Hành trình nữ tiến sĩ gốc Việt thâm nhập thế giới bar

Google News

Tiến sĩ Kimberly Kay Hoang thừa nhận sự nhạy cảm từ đề tài và đối tượng nghiên cứu nên cô không né tránh những hoài nghi về sự sa ngã.

Đến Việt Nam một mình từ năm 2006 để thực hiện nghiên cứu về thế giới gái mại dâm trong các quán bar ở TP HCM, tiến sĩ Kimberly Kay Hoang mất 5 năm để nhập vai và cần thêm 5 năm để hoàn chỉnh và xuất bản công trình. Nghiên cứu nhập vai của cô được giải thưởng của Hiệp hội Xã Hội học Mỹ (ASA) vào năm 2012. ASA đánh giá phương pháp của Kimberly là "độc đáo" khi tiếp cận được nhiều góc độ khác nhau của lĩnh vực này, và tạo ra cách hiểu mới với các vấn đề phức tạp của mối quan hệ sản xuất và tái sản xuất trên thị trường toàn cầu.
Tuy nhiên, thừa nhận đây là một đề tài và đối tượng nghiên cứu nhạy cảm, Kimberly chia sẻ với Zing.vn về những khó khăn trong quá trình nghiên cứu và cách cô nỗ lực vượt qua khó khăn để hoàn thành đề tài:
- Nhìn lại quá trình thực hiện nghiên cứu nhiều năm liền để được công nhận trong giới học thuật như ngày nay, chị cảm thấy thế nào về công sức đã bỏ ra?
- Để được công nhận kết quả nghiên cứu là một hành trình dài đối với tôi, 5 năm nghiên cứu thực địa, và thêm 5 năm nữa để quyển sách chính thức ra mắt. Tôi phần lớn phải tự "bơi" do không nhiều giáo sư Mỹ tường tận thị trường này ở Việt Nam. Những nhà nghiên cứu mà tôi liên hệ ở Việt Nam thì cũng không có kinh nghiệm trong việc xâm nhập sâu vào thế giới quán bar. Trước đây họ chỉ tiếp xúc đối tượng là các cô gái hoạt động ở ngoài đường.

Kimberly Kay Hoang đang giảng dạy tại ĐH Chicago. Cô là chuyên gia về xã hội học có tiếng về các vấn đề giới, toàn cầu hóa, kinh tế xã hội học. Cô có bằng thạc sĩ xã hội học tại ĐH Stanford và bằng tiến sĩ tại ĐH California Berkeley. Nghiên cứu nhập vai của cô tại TP HCM từng được giải thưởng của Hiệp hội Xã Hội học Mỹ (ASA) vào năm 2012.

