Vào lúc 18h30 ngày 27/2, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un đã có cái bắt tay lịch sử khi gặp nhau tại khách sạn Metropole ở Hà Nội trong thềm Thượng đỉnh Mỹ-Triều lần 2.
Hai nhà lãnh đạo Mỹ-Triều cười tươi trước ống kính phóng viên và sau đó ngồi xuống trò chuyện khoảng 10 phút, trước khi bắt đầu cuộc hội đàm kín để bàn về chương trình nghị sự và tham dự "bữa tối xã giao" cùng một số quan chức thân cận hai bên.
|
Tổng thống Trump (trái) bắt tay Chủ tịch Kim Jong-un trong cuộc gặp tại Khách sạn Metropole ở Hà Nội ngày 27/2. Ảnh: Reuters. |
Mở đầu cuộc hội đàm, Chủ tịch Kim Jong-un chia sẻ: "Chúng ta đã vượt qua tất cả trở ngại và đã có mặt tại đây, hôm nay", đồng thời khẳng định có được cuộc gặp thượng đỉnh lần 2 này là nhờ "quyết định chính trị can đảm" của Tổng thống Trump.
Đáp lại, Tổng thống Trump nói: “Thật vinh dự khi được ở đây với Chủ tịch Kim, thật là vinh dự khi ở đây cạnh nhau, tại Việt Nam”. Ông chủ Nhà Trắng ca ngợi ông Kim là một nhà lãnh đạo tuyệt vời, và tin tưởng hội nghị sẽ thành công tốt đẹp.
Có thể thấy trong cuộc gặp lần 2 này, Tổng thống Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un đều bày tỏ thái độ cởi mở, thân thiện và luôn dành cho nhau những lời "có cánh". Đây xem là tín hiệu tích cực cho thấy Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều lần 2 này có thể sẽ đạt được kết quả đáng mong đợi.
"Cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều ở Hà Nội là cơ hội để thế giới nhìn nhận về Chủ tịch Kim Jong-un trong một bối cảnh khác hơn so với những thông tin tuyên truyền mà chúng ta thường thấy", CNN dẫn chia sẻ của nhà phân tích Will Ripley, người từng đến thăm đất nước Triều Tiên 19 lần.
Cũng theo các chuyên gia, hai nhà lãnh đạo Mỹ-Triều muốn thể hiện cho mọi người thấy rằng mối quan hệ giữa hai nước đã được cải thiện kể từ sau cuộc gặp đầu tiên tại Singapore hồi tháng 6/2018. Điều này được thể hiện rõ qua ngôn ngữ cơ thể của họ.
CNN cho biết, khi hai nhà lãnh đạo Mỹ-Triều bước vào phòng họp sau bữa ăn tối 27/2, cánh phóng viên đã có cơ hội đặt câu hỏi cho Tổng thống Mỹ. Một phóng viên hỏi liệu ông Trump có đi ngược lại lời thề sẽ ép Triều Tiên phải phi hạt nhân hóa hay không, ông Trump thẳng thắn trả lời: "Không".
Và nhà lãnh đạo Mỹ cũng không loại trừ khả năng sẽ đưa ra một tuyên bố chấm dứt cuộc chiến tranh Triều Tiên trong dịp này. Được biết, cuộc chiến tranh Triều Tiên (1950-1953) mới chỉ kết thúc bằng một thỏa thuận ngừng bắn chứ không phải hiệp ước hòa bình.
|
Tổng thống Trump ngồi cạnh Chủ tịch Kim trong bữa tiệc tối ngày 27/2. Ảnh: Reuters. |
Tuy nhiên, theo hãng thông tấn Reuters, một số nhà phê bình cho rằng Tổng thống Trump dường như đang bị "dao động" trong yêu cầu từ lâu của Mỹ đối với Triều Tiên về vấn đề phi hạt nhân hóa hoàn toàn và không thể đảo ngược. Họ lo ngại ông có nguy cơ làm mất "lợi thế" nếu đưa ra nhượng bộ vội vàng và quá nhiều.
Theo Evans Revere, cựu nhà đàm phán Mỹ với Triều Tiên, Tổng thống Trump đang chịu áp lực khi đối diện với những lời chỉ trích và các vấn đề trong nước, và Chủ tịch Kim có thể tận dụng điều đó.
"Chủ tịch Kim Jong-un có thể đẩy Tổng thống Trump vào tình thế thậm chí khó khăn hơn vì các nhượng bộ. Ông ấy biết Tổng thống Mỹ muốn dừng các vụ thử nghiệm đến thế nào", chuyên gia Revere bình luận.
Trên thực tế, phi hạt nhân hóa hoàn toàn (bán đảo Triều Tiên) không phải là vấn đề có thể giải quyết trong một sớm một chiều. Vì vậy, cuộc gặp thượng đỉnh Trump-Kim lần 2 này vẫn được kỳ vọng sẽ vạch ra những bước đi cụ thể hơn với những giải pháp từng bước trên lộ trình phi hạt nhân hóa.
Mời độc giả xem video: Tổng thống Trump trò chuyện với Chủ tịch Kim Jong-un tại Hà Nội tối 27/2 (Nguồn: Ruptly)
Còn ông Gi-Wook Shin, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu châu Á – Thái Bình Dương Walter H. Shorenstein (APARC), cho rằng điều căn bản nhất hiện nay là đạt một sự hiểu biết chung về khái niệm “phi hạt nhân hóa”, bởi sự mập mờ của khái niệm này chỉ làm gia tăng sự hoài nghi về các cam kết của cả Mỹ và Triều Tiên về phi hạt nhân hóa.
Ông Shin dự đoán hai nhà lãnh đạo Mỹ-Triều sẽ sử dụng cuộc gặp thượng đỉnh này như một cơ hội để giảm thiểu những mập mờ hiện nay và bất đồng trong các vấn đề chính, trước khi có thể tạo ra bất kỳ tiến bộ có ý nghĩa nào hướng đến phi hạt nhân hóa.
Dù ít có tiến triển trong mục tiêu loại bỏ các chương trình vũ khí của Triều Tiên, nhưng Tổng thống Trump dường như đang đặt cược vào mối quan hệ cá nhân với Chủ tịch Kim Jong-un và động lực kinh tế sau 70 năm "thù địch" giữa hai nước.
Đối với Tổng thống Trump, một thỏa thuận giúp giảm bớt mối đe dọa của Triều Tiên có thể mang lại thành tựu chính sách đối ngoại lớn cho ông giữa lúc đối mặt với nhiều vấn đề rắc rối trong nước.
Thiên An (T.H)