Các nhà lãnh đạo Triều Tiên thường không tiếc lời khen giới quan chức trong các chuyến thị sát nhà máy. Tuy nhiên, chuyến thị sát mới nhất của ông Kim Jong-un trong tuần này, mà báo Rodong Sinmum của Triều Tiên dành hẳn 9 trang để đăng tải, lại chứng kiến hàng loạt lời chê trách nặng nề hiếm thấy bởi các dự án kinh tế bị chậm tiến độ.
Trong chuyến thị sát, nhà lãnh đạo trẻ thăm 4 dự án kinh tế ở tỉnh Bắc Hamgyong, gần biên giới với Trung Quốc. Theo truyền thông nhà nước Triều Tiên, ông Kim giận tới mức "không nói lên lời" khi dự án nhà máy điện Orangchon mới hoàn thành 70% sau 17 năm khởi công và "thất kinh" trước những bể tắm suối nước nóng "bẩn hơn cả bể cá" ở khu nghỉ dưỡng Onpho…
|
Thăm nhà máy sản xuất túi Chungjin, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã chỉ trích đảng ủy địa phương “làm việc lấy lệ” Ảnh: KCNA |
Giới phân tích cho rằng không phải ngẫu nhiên nhà lãnh đạo Triều Tiên lại thể hiện sự phẫn nộ tới mức đó và truyền thông lại công khai rầm rộ những chuyện ít khi được đưa lên mặt báo như vậy. Theo Reuters, các chuyên gia cho rằng động thái này nhằm tập hợp sự ủng hộ trong nước đối với chiến dịch thúc đẩy phát triển kinh tế của ông Kim, đồng thời thuyết phục bên ngoài về sự sẵn sàng phi hạt nhân hóa của Bình Nhưỡng.
Sau khi chạy đua với thời gian để đạt được mục tiêu phát triển năng lực tên lửa hạt nhân vươn tới Mỹ, ông Kim Jong-un chuyển sự tập trung sang phát triển kinh tế hồi tháng 4. Trong chuyến đi Singapore cho cuộc gặp thượng đỉnh chưa từng có tiền lệ với Tổng thống Mỹ Donald Trump hồi tháng 6, nhà lãnh đạo trẻ tỏ rõ sự quan tâm tới những tiến bộ kinh tế và tiện ích đẳng cấp thế giới của đảo quốc sư tử.
Nhận định thái độ có phần sốt ruột của lãnh đạo Triều Tiên về tiến độ của các dự án kinh tế nói trên, chuyên gia Koh Yu-hwan thuộc Trường ĐH Dongguk cho rằng phát triển kinh tế đang được ưu tiên trọng tâm, ông Kim cần phải cho thấy kết quả nhưng lại nhận ra thực tế không như mong đợi. Phê phán các quan chức các dự án tức ông Kim chỉ thẳng lỗi vào giới chức điều hành, từ đó góp phần khích lệ người dân làm việc chăm chỉ hơn.
Theo chuyên gia Lee Woo-young thuộc ĐH Nghiên cứu Triều Tiên (tại Hàn Quốc), ông Kim cũng muốn cho thấy ông đang nỗ lực hết sức để vực dậy nền kinh tế, qua đó dập bớt những ngờ vực đối với cam kết phi hạt nhân hóa.
Mặt khác, đối với Trung Quốc, ông Kim Jong-un dường như cũng thông qua sự chú tâm vào phát triển kinh tế của mình để gởi gắm một thông điệp nhiều dụng ý tới đồng minh thân cận. Nhà lãnh đạo này đã tới Trung Quốc 3 lần kể từ tháng 5 và cử nhiều phái đoàn cấp cao trong chuyến công du 10 ngày tới các trung tâm kinh tế lớn ở Trung Quốc.
Chuyên gia cấp cao Shin Beom-chul từ Viện Nghiên cứu chính sách Asan ở Seoul nhận định mục đích của ông Kim có thể là khuyến khích Bắc Kinh đẩy lùi trừng phạt của Liên Hiệp Quốc đang siết chặt nền kinh tế Triều Tiên.
Theo Thu Hằng /Người Lao Động