Thực ra đây cũng là một hướng nghiên cứu nhạy cảm ở Mỹ, đối tượng nghiên cứu là gái mại dâm cũng không được đánh giá cao. Hơn nữa, khu vực nghiên cứu là ở Việt Nam. Nhiều người phản biện tôi rằng, Việt Nam nhỏ bé như vậy thì có quan trọng gì để nghiên cứu, thị trường mại dâm ở đây cũng nhỏ như vậy thôi. Hoặc tôi là người gốc Việt, thì tôi nghiên cứu về Việt Nam liệu có khách quan không? Do vậy, tôi phải dành hẳn một phần để giải thích rõ vì sao lại chọn Việt Nam là khu vực nghiên cứu.
Nhiều luận điểm mà tôi đặt ra cũng bị soi và phản ứng rất dữ. Chẳng hạn, khi đó tôi nhận định rằng những doanh nhân phương Tây sống và làm việc tại Việt Nam có vị thế không bằng đàn ông Việt kiều, và thua cả những vị đại gia địa phương. Nhiều người Mỹ không đồng tình, họ luôn cho rằng cứ Mỹ, cứ Tây là sẽ cao nhất. Nhưng dần dần thực tế tình hình kinh tế Mỹ đi xuống khiến ảnh hưởng của Mỹ cũng bị lung lay. Khi đó, họ mới thừa nhận về kết luận của tôi.
Có những yếu tố khách quan và may mắn. Nhưng tôi nghĩ mình đã thành công nhờ sự nỗ lực và tinh thần làm việc chăm chỉ.
Hanh trinh nu tien si goc Viet tham nhap the gioi bar
Cô Kimberly Kay Hoang nói chuyện về quá trình nghiên cứu thế giới mại dâm với các bạn trẻ ở TP HCM. Ảnh: LSQ Mỹ 
- Chị đối diện với những hoài nghi về sự “vượt rào” trong quá trình nhập vai như thế nào?
- Khi tôi trình bày những bài viết từ quyển sách tại các môi trường học thuật và đại chúng, tôi luôn nhận được câu hỏi: “Vậy cô đã dám làm những gì để lấy thông tin?”. Tôi hiểu đây là một cách tế nhị, muốn hỏi rằng tôi có hoạt động mại dâm không.
Mỗi lần tôi nhận được câu hỏi “nhẹ tựa lông hồng” này, tôi thường tự hỏi: Có ai đã chất vấn những đồng nghiệp nam của tôi là họ có tham gia vào những hoạt động bạo lực, hút chích, hay thậm chí là mại dâm với đối tượng nghiên cứu chưa?
Họ có thể nhấn mạnh là không dính vào các hoạt động này, nhưng để xây dựng những mối quan hệ ban đầu thì câu trả lời như vậy chưa phải là một lời giải thích rõ ràng.
Nhiều người Mỹ không đồng tình, họ luôn cho rằng cứ Mỹ, cứ Tây là sẽ cao nhất.
Vấn đề ở đây là những yếu tố cá nhân của nhà nghiên cứu (giới tính, chủng tộc, tầng lớp) đều được đưa vào các ý kiến phê bình cho câu hỏi “bán dâm hay không”. Với cá nhân tôi, là một người phụ nữ châu Á, những lời nhận xét này thường nặng nề hơn…
Vì vậy, tôi quyết định không trả lời câu hỏi này, và tôi đồng thời đặt ra một vài câu hỏi là: Tại sao khi tình dục trở nên thương mại hoá, câu hỏi này lại trở thành một vấn đề thích hợp để hỏi? Và tại sao những câu hỏi như vậy lại nhắm vào để phê bình những nhà nghiên cứu da màu như tôi?
Là một nhà nghiên cứu thăm dò - quan sát thị trường mại dâm ở Việt Nam, tôi đã đào sâu vào thế giới này. Phức tạp nhất là phải cân bằng những mối quan hệ đầy phức tạp với khu vực, người bảo kê (mafia) ở các quán bar, chủ quán, các má mì, những người khách, và các cô gái trong quán bar.
Tôi bị cuốn vào thế giới, làm việc 12 - 14 tiếng một ngày, 7 ngày một tuần. Tôi đã chấp nhận đặt bản thân tôi vào những “bài diễn" của phụ nữ và dưới ánh mắt dục vọng của đàn ông.
Rũ bỏ những yếu tố đã xây dựng nên bản thân tôi, với nền tảng là nhà nghiên cứu từ những trường đại học danh tiếng ở Mỹ, tôi đã xâm nhập sâu vào cuộc điều tra và nó thật sự thay đổi bản thân tôi. Tôi đã học hỏi về sự khiêm nhường, và tôi trải qua nhiều niềm vui lẫn nỗi buồn. Những chất liệu này thúc đẩy tôi xây dựng các câu chuyện trong quyển sách.
- Chồng của chị nói gì khi chị thực hiện đề tài gây nhạy cảm như vậy?
- Chồng tôi là một người Mỹ gốc Mexico, anh cũng là nhà nghiên cứu xã hội học cùng chung phương pháp tiếp cận thực địa lâu dài như tôi. Anh đã thực hiện đề tài tìm hiểu hoạt động của các băng đảng tội phạm buôn ma túy Mexico tại Mỹ. Đề tài này còn nguy hiểm và nhiều rủi ro hơn với đề tài của tôi. Do vậy, chúng tôi rất hiểu công việc của nhau và dễ dàng chia sẻ hơn.
- Liệu có hình thức nghiên cứu nào giúp tiết kiệm thời gian hơn mà hiệu quả hơn không?
- Nghiên cứu xã hội học có nhiều phương pháp khác nhau, trong đó cách của tôi, ethnography (ngành xã hội học miêu tả các nhóm người dựa trên thói quen, phong tục và sự khác biệt của họ - PV), là biện pháp mất thời gian và công sức nhất vì phải thâm nhập sâu, cùng ăn ở, làm việc với đối tượng nghiên cứu; trong khi không nhiều người bạn của tôi chọn cách này.
