Chỉ trong chưa đầy ba tháng, ông Kim Jong Un đã đến Trung Quốc lần thứ ba.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên bắt đầu chuyến thăm hai ngày hôm 19/6, đúng một tuần sau hội nghị thượng đỉnh với Tổng thống Mỹ Donald Trump ở Singapore, một ngày sau khi Mỹ xác nhận sẽ hủy một cuộc tập trận lớn với Hàn Quốc, và vài giờ sau khi chính quyền Trump đe dọa áp thuế lên 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc.
Các chuyên gia nói rằng dù không gây ngạc nhiên, chuyến thăm của ông Kim khẳng định vai trò quan trọng của Trung Quốc trong bàn cờ chính trị Đông Á cũng như ảnh hưởng của Bắc Kinh với Bình Nhưỡng. Đồng thời, đây cũng là dấu hiệu cho thấy ông Kim muốn tìm kiếm sự ủng hộ của Trung Quốc để gia tăng lợi thế trong các cuộc đàm phán sắp tới với Mỹ.
"Cuộc gặp lần này góp thêm bằng chứng cho thấy quan hệ hữu hảo và tin cậy lẫn nhau giữa lãnh đạo cấp cao Trung - Triều ngày càng được củng cố. Trung Quốc là thành phần không thể thiếu trong các tiến trình xoay quanh chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên", PGS.TS Thành Hiểu Hà của Học viện Nghiên cứu Quốc tế thuộc Đại học Nhân dân ở Bắc Kinh bình luận với Zing.vn.
|
Một chiếc xe trong đoàn xe được cho là chở ông Kim Jong Un đến nhà khách Điếu Ngư Đài ở Bắc Kinh hôm 19/6. Ảnh: AP. |
Tập - cha đỡ đầu của Kim?
Trong một động thái hiếm hoi, truyền thông nhà nước Trung Quốc loan tin về chuyến thăm của ông Kim ngay khi ông đặt chân đến Bắc Kinh. Đối với cả hai chuyến thăm trước, tháng 3 tại Bắc Kinh (chuyến công du nước ngoài đầu tiên của ông Kim từ khi lên nắm quyền năm 2011) và tháng 5 tại Đại Liên, Trung Quốc chỉ xác nhận sau khi sự kiện kết thúc.
"Đây là một sự tiến bộ. Nó cho thấy Trung Quốc đang đi theo hướng lành mạnh hơn và bình thường hơn trong quan hệ với Triều Tiên", ông Thành đánh giá, nói thêm rằng 3 lần viếng thăm trong chưa đầy 3 tháng là "điều chưa từng có tiền lệ".
Trong bản tin của Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) tối 19/6, người ta thấy Chủ tịch Tập Cận Bình dành nhiều lời ca ngợi ông Kim, sau lễ đón với những nghi thức tương tự một chuyến thăm cấp nhà nước.
"Dù tình hình khu vực và quốc tế có thay đổi ra sao, lập trường kiên định của đảng và chính phủ Trung Quốc trong việc ra sức củng cố và phát triển quan hệ Trung - Triều sẽ không thay đổi", CCTV dẫn lời ông Tập.
Nhà lãnh đạo Trung Quốc bày tỏ hy vọng Triều Tiên và Mỹ có thể "triển khai tốt các kết quả đã đạt được tại hội nghị vừa qua", nhấn mạnh rằng Bắc Kinh sẽ "luôn luôn đóng vai trò xây dựng" trong quá trình đó.
|
Ông Kim và ông Tập ở Đại lễ đường Nhân dân Bắc Kinh hôm 19/6. Ảnh: Tân Hoa xã. |
Trên thực tế, quan hệ giữa Trung Quốc và Triều Tiên đã không còn "như môi với răng" như họ từng tuyên bố, phần lớn là vì những tiến bộ trong chương trình vũ khí của Bình Nhưỡng. Năm 2017, Trung Quốc ủng hộ lệnh trừng phạt của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhằm vào Triều Tiên sau khi Bình Nhưỡng tiến hành vụ thử hạt nhân lần sáu, khiến quan hệ song phương rơi vào căng thẳng.
