tài Kinh cũng chỉ ra rằng “cách ly” là biện pháp được thực hiện trong hoàn cảnh chống dịch, có thể được người dân hiểu và ủng hộ. Nhưng tạm giam là biện pháp cưỡng chế đối với quyền tự do cá nhân, cần được thực hiện theo quy trình pháp lý nghiêm ngặt.
“Kể cả cơ quan công an cũng không được tùy tiện dùng biện pháp này”, Đệ Nhất Tài Kinh nói. “Khi một vị chủ tịch huyện nói ra từ ‘tạm giam’, chúng ta có thể thấy ông ấy đã vượt quá giới hạn và không tôn trọng pháp luật”.
Thể hiện tâm lý muốn giữ ghế
Đài CCTV - đài truyền hình trung ương Trung Quốc - cũng có bài bình luận với tựa đề “Về quê thì dụng ý xấu ở đâu? Thẩm quyền không thể bị lạm dụng”.
CCTV cho biết đối với việc về quê ăn Tết, các bộ ngành liên quan tại Trung Quốc đã hướng dẫn rõ ràng như cần ra quy định tùy tình hình địa phương, phải phân loại và thực hiện theo từng khu vực, không được làm khó người dân.
“Nhưng vẫn có một số địa phương diễn giải chính sách quốc gia một cách phiến diện, không quan tâm tới yêu cầu chống dịch một cách khoa học, thường dùng cách thức cứng nhắc, gây khó dễ cho dân”, CCTV viết, lấy ví dụ về huyện Đan Thành cùng vị chủ tịch huyện họ Đổng.
|
Chính quyền các địa phương ở Trung Quốc dùng nhiều biện pháp để khuyến khích lao động từ nơi khác ở lại nơi đang sinh sống. Người không hồi hương hay đi du lịch sẽ được nhận tiền hỗ trợ và nhiều ưu đãi khác. Ảnh: Reuters.
|
CCTV nhận định trường hợp của ông Đổng không phải là “dám nghĩ dám làm” mà là biểu hiện của việc “không dám gánh vác trách nhiệm, năng lực kém”.
“Khẩu hiệu hô vang trời là vì bảo vệ an toàn sức khỏe của quần chúng, nhưng thực tế là sợ xảy ra chuyện, sợ chịu trách nhiệm nên mới thà bắt nhầm còn hơn bỏ sót”, CCTV viết.
Thời gian qua, Trung Quốc trừng phạt quan chức nhiều thành phố vì sai phạm trong đại dịch. Tháng 12/2021, 26 quan chức ở Tây An bị kỷ luật vì để dịch bùng phát từ một khách sạn cách ly, khiến cả thành phố 13 triệu dân phải phong tỏa.
“Đáng buồn là ‘quyết sách’ của huyện Đan Thành không phải trường hợp riêng lẻ. Hiện tượng tùy tiện chụp mũ này gần đây không còn hiếm thấy, như sự tồn tại của các cụm từ ‘đòi tiền lương với dụng ý xấu’ hay ‘phản ánh với dụng ý xấu’”, CCTV viết, nhắc lại những cụm từ tương tự từng "gây bão" sau khi được các cơ quan nhà nước Trung Quốc sử dụng.
Tương tự, tờ Nhân Dân Nhật Báo ngày 21/1 cũng phê bình chính sách của huyện Đan Thành vì thiếu căn cứ pháp lý và sự cảm thông. Quy định phòng dịch cần phải khoa học, chính xác và cân nhắc tới nguyện vọng thăm nhà của người dân, theo tờ báo.
Trong khi đó, một bài đăng trên mạng xã hội của Tân Hoa xã khẳng định các chuyến đi trở về quê nhà là chính đáng và hoàn toàn không có ý đồ xấu.
Theo Quốc Đạt/Zing