Theo tạp chí National Interest, trước đây, lực lượng Dân quân biển thuộc Lực lượng Vũ trang Nhân dân Trung Quốc (PAFMM) từng được nhà phân tích hải quân Ronald O’Rourke nhắc đến trong báo cáo của Cục Khảo cứu Quốc hội Mỹ (CRS) và Ủy ban Đánh giá an ninh và kinh tế Mỹ-Trung cũng đã khuyến cáo Bộ Quốc phòng giải quyết ngay chủ đề này.
Giờ đây, đến lượt Lầu Năm Góc, bằng cách công bố những thực tế quan trọng về PAFMM cũng phát đi tín hiệu thông qua báo cáo năm 2018 của mình.
|
Lính hải quân Trung Quốc trong đội danh dự đón Thủ tướng Fiji bên ngoài Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh ngày 16/7/2015. Ảnh: Reuters. |
National Interest dẫn báo cáo mới chỉ ra rằng Bắc Kinh sử dụng PAFMM để thúc đẩy các yêu sách chủ quyền trên biển Hoa Đông và Biển Đông. PAFMM được coi là sức mạnh trên biển thứ 3 của Trung Quốc thường xuyên hoạt động cùng sức mạnh thứ nhất là Hải quân (PLAN) và sức mạnh thứ 2 là Cảnh sát Biển (CCG).
Trong bản thông tin gắn kèm, báo cáo 2018 của Lầu Năm Góc nêu điển hình: "Trung Quốc… sẵn sàng triển khai các biện pháp cưỡng ép để thúc đẩy các lợi ích của mình và giảm thiểu sự phản đối của các nước khác… Hồi tháng 8/2017, Trung Quốc thực hiện một cuộc tuần tra phối hợp giữa PLAN, CCG và PAFMM quanh đảo Thị Tứ và cắm cờ trên đá Tri Lễ (đều thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam)".
Theo Lầu Năm Góc, PLAN, CCG và PAFMM tạo thành sức mạnh trên biển lớn nhất ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.
Thứ nhất, PLAN là hải quân lớn nhất trong khu vực với một đội quân tàu ngầm, tàu đổ bộ, máy bay tuần tra… hùng hậu. Về quân số, PLAN cũng đông nhất thế giới.
Thứ 2, kể từ năm 2010, số tàu tuần tra lớn của CCG (hơn 1.000 tấn) tăng gấp đôi từ khoảng 60 lên hơn 130 chiếc, tạo nên lực lượng cảnh sát biển lớn nhất toàn cầu, nâng cao năng lực thực hiện các chiến dịch ngoài khơi mở rộng và đồng thời ở nhiều khu vực tranh chấp.
Thứ ba, Bắc Kinh có một PAFMM lớn nhất và mạnh nhất hành tinh. Là một trong số ít các lực lượng dân quân biển còn tồn tại ngày nay, duy nhất PAFMM được giao nhiệm vụ liên quan đến tranh chấp chủ quyền.
Lầu Năm Góc cảnh báo, việc Bắc Kinh sử dụng PAFMM đang làm suy yếu các lợi ích của Mỹ và quốc tế trong việc duy trì hiện trạng khu vực, mà ở đó có các quy tắc và quy chuẩn là nền móng của hòa bình và thịnh vượng. Chính phủ Mỹ đã nắm rõ về các mục tiêu của PAFMM và theo dõi lực lượng này rất chặt chẽ.
Vốn là thành phần chính của Các Lực lượng vũ trang Trung Quốc, PAFMM hoạt động dưới chuỗi chỉ huy quân sự trực tiếp để tiến hành các hoạt động do nhà nước bảo trợ. Như Lầu Năm Góc giải thích, PAFMM là tập hợp con của lực lượng dân quân toàn quốc Trung Quốc, một lực lượng dự bị vũ trang gồm dân thường luôn sẵn sàng cho huy động…
Các đơn vị dân quân được tổ chức xung quanh các thị trấn, làng mạc, các tiểu khu đô thị… và rất đa dạng về thành phần cũng như nhiệm vụ. Ngoài công việc thường ngày, nhân sự được tuyển vào PAFMM được tổ chức và huấn luyện bên trong lực lượng dân quân.
Một số lượng lớn tàu của PAFMM tham gia huấn luyện cùng/ với sự trợ giúp của của PLAN, CCG trong nhiều sứ mệnh như bảo vệ các yêu sách hàng hải, giám sát, bảo vệ ngư trường, hỗ trợ hậu cần, nghiên cứu và cứu hộ. Để ủng hộ và khuyến khích các nỗ lực của PAFMM, chính phủ trợ cấp cho nhiều tổ chức thương mại khác nhau ở cấp tỉnh và địa phương để vận hành các tàu dân quân thực hiện các nhiệm vụ ‘chính thức’.
Kể từ năm 2015, bắt đầu ở thành phố Tam Sa, Trung Quốc đã phát triển một đội quân PAFMM mới toàn thời gian: các đơn vị chuyên nghiệp hóa hơn, quân sự hóa hơn, được trả lương cao hơn, bao gồm tân binh và tàu thuyền chuyên dụng có vòi rồng phun nước và thân tàu được gia cố để đâm va.
Lầu Năm Góc chỉ ra rằng, các đơn vị PAFMM can dự vào rất nhiều vụ việc trên biển quốc tế. Lực lượng này đóng vai trò lớn trong nhiều chiến dịch quân sự cũng như các vụ áp đảo những năm qua, chẳng hạn quấy rối tàu viễn thám USNS Impeccable năm 2009 khi tàu này đang tiến hành các hoạt động bình thường.
Các kết luận của Lầu Năm Góc về hoạt động của PAFMM ở biển Hoa Đông nên là lời nhắc nhở quan trọng cho các nhà lập pháp ở cả Tokyo và Washington rằng Bắc Kinh chắc chắn sẽ tiếp tục sử dụng sức mạnh biển thứ 3 này như một công cụ lựa chọn để thăm dò và gây áp lực liên quan tới quần đảo Senkaku/ Điếu ngư. Và trong xung đột, Trung Quốc có thể triển khai cả các tàu của cảnh sát biển lẫn dân quân biển để hỗ trợ các chiến dịch quân sự.
Và báo cáo mới của Lầu Năm Góc nhấn mạnh: Trung Quốc đang tiếp tục thực hiện cưỡng chế cường độ thấp để thúc đẩy các yêu sách của mình ở Biển Đông và biển Hoa Đông.
Theo Thanh Hảo/Vietnamnet