Trong quá trình vận động ngoại giao trước cuộc gặp tại Singapore, vai trò của Trung Quốc được cho là không nổi trội, nhất là khi đặt cạnh những nỗ lực không mệt mỏi Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In trong vai trò trung gian. Đã có những lo lắng rằng Bắc Kinh bị gạt ra rìa, kể cả sau khi ông Kim hai lần sang gặp ông Tập. Tuy nhiên đến cuối cùng, thực tế cho thấy rằng Trung Quốc có thể không có mặt trên bàn hội nghị ở khách sạn Capella nhưng ảnh hưởng của họ từ đằng sau cánh gà là điều khó chối cãi.
Bằng chứng? Thay vì sử dụng máy bay Triều Tiên, ông Kim đã đến Singapore bằng phi cơ của hãng Air China. Sau cuộc gặp, Trung Quốc lập tức đề nghị Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nới lỏng trừng phạt Bình Nhưỡng. Thậm chí, truyền thông loan tin rằng chính Trung Quốc là nước đầu tiên ngụ ý rằng Mỹ sẽ chấm dứt tập trận tại Hàn Quốc, trước cả khi ông Trump có phát biểu gây sốc trong cuộc họp báo ở Singapore.
Những gì mà ông Trump và ông Kim tuyên bố tuần qua hầu như trùng khớp với cách tiếp cận "đóng băng song trùng" của Trung Quốc trong vấn đề Triều Tiên. Theo kế hoạch này, Triều Tiên sẽ "đóng băng" chương trình vũ khí trong khi Mỹ "đóng băng" các cuộc tập trận quân sự ở khu vực bán đảo.
Chỉ một ngày trước khi có tin ông Kim đến Trung Quốc lần ba, Nikkei bình luận rằng Bắc Kinh "giật mình" vì giờ đây ông Kim và ông Trump đã thiết lập đường dây nóng và có thể gọi cho nhau bất cứ lúc nào.
"Đó là sự xa xỉ mà Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, người đã gặp ông Kim hai lần, chưa bao giờ có được", bài báo viết. "Với việc thiết lập đường dây điện thoại trực tiếp, tổng thống Mỹ thực sự xích lại gần ông Kim, có thể vượt mặt ông Tập trong việc tiếp cận nhà lãnh đạo trẻ của Triều Tiên".
|
Ông Kim và ông Trump trong cuộc gặp tại Singapore hôm 12/6. Ảnh: AP. |
Tuy nhiên, những nhận định đó xem chừng đã bị phóng đại.
"Dù rằng có thể có tình cảm nảy nở giữa ông Kim Jong Un và ông Trump, nhà lãnh đạo Triều Tiên hiểu rõ về vấn đề thứ bậc. Ông biết ông Tập mới là cha đỡ đầu của mình tại châu Á", bà Yanmei Xie, nhà phân tích chính sách Trung Quốc tại hãng tư vấn Gavekal Dragonomics ở Bắc Kinh, nói trên Washington Post.
Theo chuyên gia Thành, Triều Tiên có thể không tin ông Trump, "người thích ép buộc, hay thay đổi và tìm kiếm lợi ích ngắn hạn". Trong khi đó, Trung Quốc "đủ sức mạnh và ảnh hưởng để không bị Triều Tiên phớt lờ".
"Trung Quốc chưa bao giờ lo lắng về về việc Triều Tiên rời xa Trung Quốc và dựa vào Mỹ", ông Thành nói với Zing.vn.
Kim - nhà ngoại giao tài ba?
Các chuyên gia dự đoán rằng ông Kim gặp ông Tập để tham vấn với nhà lãnh đạo Trung Quốc về những biện pháp mà Triều Tiên có thể áp dụng trong cuộc đàm phán cấp cao sắp tới với Mỹ, dự kiến diễn ra tuần này.
"Ít nhất cuộc gặp lần này cho ông Kim thêm lợi thế để mặc cả với ông Trump. Ông Kim có thể cho Mỹ thấy rằng nếu quá trình đàm phán thất bại vì những yêu cầu vô lý, ông vẫn có thể dựa vào Trung Quốc", tiến sĩ Trương Bảo Huy thuộc Đại học Lĩnh Nam (Hong Kong) trả lời Zing.vn.
Theo New York Times, việc ông Kim đến Bắc Kinh giữa lúc căng thẳng thương mại Mỹ - Trung đang leo thang tạo cơ hội để ông áp dụng chiêu bài "để hai nước lớn đấu nhau" trước những sức ép từ Washington trong vấn đề phi hạt nhân hóa.