Tôi chọn con đường này, vì tôi muốn đi tới cùng câu chuyện. Khi bạn ngồi nói chuyện với các cô trên vai trò khách hàng, những câu trả lời của họ sẽ rất khác với các cuộc nói chuyện giữa các chị em khi ngồi chờ khách. Họ có thể kể lể với khách là bị ép buộc, hoặc hoàn cảnh đưa đẩy dẫn đến phải làm công việc này. Nhưng theo tôi, họ tỏ ra yêu thích công việc, thậm chí những cô gái này đều rất khéo léo và thông minh chứ không phải ngờ nghệch.
Tôi không muốn chỉ lướt trên bề mặt, mà tôi muốn tiếp cận thu thập dữ liệu thật sâu. Tôi không chỉ phỏng vấn một đối tượng là gái mại dâm, mà tôi trò chuyện với cả khách hàng của họ, những má mì… Khi đó, tôi có thể đối chiếu, diễn giải cùng một câu chuyện nhưng trên nhiều góc nhìn khác nhau.
- Nhiều người khi xem chị trả lời phỏng vấn trên Zing bằng tiếng Anh, họ hỏi rằng chị có thể nói tiếng Việt được không? Nếu không thì làm sao giao tiếp được trong quá trình nhập vai?
- Tôi sinh ra và lớn lên ở Mỹ nhưng vẫn có thể giao tiếp tiếng Việt khá tốt, như cách tôi đang nói chuyện với bạn. Những cuộc trò chuyện của tôi đều bằng tiếng Việt với các cô gái và khách hàng. Nội dung trao đổi không quá phức tạp, và tôi đều hiểu những vấn đề mà họ nói.
Tôi cũng có lợi thế về việc trao đổi bằng tiếng Anh với những khu vực tập trung cho khách Tây.
Mặc dù vậy, vì tiếng Việt không phải là ngôn ngữ tôi sử dụng thông thạo nhất, nên chắc chắn tôi sẽ bị những giới hạn về những yếu tố rất chi tiết trong quá trình phỏng vấn và thăm dò. Cho nên, khi phải nói về việc phân tích và lý thuyết hoá những mối quan hệ đầy phức tạp của các thị trường này, việc giải thích bằng tiếng Anh khiến tôi cảm thấy dễ dàng và thuận tiện hơn.
Nữ tiến sĩ gốc Việt kể về 5 năm xâm nhập thế giới mại dâm: Theo tiến sĩ Kimberly Kay Hoang, lòng tin là điều khó nhất mà cô phải nỗ lực xây dựng để được các cô gái quán bar tin tưởng và chia sẻ câu chuyện của họ.
- Kết thúc quá trình nghiên cứu, chị còn gặp lại các cô tiếp viên hoặc những vị khách, người giúp chị thâm nhập vào quán bar không?
- Tôi dành ra 5 năm (2006-2010) để nghiên cứu đề tài này, và 5 năm sau đó tôi tập trung viết và xuất bản quyển sách. Trong thời gian viết sách, tôi có về Việt Nam một vài lần để thăm dò và cập nhật thông tin, và tôi có kết nối lại với một số cô gái mà tôi đã kết thân.
Cho đến giờ, tôi vẫn còn rất thân thiết với một vài cô. Có cô thậm chí đã cưới chồng Tây và rời Việt Nam. Tôi cũng đã gặp gỡ để xem cuộc sống của họ ở nước ngoài như thế nào, và cũng đã viết một bài báo nói về cuộc sống của họ sau khi họ cưới chồng ngoại quốc và rời quê hương.
Dù phần nghiên cứu của tôi đã kết thúc từ lâu, tôi không nghĩ là tôi sẽ “hồi phục” hoàn toàn sau một quá trình kéo dài như vậy.
- Chị cần bao nhiêu thời gian để trở lại cuộc sống ban đầu sau quá trình nhập vai?
- Trong quyển sách, tôi cũng đã chia sẻ những ảnh hưởng cá nhân sau quá trình nghiên cứu. Mặc dù phần nghiên cứu của tôi đã kết thúc từ lâu, tôi không nghĩ là tôi sẽ “hồi phục” hoàn toàn sau một quá trình kéo dài như vậy.
Ví dụ, bây giờ khi tôi ngồi ăn uống với bạn bè, tôi luôn quen phải “cụng ly" thấp hơn mọi người. Và tôi cũng luôn nghĩ là tôi phải phục vụ mọi người một cách lịch sự nhất.
Mặc dù vậy, với tư cách là một nhà nghiên cứu, mục tiêu của công trình và quyển sách không phải là về bản thân tôi. Tôi chỉ muốn tập trung vào những đối tượng là các cô tiếp viên. Ta nên nhìn về họ và hiểu thêm về cuộc sống của họ, vì tôi chỉ là một người quan sát và học hỏi.
Là giáo sư ở Đại học Chicago (1 trong 10 trường ĐH tốt nhất ở Mỹ theo xếp hạng năm 2016 của Times Higher Education - PV) tôi đã vinh dự được gặp gỡ và dạy nhiều học sinh.
Mong muốn của tôi là được rèn luyện và giúp đỡ những thế hệ nghiên cứu tương lai, đặc biệt là những nhà nghiên cứu trẻ từ Việt Nam, vượt lên những cấp bậc cao trong giới học thuật, và thực hiện những bài nghiên cứu còn sâu sắc hơn và chi tiết hơn những gì tôi đã học ở đây.
- Xin chân thành cám ơn những chia sẻ của chị.
>>> Mời quý độc giả xem video Phá đường dây tổ chức sex tour (nguồn Lao Động):
Theo Zing News