|
Nằm sâu trong khu vực núi băng ở Bắc Cực, hầm phòng tận thế Svalbard là nơi cất giữ và bảo vệ cho 250 triệu loại hạt giống có trên Trái Đất. |
Nằm ở trên đảo Spitsbergen, giữa khu vực Na Uy và Bắc Cực, hầm phòng tận thế Svalbard là ngân hàng lưu giữ 250 triệu loại hạt giống trên toàn cầu, bao gồm các mẫu nguyên gốc và bản sao dự phòng của các loại hạt quan trọng.
Giống với các căn hầm được xây dựng để phòng ngày tận thế trong các bộ phim Hollywood, hầm Svalbard là một trong những nỗ lực của nhân loại để đảm bảo các hạt giống có trên Trái Đất được an toàn ngay cả khi các thảm họa thiên nhiên khủng khiếp nhất xảy ra.
Phần lối vào hầm được xây lộ thiên, có thể quan sát được từ trên mặt đất còn bên trong xây sâu vào trong lòng núi băng, cách mực nước biển hơn 100m. Đây cũng là một trong những địa điểm được bảo vệ cẩn mật nhất thế giới.
Các hạt giống được bảo quản ở nhiệt độ -18 độ C trong môi trường có lượng khí oxy được hạn chế thấp nhất có thể để kéo dài tuổi thọ của mỗi loại hạt. Theo mô tả ban đầu, hầm Svalbard được bao phủ trong lớp băng vĩnh cửu tự nhiên ở Bắc Cực và hạt giống sẽ được đông lạnh vĩnh viễn, cùng với đó là khả năng chống chọi trước các thảm họa tự nhiên.
Tuy nhiên, căn hầm lưu giữ hạt giống đề phòng tận thế của loài người có khả năng không tồn tại đến ngày tận thế, với một lý do quen thuộc.
Một báo cáo gần đây của chính phủ Na Uy đưa ra cảnh báo quần đảo Svalbard – nơi có hầm lưu trữ đang đối mặt với nhiều tác hại nghiêm trọng do biến đổi khí hậu gây ra.
Theo dự báo, vào những thập niên cuối của thế kỷ 21, nhiệt độ dự kiến trên quần đảo vẫn tăng thêm 10 độ C nếu lượng khí thải trên thế giới được giảm thiểu tối đa và tăng thêm 7 độ C ngay cả khi hiệu ứng nhà kính toàn cầu được giảm đáng kể.
Nhiệt độ trung bình tăng cao làm tan lớp băng vĩnh cửu, dẫn đến bề mặt đất rắn quanh căn hầm mất đi độ vững chắc và giải phóng lượng khí metan và carbon dioxide hiện đang đóng băng trong đất.
Vài năm trước, căn hầm cũng gặp phải sự cố nguy hiểm khi lớp băng vĩnh cửu tan nhanh, làm ngập căn hầm.
Nhưng nhiệt độ tăng không phải là vấn đề duy nhất mà quần đảo này và căn hầm đề phòng tận thế phải đối mặt: mưa lớn xuất hiện thường xuyên với cường độ mạnh hơn, mùa đông ngắn lại, tuyết và đất lở ngày càng tăng.
Đó là viễn cảnh sẽ xảy với hòn đảo cho đến năm 2071, tuy nhiên, trong nửa thế kỉ trở lại đây, môi trường ở quần đảo cũng phải đối mặt với nhiều thay đổi rõ rệt.
Nhiệt độ trung bình ở Svalbard đã tăng từ 3-5 độ C trong suốt 5 thập kỉ qua. Những năm gần đây, mùa đông chứng kiến sự xuất hiện của số lượng lớn mưa rào nặng hạt.
Tình trạng băng tan ở các vịnh băng hẹp dọc theo bờ biển phía tây quần đảo diễn ra liên tục trong năm. Khí hậu ấm lên khiến lượng băng tưởng chừng tồn tại vĩnh cửu ở cực Bắc dần tan chảy, nhiều vụ lở tuyết được ghi nhận ở gần khu vực quần đảo – báo cáo cho biết.
Các ước tính về thay đổi môi trường trong tương lai của căn hầm đề phòng tận thế của nhân loại được đưa ra dựa trên Mô hình Khí hậu Toàn cầu của Hội đồng Liên Chính phủ Về Biến đổi Khí hậu năm 2013.
Theo dự đoán, nếu nhân loại không nỗ lực giảm thiểu các tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, căn hầm lưu giữ hạt đề phòng tận thế của loài người sẽ sớm tiêu tan vào những năm 2040.
Theo My Lê/Dân Việt