Hòn đảo 4.000 năm lịch sử của Mỹ trước mũi tên lửa Triều Tiên

Google News

Đảo Guam trải qua 4.000 năm lịch sử thăng trầm ngày nay đang “đứng mũi chịu sào” trong căng thẳng leo thang giữa Mỹ và Triều Tiên.

Theo CNN, nằm giữa châu Á và châu Mỹ, đảo Guam có vị trí địa lý chiến lược đối với bất kỳ ai muốn đi qua Thái Bình Dương, dù là mục đích thương mại hay quân sự.
Hon dao 4.000 nam lich su cua My truoc mui ten lua Trieu Tien
Tàu sân bay Mỹ tiến vào căn cứ ở đảo Guam. 
Hòn đảo là nơi sinh sống của cư dân người Indo-Malaysia từ cách đây 4.000 năm trước, theo nhà sử học địa phương Malia Ramirez.
Đảo Guam thuộc quyền kiểm soát của Tây Ban Nha khi đoàn thuyền của nhà thám hiểm Ferdinand Magellan cập bờ vào thế kỷ 16. Kết thúc chiến tranh Mỹ-Tây Ban Nha, Washington đưa Guam trở thành “mũi giáo” của quân đội ở Thái Bình Dương.
“Hòn đảo này có vị trí chiến lược quan trọng, kể từ khi người Tây Ban Nha đến đây”, nhà sử học Ramirez nói.
Hon dao 4.000 nam lich su cua My truoc mui ten lua Trieu Tien-Hinh-2
Đảo Guam nhìn từ trên cao. 
Bộ Quốc phòng Mỹ sở hữu diện tích tương đương 1/3 hòn đảo. Phần còn lại là nơi sinh sống của 160.000 người dân. Đảo Guam là vùng lãnh thổ Mỹ gần Triều Tiên nhất và đây cũng là con dao hai lưỡi.
Tổng thống Donald Trump tuần trước cảnh báo “lửa và hỏa lực mạnh chưa từng thấy sẽ giáng vào Triều Tiên nếu nước này tiếp tục đe dọa Mỹ. Đáp trả, Triều Tiên tuyên bố xem xét nghiêm túc kế hoạch tấn công Guam bằng tên lửa Hwasong-12.
Nhiều người dân ở Guam tin tưởng vào quân đội Mỹ. Nhưng cũng có những người cảm thấy không thoải mái vì chính sách của các nhà lãnh đạo ở xa hàng ngàn km đã đưa họ vào tầm ngắm tên lửa Triều Tiên.
“Mọi người hầu hết đều nghĩ Guam là căn cứ Mỹ mà không hề biết những địa danh nào khác ở hòn đảo này”, Victoria-Lola Leon Guerrero, một cư dân địa phương nói.
Hòn đảo không có tiếng nói
Đảo Guam thuộc quyền kiểm soát của Mỹ nhưng không chính thức là một phần của nước Mỹ. Điều này có nghĩa là người dân được cấp quốc tịch Mỹ nhưng không có quyền bỏ phiếu.
Như Guerrero thường nói: “Chúng tôi chỉ thuộc về nước Mỹ, chứ không phải là một phần của Mỹ”.
Chiến tranh dường như đã trở thành một phần tất yếu trong lịch sử Guam, đặc biệt là Thế chiến 2. Hòn đảo cũng là vùng lãnh thổ đầu tiên bị Nhật Bản đánh chiếm, từ năm 1941-1944.
“Chúng tôi luôn cảm nhận được tinh thần chiến đấu. Trong Thế chiến 2, chúng tôi đã sống qua giai đoạn bị xâm lược, bị đánh bom”, Guerrero nói. “Đa số người Mỹ chưa bao giờ có những trải nghiệm đó”.
Theo thống kê, cứ mỗi 1 trong số 8 người sinh ra ở Guam gia nhập quân đội Mỹ. Họ coi đó là niềm tự hào và cũng là cách để bảo vệ quê hương.
Nếu chiến tranh tới, sẽ không chỉ có người dân địa phương bị kéo vào xung đột, Thị trưởng Guam, Eddie Baza Calvo nói. “Hơn 200.000 người Mỹ sẽ bị kéo vào một cuộc chiến tranh ngay tại đây”.
Ký ức chiến tranh
Domingo Santos chỉ mới 10 tuổi khi ông nghe thấy tiếng chiến đấu cơ gầm rú trên bầu trời. Ông và các thành viên trong ngôi làng trải qua tháng ngày ẩn náu tại nhà thờ.
Đó là vào ngày 8.12.1941, khi phát xít Nhật tấn công Guam. Hai ngày sau đó, hòn đảo này đầu hàng, dẫn đến sự cai trị kéo dài 3 năm của Đế quốc Nhật.
Gia đình Santos may mắn sống sót vì chuyên làm nghề đánh cá trao đổi lấy nhu yếu phẩm. Những người sống sót qua chiến tranh ở Guam ngày nay đều già yếu và chết dần.
Những người già dần mất đi, thế hệ người trẻ lớn lên chưa từng biết đến chiến tranh. Ngày nay, các trẻ em không còn tập trung lắng nghe người già kể lại câu chuyện thời chiến trong ngày giải phóng 21.7 như trước.
Trong bối cảnh căng thẳng Mỹ-Triều Tiên leo thang, nhà sử học Ramirez lo ngại vì các bài học lịch sử dần trôi vào quên lãng.
“Đây là nhà”
Những gì mà Domingo Santos (85 tuổi), Malia Ramirez và Victoria-Lola Leon Guerrero mong muốn là giới lãnh đạo ở Washington lắng nghe tiếng nói của họ.
Theo CNN, nhiều người dân ở Guam bị tổn thương khi Thượng Nghị sĩ Lindsey Graham phát biểu: “Nếu hàng ngàn người chết vì Triều Tiên, họ sẽ chết ở nơi xa xôi chứ không phải ở đây (Washington)”.
“Tôi mong chính phủ hãy cân nhắc kỹ lưỡng”, Ramirez nói. “Chúng tôi ở đây, chúng tôi tồn tại và là một phần của nước Mỹ”.
“Không ai đáng phải đứng giữa làn đạn chiến tranh Mỹ-Triều Tiên”, Guerrero nói. “Chúng tôi chỉ muốn hòa bình và sống ở đây một cách yên ổn”.
Theo CNN, nhiều người dân trên đảo Guam không có kế hoạch sơ tán dù nguy hiểm đến đâu. “Đây là nhà của chúng tôi. Chúng tôi không có nơi nào khác để đi cả”, Ramirez nói.
Theo Đăng Nguyễn/Dân Việt