Ma Lüwei, nhà khảo cổ học chuyên về lịch sử quân sự Trung Quốc cổ đại, cho biết, những quả bom cổ bằng đá là vũ khí chính được sử dụng để phòng thủ trước sự xâm lược của kẻ thù dọc Vạn Lý Trường Thành trong thời nhà Minh (1368-1644).
“Quả bom thường được lắp đặt trong những khối đá rỗng cỡ trung bình. Những vũ khí này rất dễ chế tạo và cũng rất tiện dụng để binh lính ném xuống kẻ thù khi đứng trên Vạn Lý Trường Thành”, nhà khảo cổ Ma nói.
|
Vạn Lý Trường Thành ở quận Diên Khánh, Bắc Kinh. Ảnh: VCG. |
Shang Heng, nhà nghiên cứu tại Viện Khảo cổ học Bắc Kinh, cho hay, những quả bom đá có sức nổ lớn và từng là vũ khí yêu thích của Thích Kế Quang - tướng quân đội nhà Minh, người có đóng góp lớn cho chiến lược quân sự của Trung Quốc cũng như sự đổi mới của vũ khí quân sự.
59 quả bom đá được khai quật tại một trong những chòi canh của lính gác tại Vạn Lý Trường Thành. Không gian này sau đó được các nhà khảo cổ xác định là kho chứa vũ khí.
Trước phát hiện mới này, không có kho vũ khí tương tự nào được tìm thấy dọc theo đoạn Vạn Lý Trường Thành ở Bắc Kinh.
Bên cạnh kho vũ khí, các công trình cổ khác dọc Vạn Lý Trường Thành như bức tường “mặt ngựa”, bức tường cổ được sử dụng trên Vạn Lý Trường Thành để binh lính trèo lên và bắn tên, cũng được phát hiện trong dự án khảo cổ mới nhất.
|
Gần 60 quả bom cổ xưa vừa được khai quật tại Vạn Lý Trường Thành ở Bắc Kinh. Ảnh: Wermac. |
Trước đó, một pháo đài bằng đá từng được sử dụng để bắn đại bác cũng lần đầu tiên được phát hiện dọc theo Vạn Lý Trường Thành ở Bắc Kinh.
Nhà khảo cổ học Wang Meng giải thích, những phát hiện khảo cổ này đã làm sáng tỏ chức năng và quy hoạch thiết kế của Vạn Lý Trường Thành.
Vạn Lý Trường Thành bao gồm nhiều bức tường nối liền với nhau, một số có niên đại 2.000 năm. Các đoạn hiện có có tổng chiều dài hơn 21.000 km.
Những khám phá mới tại Vạn Lý Trường Thành phản ánh những nỗ lực nghiên cứu và bảo tồn không ngừng của Trung Quốc về Vạn Lý Trường Thành.
Lấy Bắc Kinh làm ví dụ, từ năm 2000 đến năm 2022, hơn 110 dự án đã được thực hiện để bảo tồn đoạn Vạn Lý Trường Thành ở Bắc Kinh, nơi được biết đến là có các tòa nhà và điều kiện địa chất phức tạp nhất so với các đoạn Vạn Lý Trường Thành khác, chẳng hạn như ở các tỉnh Hà Bắc, Cam Túc và Thiểm Tây.
22 năm nỗ lực bảo tồn đã đạt được rất nhiều thành tựu. Vào năm 2021, một dự án nhằm giải cứu đoạn Vạn Lý Trường Thành ở Liugou, quận Diên Khánh đã giúp xác định chính xác cách xây dựng Vạn Lý Trường Thành thời nhà Minh.
Một năm sau, những đồ vật cổ xưa hàng ngày như đĩa, kéo và bát được phát hiện dọc theo đoạn tường thành Jiankou của Vạn Lý Trường Thành, cung cấp cái nhìn sâu sắc về cuộc sống hàng ngày của những người lính đóng quân dọc theo bức tường.
Nhà sử học Fang Gang nhận xét: “Vạn Lý Trường Thành có giá trị không chỉ vì kiến trúc ấn tượng mà còn vì mối liên hệ văn hóa và lịch sử với cuộc sống của người Trung Quốc cổ đại, sự đoàn kết cũng như tinh thần của họ”.
Trong số tất cả các dự án, Công viên Văn hóa Quốc gia Vạn Lý Trường Thành, dự kiến hoàn thành vào năm 2035, là kế hoạch chi tiết của Trung Quốc nhằm tích hợp các nguồn tài nguyên Vạn Lý Trường Thành trên toàn quốc vào một cảnh quan. Chiến lược này nhằm mục đích bảo tồn di sản của Vạn Lý Trường Thành, đồng thời mở rộng phạm vi hoạt động sang các lĩnh vực như du lịch văn hóa.
Tính đến năm 2023, tổng cộng có 37 dự án quy hoạch cấp tỉnh đã được thực hiện với 16 dự án đã hoàn thành, trong đó có một dự án thúc đẩy thành lập bảo tàng Vạn Lý Trường Thành ở Tần Hoàng Đảo, tỉnh Hà Bắc.
Thảo Nguyên (Theo Global Times)