“Nếu tôi không đeo khẩu trang khi ra ngoài, tôi sẽ cảm thấy chóng mặt và khó thở,” Jiang Yuwei, 23 tuổi, một sinh viên ở Bắc Kinh nói với NBC News. “Kể cả khi đeo khẩu trang, tôi vẫn cảm thấy khá chán nản. Trong những ngày đầy sương bụi, tâm trạng của tôi bị hủy hoại và tôi không muốn ra ngoài đi làm.”
|
Mọi người đeo mặt nạ khi khiêu vũ ở quảng trường trong bầu không khí ô nhiễm ở Phụ Dương (Ảnh: Reuters) |
Đầu tuần này, có tới 32 thành phố ở bắc Trung Quốc đang ở dưới “báo động đỏ”, cảnh báo ô nhiễm môi trường mức độ cao nhất trong hệ thống bốn bậc của nước này. Trong khi 27 thành phố khác, bao gồm Bắc Kinh, ở mức “báo động cam”.
Trung Quốc sử dụng chỉ số Air Quality như thang đánh giá mức độ ô nhiễm không khí, từ 0 tới 500. Nếu Air Quality (chất lượng không khí) vượt mức 200 trong từ ba ngày trở lên, nó sẽ ở mức “báo động cam”, nếu vượt quá 300 trong hai ngày liên tiếp hoặc 500 trong 24 giờ, thành phố sẽ thuộc “báo động đỏ”. Chính quyền Trung Quốc yêu cầu dừng mọi hoạt động thể chất vào những ngày đó.
Theo Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ, Air Quality ở mức 0-50 mới được coi là tốt.
Kể từ khi cảnh báo sương bụi đưa ra từ ngày 31/12, Bắc Kinh luôn ở mấp mé mức 300 và thường vượt quá. Trong này 3/1, Air Quality thậm chí lên tới 700.
Để so sánh, Air Quality do Đại sứ quán Mỹ ở Bắc Kinh đo hôm 6/1 là 298, tức “Rất không tốt cho sức khỏe”. Cùng ngày ở New York, chỉ số là 43, tức tốt.
Mùa đông thường là mùa ô nhiễm nhất tại Trung Quốc do nước này đốt than đá để sưởi ấm. Các nhà máy cũng thường tăng năng suất vào đầu năm âm lịch, khiến ô nhiễm càng gia tăng.
Cách thành phố có báo động đỏ phải có biện pháp hạn chế ô nhiễm như hạn chế số lượng ô tô ra đường, ngừng hoạt động sản xuất và xây dựng. Các trường cũng phải đóng cửa trong khi người dân được khuyến khích ở trong nhà và tránh các hoạt động thể chất ngoài trời.
Maggie Li, mẹ của một cậu bé 5 tuổi ở Bắc Kinh, thức dậy mỗi sáng năm mới với câu hỏi: Làm thế nào để con tôi được an toàn ở trường?
“Tôi chẳng thể làm gì khác. Tôi đeo khẩu trang cho con trai tôi, nhưng cháu tháo bỏ vì nó làm cháu khó thở,” Li nói với NBC News.
Li than vãn rằng ô nhiễm ngày một tồi tệ theo năm tháng. “Tôi đã sống ở Bắc Kinh 40 năm, thế nên rất khó để rời đi. Nhưng tôi nhớ bầu trời xanh khi tôi còn là đứa trẻ, bầu trời xanh mà con tôi hiếm khi thấy.”
Ngay cả truyền thông chính phủ cũng lên tiếng chỉ trích trong tình hình này. Tờ Toàn cầu viết hôm 4/1: “sương bụi dày đặc khiến ăn mòn lòng uy tín của chính phủ”.
Bắc Kinh nhận thức được sự giận dữ của công chúng và ba năm nay đã mở chiến dịch chống sương bụi, hậu quả của ba thập kỷ phát triển kinh tế chóng mặt.
Trong khi một số tổ chức như Greenpeace báo cáo rằng đã có tiến bộ trong việc làm sạch không khí, bản thân Bộ Bảo vệ Môi trường của Trung Quốc cho biết gần 62% thành phố của Trung Quốc vãn phải đối mặt với ô nhiễm nghiêm trọng.
Trước sự phẫn nộ của các bậc cha mẹ, ngày 6/1, Bắc Kinh công bố sáng kiến tài trợ lắp đặt máy lọc không khí ở các nhà trẻ, trường tiểu học và trung học ở thủ đô. Động thái này có thể xoa dịu các phụ huynh, những người chi hàng ngàn đô để lắp hệ thống làm sạch không khí ở nhà và mặt nạ chống ô nhiễm ở nhà.
Bất chấp tình trạng ô nhiễm ở thủ đô, nhiều người như Jiang vẫn bám trụ vì cơ hội phát triển tốt.
“Hiện giờ tôi chỉ muốn làm việc chăm chỉ và không có ý định rời Bắc Kinh,” Jiang nói. “Nhưng trong tương lai, khi tôi có con và nếu không có dấu hiệu về sự cải thiện môi trường ở đây, tôi sẽ cân nhắc rời đi nơi khác.”
Theo Ngang Chuyên/Dân Việt