Lời xin lỗi chưa từng có tiền lệ của ông Kim Jong Un

Google News

Việc ông Kim Jong Un bày tỏ tiếc nuối sau khi viên chức Hàn Quốc bị lính Triều Tiên bắn chết đã gây nhiều bất ngờ. Giới quan sát cho biết ông Kim rất hiếm khi xin lỗi công khai.

Theo cáo buộc từ Bộ Quốc phòng Hàn Quốc, một viên chức 47 tuổi của Hàn Quốc đã bị quân đội Triều Tiên bắn chết vào ngày 22/9 trên vùng biển phía tây khi ông có ý định vượt biên ra miền Bắc bán đảo. Cáo buộc đã làm rúng động dư luận Hàn Quốc, nhưng phản ứng của Bình Nhưỡng cũng gây sốc không kém.
Đến ngày hôm sau, Nhà Xanh - dinh tổng thống Hàn Quốc - lại thông báo rằng nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un đã đích thân gửi lời xin lỗi đến láng giềng phía nam.
Theo AFP, chỉ riêng việc Bình Nhưỡng chấp nhận xin lỗi đã là một điều hiếm thấy. Việc nhà lãnh đạo tối cao của cả nước là ông Kim Jong Un gửi lời xin lỗi lại càng khó tin.
"Chưa từng có tiền lệ"
Thông điệp được đưa ra giữa lúc quan hệ liên Triều xấu đi nghiêm trọng trong năm 2020 và đàm phán hạt nhân Mỹ - Triều bế tắc. UPI đánh giá thông điệp của Bình Nhưỡng gây bất ngờ nếu xét đến những hành động thời gian qua như cắt đứt đường dây liên lạc chính thức giữa hai miền và cho nổ văn phòng liên lạc liên Triều tại Kaesong vào tháng 6.
Loi xin loi chua tung co tien le cua ong Kim Jong Un
 Viên chức của Bộ Hải dương và Thủy sản Hàn Quốc lần cuối cùng được nhìn thấy trên tàu Mugunghwa 10, và đang tuần tra gần ranh giới liên Triều trên vùng biển phía tây. Ảnh: Yonhap.
Giới phân tích nhận định Triều Tiên thật sự mong muốn xoa dịu Hàn Quốc sau vụ bắn chết viên chức nước này. Lần gần nhất quân đội Triều Tiên khiến công dân Hàn Quốc thiệt mạng là năm 2008, trong một sự cố ở khu du lịch núi Kumgang. Cho đến nay, chính phủ Triều Tiên vẫn chưa chính thức xin lỗi sự cố 12 năm trước, dù một cơ quan du lịch nhà nước đã bày tỏ "tiếc nuối" về vụ việc.
Theo Giám đốc An ninh Quốc gia Hàn Quốc Suh Hoon, ông Kim Jong Un đã nhấn mạnh "rất lấy làm tiếc" về vụ việc "ngoài mong muốn và đáng hổ thẹn". Ông đồng thời xin lỗi đã làm Tổng thống Moon Jae In và người dân miền Nam bán đảo Triều Tiên thất vọng, trong khi đáng ra phải hỗ trợ nước láng giềng giữa bối cảnh đại dịch "virus corona quái ác".
Bộ trưởng Thống nhất Hàn Quốc Lee In Young đánh giá lời xin lỗi của nhà lãnh đạo Triều Tiên gửi đến Seoul là động thái "phi thường". Trả lời chất vấn tại Quốc hội Hàn Quốc, ông nói "chưa từng có tiền lệ Triều Tiên nhanh chóng công bố thông điệp của nhà lãnh đạo với 2 lần dùng từ xin lỗi".
Theo Boo Seung Chan, cựu cố vấn của bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc và hiện là chuyên gia Viện Nghiên cứu Triều Tiên Yonsei, ông Kim muốn xoa dịu căng thẳng trên bán đảo.
"Ông ấy có lẽ muốn thể hiện với cộng đồng quốc tế rằng mình là nhà lãnh đạo lý trí... đặc biệt giữa giai đoạn đàm phán hạt nhân rất quan trọng với Mỹ", Boo trả lời Bloomberg.
Ahn Chan Il, một người Triều Tiên đào tẩu hiện đã trở thành nhà nghiên cứu làm việc tại Seoul, nói việc nhà lãnh đạo của nước này xin lỗi "hiếm thấy vô cùng, đặc biệt là đối với người dân Hàn Quốc và tổng thống của họ".
"Tôi nghĩ đây là lần đầu tiên điều này xảy ra kể từ vụ sát hại bằng rìu năm 1976", Ahn nhắc đến biến cố 2 nhân sự Mỹ thiệt mạng khi đụng độ với lực lượng Triều Tiên khu phi quân sự (DMZ) ngăn cách hai miền.
Lợi ích dài hạn
Leif-Eric Easley, giáo sư Đại học Ewha tại Seoul, đánh giá "lời xin lỗi được cho là từ ông Kim Jong Un đã giảm rủi ro leo thang giữa hai miền bán đảo Triều Tiên và giữ lại hy vọng giao thiệp của chính phủ ông Moon". Ông Easley nói đây là động thái ngoại giao nhằm "tránh đụng độ tiềm năng trong ngắn hạn và duy trì lựa chọn thu lợi ích dài hạn" cho Bình Nhưỡng trong quan hệ với Seoul.
Loi xin loi chua tung co tien le cua ong Kim Jong Un-Hinh-2
Giới chức Hàn Quốc khẳng định việc ông Kim Jong Un xin lỗi là động thái chưa từng có tiền lệ. Ảnh: KCNA.
Bình Nhưỡng cũng phủ nhận cố ý thiêu thi thể người viên chức nghề cá của Hàn Quốc. Theo lá thư gửi từ Ủy ban Mặt trận Thống nhất đảng Lao động Triều Tiên, cơ quan đảm trách quan hệ liên Triều của Bình Nhưỡng, viên chức Hàn Quốc đã vượt trái phép ranh giới liên Triều trên vùng biển phía tây. Ông được cảnh báo trước bằng 2 phát đạn mã tử nhưng không phản hồi các hiệu lệnh từ biên phòng Triều Tiên.
Khi người viên chức Hàn Quốc tìm cách thoát, lính Triều Tiên đã bắn hơn 10 phát đạn. Tàu tuần tra sau đó phát hiện máu trên mặt nước nhưng không tìm thấy thi thể. Quân nhân Triều Tiên cho đốt vật nổi trên vùng biển để ngăn ngừa nguy cơ lây nhiễm virus corona.
Phía Triều Tiên vẫn trách Seoul "đơn phương" thông báo vụ việc và cáo buộc Bình Những có hành vi "phi nhân đạo", trong khi không liên hệ với Bình Nhưỡng để có giải thích cụ thể về vụ việc. Tuy nhiên, phía Triều Tiên vẫn lấy làm tiếc khi biến cố này diễn ra trên lãnh thổ Triều Tiên và cam kết sẽ có những biện pháp ngăn đổ vỡ niềm tin giữa hai nước.
Bộ trưởng Ngoại giao Hàn Quốc Kang Kyung Hwa đã nhấn mạnh Seoul vẫn để mở con đường đối thoại với Bình Nhưỡng và sẵn sàng nối lại các trao đổi song phương. Ông Suh Hoon ngày 25/9 cho biết "chính phủ sẽ tiếp tục xem xét quan hệ liên Triều và nỗ lực hết mình để tình hình bán đảo Triều Tiên đáp ứng kỳ vọng của nhân dân".
Theo Zing