Báo Chosun hôm 2-2 đưa tin Seoul không cho biết số tiền kể trên được chi cho việc gì, bất chấp nỗi e ngại sự ủng hộ đó có thể vi phạm lệnh trừng phạt quốc tế đối với Triều Tiên.
Theo một nguồn tin đối lập, tại phiên họp kín hôm 25-1, Bộ Thống nhất Hàn Quốc quyết định chi 53 triệu won cho một nhóm hỗ trợ của chính phủ; 95 triệu won để lập các phòng điều khiển tại Pyeongchang và Seoul; 90 triệu won để thuê máy bay chở các vận động viên (VĐV) trượt tuyết trẻ đến Triều Tiên tập luyện chung tại sân trượt Masikryong; 11 triệu won cho chuyến xe lửa tốc hành đặc biệt để chở một nhóm quan chức Triều Tiên đến Hàn Quốc. Điều đáng nói là bộ này chỉ thừa nhận những nội dung trên sau khi giới truyền thông đưa tin hôm 1-2.
|
Phái đoàn Triều Tiên đến Hàn Quốc hôm 1-2 Ảnh: REUTERS |
"Chính phủ đang tạm sử dụng ngân sách của ban tổ chức giải Olympic cho đoàn Triều Tiên. Sau này, chúng tôi lấy tiền từ Quỹ Hợp tác Liên Triều để bù đắp" - một quan chức chính phủ nhấn mạnh. Dù vậy, khoản tiền trang trải cho đội cổ vũ Triều Tiên 230 người và những quan chức đi cùng nhiều khả năng sẽ vượt quá 2 tỉ won, theo một cựu quan chức Bộ Thống nhất.
Tuy được nước chủ nhà ưu ái, đoàn VĐV Triều Tiên khó có thể nhận được các món quà lưu niệm khi tranh tài tại Olympic mùa đông. Theo Reuters, toàn bộ VĐV tranh tài dự kiến được tặng điện thoại di động Samsung Galaxy S8 đời mới nhất và bộ đồng phục hiệu Nike. Tuy nhiên, các biện pháp trừng phạt nghiêm ngặt, trong đó cấm bán đồ xa xỉ và thể thao, khiến Seoul gặp khó trong việc tặng những món quà này cho 22 tài năng thể thao từ Bình Nhưỡng.
|
Với điều kiện của Triều Tiên hiện tại, chắc chắn Hàn Quốc sẽ phải bỏ ra ngân sách không nhỏ để hỗ trợ đoàn vận động viên đến từ Bình Nhưỡng. Ảnh: Vestnik Kavkaz. |
Việc Triều Tiên đồng ý dự sự kiện thể thao lớn nói trên đánh dấu quan hệ giữa 2 miền Triều Tiên được cải thiện. Tuy nhiên, trong lá thư gửi Liên Hiệp Quốc, Bộ trưởng Ngoại giao Triều Tiên Ri Yong Ho cảnh báo việc Mỹ vẫn tập trận với Hàn Quốc sau Olympic mùa đông như kế hoạch có thể đe dọa mối quan hệ mới được cải thiện này.
Theo AP, ông Ri Yong Ho khẳng định Bình Nhưỡng sẽ không "ngồi yên" nếu Washington làm thế, đồng thời hối thúc Liên Hiệp Quốc lên tiếng về điều ông gọi là "trò chơi nguy hiểm của Mỹ trong việc làm trầm trọng thêm tình hình trong và quanh bán đảo Triều Tiên, khiến thế giới đối mặt nguy cơ thảm họa chiến tranh hạt nhân".
Theo Lục San/Lao Động