Hệ thống tên lửa Mỹ bí mật gửi tới Ukraine nguy hiểm tới đâu?

Google News

Hàng loạt hệ thống radar của Nga đang được ví như “con mồi mùa săn bắn” cho Ukraine khi nước này bí mật nhận hàng loạt tên lửa chống bức xạ từ Mỹ, tờ Business Insider cho biết.

Dù lợi thế này có thể chỉ là tạm thời, do lực lượng Nga có thể thích ứng nhanh chóng với các thay đổi trên chiến trường, tuy nhiên với sự xuất hiện của tên lửa AGM-88 HARM, phía Nga sẽ không còn thoải mái sử dụng các loại vũ khí radar như trước kia. Nói cách khác, quân đội Nga trong nhiều trường hợp, có thể bị tên lửa chống bức xạ AGM-88 "chọc" mù mắt tạm thời.

He thong ten lua My bi mat gui toi Ukraine nguy hiem toi dau?

Với tên lửa AGM-88, phía Nga sẽ gặp nhiều khó khăn hơn trong việc phát hiện các máy bay trực thăng và tiêm kích của Ukraine, cũng như xác định và tấn công các hệ thống tên lửa Mỹ tại Ukraine.

Các báo cáo về sự xuất hiện của tên lửa chống radar tại Ukraine bắt đầu nổi lên từ đầu tháng Tám, sau khi một số tờ báo Nga đưa rằng họ đã phát hiện một số mảnh vỡ từ tên lửa AGM-88 được cho là đã phá hủy một tên lửa đối không của Nga tại Ukraine. Lầu Năm Góc sau đó đã xác nhận rằng Mỹ đã cung cấp một loại tên lửa chống bức xạ tới Ukraine.

“Chúng tôi đã viện trợ một số tên lửa chống radar, loại có thể được khai hỏa từ các máy bay Ukraine và tấn công các radar phía Nga,” Colin Kahl, thứ trưởng Quốc phòng Mỹ đặc trách chính sách, cho biết trong một cuộc phỏng vấn ngày 8/8. Ông từ chối xác định mẫu tên lửa được cung cấp sang Ukraine. Tuy nhiên, trong biên chế quân đội Mỹ hiện nay dường như chỉ có duy nhất AGM-88 là tên lửa chống bức xạ.

Tên lửa AGM-88 HARM lần đầu xuất chiến năm 1983. Với chiều dài 4 mét, nặng 360kg và tầm khai hỏa 50km ở tốc độ Mach 2, đây là một loại tên lửa đáng gờm. Nó có thể xác định mục tiêu dựa trên nhiều bước sóng khác nhau, và có thể tiếp tục tấn công ngay cả khi nguồn phát radar đã tắt. Với tầm bắn 50km, nó có thể được khai hỏa ngoài tầm hoạt động của hầu hết các hệ thống phòng không.

Mặc dù vậy, tên lửa chống radar không phải là thứ vũ khí toàn năng, tuy nhiên có thể đem lại rất nhiều lợi thế. Loại tên lửa này thường được khai hỏa trước khi thực hiện một cuộc không kích, nó sẽ góp phần hạn chế các hệ thống phòng không, đảm bảo an toàn cho lực lượng không quân trước hệ thống phòng không của đối phương.

Tuy vậy, tên lửa chống radar có thể dễ dàng bị lừa bằng các trạm phát sóng mồi nhử. Một thiết bị tiêu biểu là TLQ-32 do Mỹ sản xuất. Thiết bị này sẽ phát các tần số giả cách xa radar thực thụ, làm mồi nhử các tên lửa tấn công.

Tên lửa chống radar thường được sử dụng như một thứ vũ khí tâm lý. Nó không thể tấn công toàn bộ các radar Nga, nhưng sẽ khiến lực lượng này cẩn trọng hơn trong việc phát sóng để tránh làm lộ vị trí.

Hoàng Anh (theo Business Insider)