Ba tháng trước, các quan chức Trung Quốc từng xem cuộc gặp giữa Chủ tịch Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Donald Trump tại hội nghị G20 là cơ hội tốt nhất để họ có thể đi đến một thỏa thuận giúp chấm dứt cuộc chiến thương mại giữa Bắc Kinh và Washington. Khi đó, họ hy vọng về một lệnh đình chiến.
Giờ đây, họ sẽ tự thấy mình may mắn nếu cuộc gặp tuần này diễn ra mà ông Tập không phải chịu bất kỳ sự muối mặt nào, trong lúc chuẩn bị đón nhận lượt thuế mới của Mỹ vào đầu năm tới.
Financial Times nhận định khi lãnh đạo của hai nền kinh tế lớn nhất thế giới chuẩn bị gặp nhau sau hơn một năm - bên lề hội nghị thượng đỉnh G20 khai mạc ngày 30/11 ở Buenos Aires - hố sâu ngăn cách giữa hai bên vẫn còn lớn.
Trung Quốc không nhượng bộ
Theo những người am hiểu về các cuộc đàm phán, lập trường của Bắc Kinh về cơ bản đã không thay đổi kể từ tháng 5.
Khi đó, Phó thủ tướng Lưu Hạc ra dấu rằng chính phủ Trung Quốc sẵn sàng mua thêm các mặt hàng nông sản của Mỹ và tiếp tục nâng giới hạn đầu tư nước ngoài trong một số ngành. Song ông Lưu, cũng là cố vấn kinh tế đáng tin cậy nhất của ông Tập, sẽ không cam kết tiến hành những thay đổi mang tính cấu trúc đối với mô hình "vốn nhà nước" của Trung Quốc. Trong mô hình này, các doanh nghiệp quốc doanh chi phối các lĩnh vực được coi là "chiến lược" và dễ dàng vay tiền từ các ngân hàng nhà nước.
"Trung Quốc đã không cho Mỹ bất cứ điều gì trong nhiều tháng và sau đó đưa ra một đề nghị mà về bản chất là tương tự với đề nghị mà họ đã đưa ra sáu tháng trước, giờ được hâm nóng lại", một trong những nguồn tin nói về các cuộc đàm phán, vốn mới chỉ được tái khởi động một cách nghiêm túc trong tháng này.
"G20 chưa bao giờ là một sự kiện ép buộc hành động. Chúng ta chỉ đang không ở một nơi mà người Trung Quốc sẵn sàng làm điều đó đến vậy"
Ông nói thêm: "Ông Tập không muốn tỏ ra yếu đuối. Không có nhiều thứ mà ông muốn cho đi hay có thể cho đi. Cả hai bên chỉ đang cố gắng vượt qua quá trình này, làm cho xong chuyện để năm sau có thể có gì đó xảy ra".
Trong trường hợp không có bất kỳ nhượng bộ lớn nào trước G20 hoặc trong "bữa tối làm việc" giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ, Trung hôm 1/12, ông Trump đã đe dọa tăng hơn gấp đôi thuế suất 10% đối với khoảng một nửa hàng xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ.
Hôm 27/11, cố vấn kinh tế của ông Trump, Larry Kudlow, nói ông và các quan chức chính quyền khác "không thấy" bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy chính quyền của ông Tập chuẩn bị đưa ra một đề nghị mà Mỹ có thể chấp nhận.
Đối với các quan chức và giới phân tích Trung Quốc, yêu cầu của ông Trump đơn giản là quá cao. "Tại G20, Trung Quốc sẽ phản đối chủ nghĩa bảo hộ thương mại và tái khẳng định việc sẵn sàng đào sâu và mở rộng cải cách (nội địa)", ông Thời Ân Hoằng, người đứng đầu một trung tâm nghiên cứu về Mỹ tại Đại học Nhân dân ở Bắc Kinh, cho hay.
"Nhưng ông Trump không muốn nghe những điều này", giáo sư Thời nói thêm. "Ông ấy muốn những nhượng bộ chưa từng có tiền lệ, rất cụ thể và có thể thực hiện được. Về cốt lõi, những nhượng bộ này sẽ buộc Trung Quốc phải thay đổi phần lớn mô hình kinh tế và các chính sách công nghiệp".
Không dễ chấm dứt thù địch
Cũng trong hôm 27/11, ông Thôi Thiên Khải, đại sứ Trung Quốc tại Mỹ, kêu gọi chính quyền Trump "hành động một cách có trách nhiệm".
"Chúng tôi tin rằng chìa khóa cho một giải pháp mà hai bên đều đồng ý trong các vấn đề thương mại là cách tiếp cận cân bằng đối với mối quan tâm của cả hai bên và thú thực cho đến nay tôi chưa thấy Mỹ phản hồi đầy đủ về những quan tâm của chúng tôi", ông Thôi nói với Reuters trong một cuộc phỏng vấn ở Washington.
"Chúng tôi không thể chấp nhận việc một bên cứ đưa ra rất nhiều đòi hỏi và bên còn lại phải đáp ứng tất cả những điều đó"
Ông Eswar Prasad, cựu giám đốc Trung Quốc của Quỹ Tiền tệ Quốc tế, cho biết mâu thuẫn giữa ông Tập và Phó tổng thống Mỹ Mike Pence tại hội nghị của diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á Thái Bình Dương (APEC) trong tháng 11 cho thấy lập trường của cả hai bên đều đang trở nên cứng rắn hơn.
Bên này đổ lỗi cho bên kia về sự xấu đi đáng kể trong quan hệ song phương năm nay khi lần đầu tiên trong lịch sử hội nghị APEC kết thúc mà không đưa ra được tuyên bố chung của các nhà lãnh đạo.
"Kết quả khả dĩ nhất của hội nghị G20 là một số từ ngữ nhẹ nhàng từ cả hai phía nhưng tôi nghĩ rằng cuối cùng bạn sẽ thấy thuế suất cao hơn và rộng hơn từ Mỹ", ông Prasad nói. "Không có một con đường dễ dàng ngay cả để sự chấm dứt sự thù địch ở giai đoạn này, đừng nói là đảo ngược sự thù địch".
Mỹ và Trung Quốc đã thảo luận về kế hoạch đến Washington của ông Lưu Hạc trước thềm hội nghị thượng đỉnh G20 để mở đường cho một thỏa thuận có thể đạt được. Phó thủ tướng Trung Quốc thay vào đó có chuyến thăm chính thức tại Đức, kết thúc hôm 28/11. Trong khi ông ở đó, Ủy ban Điều tiết Ngân hàng và Bảo hiểm Trung Quốc đã trao cho công ty bảo hiểm Đức Allianz giấy phép để mở một công ty bảo hiểm 100% vốn nước ngoài tại đầu tiên tại Trung Quốc.
Các quan chức Trung Quốc xem sự chấp thuận này như là biểu tượng cho cam kết của họ về việc tự do hóa khu vực tài chính. Đối với lãnh đạo các công ty Mỹ, điều này củng cố sự chậm chạp và bản chất đặc biệt của chương trình cải cách kinh tế tại Trung Quốc.
Với những điềm xấu trước cuộc gặp được mong đợi từ lâu giữa ông Tập và ông Trump tại G20, các nhà phân tích cho rằng cơ hội lớn nhất để đạt được đột phá phụ thuộc vào xu hướng thích gây bất ngờ của tổng thống Mỹ. Như ông Prasad nói: "Vấn đề là ai biết điều gì có thể xảy ra khi ông Trump bước vào phòng với ông Tập. Ai biết được ông ấy sẽ nghĩ gì?".
Theo Đông Phong/Zingnews