Hạ viện mỹ đang buộc tội gì lên Tổng thống Trump?

Google News

(Kiến Thức) - Vừa trở về Mỹ sau cuộc gặp Thượng đỉnh Mỹ-Triều lần 2, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã phải đối mặt hàng loạt nhiều rắc rối trong nước khiến ông tiếp tục rơi vào một "cuộc chiến pháp lý" mới với Hạ viện do phe Dân chủ kiểm soát.

Trong khi Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un có cuộc gặp thượng đỉnh lần 2 tại Hà Nội với nội dung đàm phán chính xoay quanh thỏa thuận nhằm phi hạt nhân hóa Triều Tiên và dỡ bỏ cấm vận.
Thì cùng thời điểm này tại Washington, cựu luật sư riêng của Tổng thống Trump là Michael Cohen ra điều trần trước Ủy ban Giám sát Hạ viện do Đảng Dân chủ dẫn đầu. 
Trở về nước sau khi hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần 2 kết thúc mà hai bên không đạt được bất cứ thỏa thuận nào, Tổng thống Trump hiện phải đối mặt thêm với sức ép từ những cáo buộc chống lại ông trong cuộc điều trần của Michael Cohen. 
Ha vien my dang buoc toi gi len Tong thong Trump?
Tổng thống Trump đang đối mặt cuộc điều tra trong nước. Ảnh: USA Today. 
Trong phiên điều trần ngày 27/2, cựu luật sư Cohen cáo buộc ông Trump đe dọa mình khoảng 500 lần trong 10 năm qua. Mở đầu phiên điều trần, luật sư Michael Cohen đã gọi ông Trump là "kẻ lừa dối" và kể chi tiết một loạt các cáo buộc chống lại ông chủ cũ của mình. 
Theo Cohen, Tổng thống Trump đã bồi hoàn cho ông các khoản thanh toán bằng tiền cho những phụ nữ để "mua" sự im lặng trong chiến dịch tranh cử hồi năm 2016 và cáo buộc tổng thống đã biết về những nỗ lực lâu dài của Roger Stone, một đồng minh lâu năm của ông Trump, để liên lạc với WikiLeaks.
Ngày 3/3, các nghị sĩ Đảng Dân chủ hàng đầu tại Hạ viện Mỹ cho rằng cần khẩn trương tiến hành các cuộc điều tra liên quan đến vấn đề tài chính và khả năng cản trở công lý của Tổng thống Donald Trump.
Ông Jerrold Nadler, Chủ tịch Ủy ban Tư pháp Hạ viện Mỹ, cho biết Đảng Dân chủ sẽ xem xét thêm việc lạm dụng quyền lực, tham nhũng và cản trở công lý của Tổng thống (Trump). Ủy ban này yêu cầu hơn 60 người có quan hệ thân cận hoặc làm việc cho chính quyền của Tổng thống Trump cung cấp các tài liệu vào ngày 4/3 cho các cuộc điều tra.
Dẫn chứng cho khả năng Tổng thống Trump cản trở công lý, ông Nadler nhắc lại trường hợp nhà lãnh đạo Mỹ này đã sa thải Giám đốc Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) James Comey vào tháng 5/2017. Khi đó, ông Comey đang dẫn đầu cuộc điều tra nghi án Nga can thiệp cuộc bầu cử Mỹ năm 2016 và khả năng chiến dịch tranh cử của ông Trump thông đồng với Moscow.

Mời độc giả xem thêm video: Những cái "nhất" của nhà ông Trump (Nguồn: VTC1)

Ngoài ra, Chủ tịch Ủy ban Tình báo Hạ viện Adam Schiff cũng khẳng định đã "có bằng chứng chắc chắn" cho thấy sự thông đồng giữa Ủy ban bầu cử của Tổng thống Trump với Nga khi đề cập đến một cuộc họp năm 2016 tại Tháp Trump, nơi mà một luật sư người Nga đã hứa sẽ gây ảnh hưởng tới các thông tin của bà Hillary Clinton - ứng viên Tổng thống Mỹ của Đảng Dân chủ hồi năm 2016.
Đến ngày 4/3, Chủ tịch Ủy ban Tư pháp thuộc Hạ viện Mỹ Jerrold Nadler tuyên bố mở một cuộc điều tra toàn diện vào Tổng thống Donald Trump.
Theo CNN, Ủy ban Tư pháp thuộc Hạ viện Mỹ đã gửi thư cho 81 cá nhân và thực thể, bao gồm cả Nhà Trắng, Bộ Tư pháp, các quan chức cấp cao phụ trách chiến dịch vận động tranh cử của ông Trump, các lãnh đạo Tổ chức Trump cũng như các con trai của tổng thống. Cơ quan điều tra yêu cầu các đối tượng trên phải có phản hồi về những nội dung đề cập đến trong thư trong vòng hai tuần.
Cuộc điều tra toàn diện và sâu rộng được tiến hành nhằm giải đáp các nghi vấn về tham nhũng, những hành vi cản trở công lý, trả tiền "mua" sự im lặng, nghi vấn thông đồng với Nga cùng các cáo buộc Tổng thống (Trump) lạm dụng quyền lực.
"Chúng tôi sẽ khởi động các cuộc điều tra về lạm quyền, tham nhũng và cản trở công lý. Công việc của chúng tôi là bảo vệ pháp quyền", ông Nadler nói.
Về phần mình, Tổng thống Donald Trump khẳng định sẽ hợp tác sau khi cuộc điều tra của Ủy ban Tư pháp Hạ viện Mỹ chính thức được thông báo. "Tôi luôn hợp tác với tất cả mọi người", ông chủ Nhà Trắng nói.
Cuộc điều tra của Hạ viện Mỹ diễn ra đúng vào lúc Công tố viên đặc biệt Mỹ Robert Mueller chuẩn bị công bố kết luận điều tra cuối cùng về các cáo buộc cản trở công lý và nghi án thông đồng giữa chiến dịch tranh cử của ông Trump với Chính phủ Nga hồi năm 2016.
Không chỉ gặp rắc rối trong nước, Tổng thống Trump cũng đang "đau đầu" với nhiều vấn đề khác, trong đó có cuộc đàm phán thương mại với Trung Quốc, căng thẳng gia tăng giữa hai đồng minh của Mỹ là Ấn Độ và Pakistan hay vấn đề Venezuela,...Dự báo, khoảng thời gian sắp tới của người đứng đầu nước Mỹ sẽ không yên ả chút nào.
Thiên An (Tổng hợp)