Bài viết dẫn lời ông Andrei Lankov, một chuyên gia về Triều Tiên người Nga, nói ông Kim đang tìm cách lợi dụng xung đột thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, làm sâu sắc mâu thuẫn giữa họ để đảm bảo rằng họ không chung tay gây sức ép với ông, như những lần Liên Hợp Quốc áp đặt trừng phạt với Triều Tiên hồi năm ngoái.
|
Hình ảnh lễ đón ông Kim được trình chiếu trên màn hình lớn ở trung tâm Bắc Kinh hôm 19/6. Ảnh: AP. |
Về phần mình, Trung Quốc muốn ông Kim giảm bớt sự thân thiện mà ông thể hiện với ông Trump tại Singapore.
Các nhà phân tích nói rằng Trung Quốc xem căng thẳng thương mại với Mỹ là mối đe dọa còn nghiêm trọng hơn kho vũ khí hạt nhân của Triều Tiên. Khi ông Trump và ông Kim đe dọa tấn công quân sự lẫn nhau hồi năm ngoái, điều này đã mang lại cho Trung Quốc, đồng minh và đối tác thương mại chủ chốt của Triều Tiên, những lợi thế trong việc đàm phán về thương mại với ông Trump.
Giờ đây, theo các nhà phân tích, Trung Quốc muốn ông Kim ít hợp tác với Mỹ hơn, đủ để ông Trump phải xuống thang trong vấn đề thuế quan nếu tổng thống Mỹ muốn có sự trợ giúp của Trung Quốc trong vấn đề Triều Tiên.
"Trung Quốc sẽ cố dùng ông Kim để khôi phục lợi thế với Trump, nhưng không có lý do gì khiến ông Kim phải làm theo và vứt đi tất cả những gì mà ông thu được tại Singapore, bao gồm các cuộc đàm phán trực tiếp với Mỹ", ông Bilahari Kausikan, nhà ngoại giao lỗi lạc, cựu đại sứ Singapore tại Liên Hợp Quốc, nói. "Kim muốn nói chuyện trực tiếp với Mỹ, vậy thì cớ gì ông ấy phải đặt Trung Quốc trở lại vào phương trình đó?".
Trong tuyên bố chung tại Singapore, ông Trump và ông Kim cam kết tiến hành phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên. Tuy nhiên, ngôn từ của tuyên bố này được cho là mơ hồ và không đề cập đến bất kỳ lộ trình nào để đạt được mục tiêu. Mỹ kiên định rằng các lệnh trừng phạt sẽ vẫn được giữ nguyên cho đến khi Bình Nhưỡng hoàn toàn từ bỏ vũ khí hạt nhân.
"Ông ấy muốn tiếp tục phá vỡ thế đoàn kết Mỹ - Trung từng bất ngờ nổi lên hồi năm ngoái nhưng giờ đang ở trong tình thế hiểm nghèo vì chiến tranh thương mại", ông Lankov nói.
Ông Kim đang cho thấy ông là một "nhà ngoại giao tài ba", theo chuyên gia Nga. "Giống ông nội của mình, Kim Nhật Thành, ông ấy có lẽ đã học được cách qua mặt người Trung Quốc. Còn người Mỹ thời Trump là chuyện dễ như ăn ốc", ông Lankov nhận xét.
Ông Kim có lẽ hy vọng sẽ giành được sự ủng hộ của Trung Quốc trong việc giảm tải cấm vận. Với việc Triều Tiên đã tạm dừng thử vũ khí và Mỹ hủy bỏ tập trận với Hàn Quốc, Bắc Kinh có lẽ sẽ sẵn sàng "mắt nhắm mắt mở" với Triều Tiên như trước. Trên thực tế, có những dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh đã bắt đầu nới lỏng cấm vận, bao gồm việc tái khởi động một số nhà máy ở biên giới và thậm chí thuê mướn lao động Triều Tiên.
Dù thế nào, có lẽ tất cả đều đồng ý rằng quan hệ "anh em" giữa Bắc Kinh và Bình Nhưỡng đã hoàn toàn được khôi phục.
"Tôi nghĩ, Triều Tiên có lẽ đã sẵn sàng đồng ý thực hiện một số hành động lớn cần đến sự ủng hộ và trợ giúp của Trung Quốc", phó giáo sư Thành Hiểu Hà nói với Zing.vn.
Theo Vũ Mạnh/Zing.vn