Các chuyên gia thuộc Viện Nghiên cứu Scripps (SRI - Mỹ) cho biết Captagon (còn gọi là fenethylline) có thành phần hóa học đặc biệt khiến nó gây ra hiệu ứng mạnh mẽ, đồng thời tác dụng nhanh hơn nhiều so với nhiều loại chất kích thích và ma túy tổng hợp khác.
Nó được xem là ma dược giúp kích thích thần kinh, làm tăng khả năng chiến đấu của các tay súng IS.
Trong quá trình làm thí nghiệm trên loài chuột, nhóm phân tích của SRI nhận thấy có thể bào chế một loại vắc-xin để giảm nhẹ tác động của Captagon ở người.
Theo kết quả nghiên cứu xuất bản trên tạp chí Nature của SRI, cấu trúc độc đáo và phương thức tác động của Captagon là nguyên nhân giải thích tại sao Captagon thường bị lạm dụng.
Loại ma túy này là sự tổng hợp giữa theophylline - loại thuốc được sử dụng để điều trị các bệnh về đường hô hấp và amphetamine - chất kích thích.
|
Captagon được tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng sử dụng để tăng khả năng chiến đấu của thành viên trong nhóm. Ảnh: REUTERS |
Mục đích ban đầu của SRI không phải để phát triển một loại vắc-xin mà là sử dụng phương pháp tiếp cận vắc-xin để xác định nền tảng hóa học của Captagon.
Nhưng nếu cần thiết, nhóm sẽ phát triển vắc-xin để giảm nhẹ tác động của Captagon ở người.
Captagon được sử dụng phổ biến tại khu vực Trung Đông. Tuy nhiên, SRI cảnh báo số người dùng loại ma dược này có khả năng mở rộng ra toàn thế giới.
Thống kê cho thấy trong số những người nghiện ma túy ở Ả Rập Saudi thì có 40% thanh thiếu niên từ 12-22 tuổi sử dụng Captagon.
Do việc sản xuất và vận chuyển Captagon khá dễ dàng nên nó trở thành nguồn thu nhập béo bở cho các nhóm phiến quân đang hoạt động tại Iraq và Syria.
Đồng lãnh đạo nhóm nghiên cứu của SRI Kim Janda cho hay Captagon được quan tâm nhiều hơn thời gian gần đây bởi tổ chức IS thường sử dụng nó để tăng cường sức chiến đấu cho thành viên của nhóm.
Ngoài nâng cao khả năng tập trung và giảm bớt lo lắng, Captagon còn biến những người sử dụng thành "xác sống di động", không biết đau đớn và mệt mỏi.
Theo Phạm Nghĩa/NLD