Internet nói chung và các trang mạng xã hội đã bị nhiều đối tượng lợi dụng để tiến hành các hành vi phạm tội lừa đảo, buôn bán người, buôn bán ma túy, mại dâm, đánh bạc… Đặc biệt, các tổ chức khủng bố quốc tế đã lợi dụng các công cụ này để truyền bá tư tưởng cực đoan, lôi kéo thành viên và tổ chức khủng bố.
Lực lượng cảnh sát thế giới hiểu rằng, đây là một khía cạnh tất yếu của xu hướng toàn cầu hóa, phải chấp nhận “sống chung với lũ” và tìm ra những mặt có lợi phục vụ cho công tác cảnh sát.
Vì vậy, nhiều nghiên cứu khoa học, trao đổi thực tiễn đã được tiến hành và cảnh sát các nước đã tìm ra được nhiều bài học kinh nghiệm hay, biện pháp tốt để khai thác mạng xã hội để giúp sức cho hoạt động nghiệp vụ của mình.
Trước hết, từ hoạt động tuần tra, nắm bắt thông tin trên mạng xã hội, cảnh sát kịp thời phát hiện ra những thông tin về tội phạm để kịp thời ngăn chặn, xử lý như vụ cảnh sát Ấn Độ đã phát hiện và ngăn chặn kịp thời một người đàn ông rao bán cháu trai trên Facebook hay vụ một người phụ nữ ở Oklahoma (Mỹ) bị bắt khi đang đăng tin bán chính các con đẻ của mình trên Twitter…
Cũng từ mạng xã hội, cảnh sát có thể nắm bắt được xu hướng hoạt động của tội phạm, các diễn biến của một nhóm đối tượng hoặc các thông tin khác để chủ động phòng ngừa hoặc dự báo trước tình hình, lập các kế hoạch, chính sách ứng phó cho phù hợp.
Thông qua các thông tin đăng tải trên các trang mạng xã hội, cảnh sát có thể truy nguyên được nguồn gốc thông tin để tìm ra đối tượng phạm tội hoặc địa chỉ nghi vấn.
Từ Facebook, Twitter… cảnh sát tìm hiểu được lịch sử hoạt động của một người hoặc nhóm người để từ đó có những phân tích sâu hơn về đối tượng, tìm hiểu được các mối quan hệ hoặc lịch trình di chuyển của người đó để tiến hành khoanh vùng. Tính kết nối toàn cầu là một lợi thế cho cảnh sát.
Cảnh sát có thể khó khăn khi tìm manh mối về đối tượng nếu chỉ tìm trong một nhóm người hoặc một địa bàn nhất định nhưng nếu xác minh các mối quan hệ trực tiếp hoặc gián tiếp trên mạng xã hội của đối tượng, cảnh sát có thể lần ra hắn.
Trong nhiều vụ án, cảnh sát biết được đối tượng có nhiều bạn bè đang sử dụng Facebook. Xác minh tài khoản của những người bạn này hoặc bạn của bạn, cảnh sát đã phát hiện ra một bức ảnh có đăng hình mới của đối tượng và qua đó đã tìm ra nơi đối tượng này đang lẩn trốn ở nước ngoài.
Trong vụ án khác, đối tượng nghi vấn mà cảnh sát muốn bắt giữ đã rời khỏi nơi cư trú mà người thân không biết đi đâu. Nắm được đặc điểm tâm lý của đối tượng thích khoe khoang, cảnh sát đã âm thầm theo dõi tài khoản đăng tải trên Twitter của đối tượng và dựng được lịch trình di chuyển của đối tượng để tổ chức đón bắt ngay khi đối tượng vừa xuống sân bay.
Đối với việc xác minh, điều tra các thông tin chưa rõ, các vụ tai nạn giao thông, tìm chủ sở hữu… mạng xã hội giúp ích rất nhiều cho cảnh sát. Thông qua kết nối, người dân giúp cảnh sát xác định được danh tính của nạn nhân, chủ sở hữu tài sản.
Một số Sở cảnh sát các nước cũng đã lập tài khoản hoặc lập hẳn trang fanpage để đăng tải các thông báo cần sự trợ giúp của cộng đồng và cũng là kênh quan trọng để quần chúng, các cơ quan, tổ chức cung cấp tin báo, tố giác về tội phạm, hỗ trợ thông tin xác minh cho cảnh sát.
Thông qua các fanpage này, cảnh sát cũng đăng tải nhiều thông tin về pháp luật, chính sách hoạt động cảnh sát, các biện pháp phòng ngừa tội phạm, hướng dẫn cảnh giác và thông báo về tình hình tội phạm, các chú ý cần thiết… tới cộng đồng.
Fanpage này cũng là sự kết nối, xây dựng lòng tin của cảnh sát đối với người dân, để từ đó dân giúp cảnh sát nhiều hơn.
Trong trận lũ lịch sử xảy ra ở bang Queensland (Australia) năm 2011, trang fanpage của Sở Cảnh sát Queensland đã trở thành cứu cánh cho nhiều người khi là nguồn cập nhật duy nhất và sát thực nhất về tình hình lũ lụt, cảnh báo nguy hiểm, hướng dẫn thoát nạn cho người dân ở những khu vực bị cô lập đặc biệt.
Cảnh sát London (Anh) còn thành lập một đơn vị chuyên trách trong việc quan hệ xã hội thông qua mạng xã hội, thu thập, phân tích, xử lý thông tin liên quan đến tội phạm từ mạng xã hội…
Tại Việt Nam, cảnh sát nước ta cũng đã tranh thủ mạng xã hội để phát hiện, đấu tranh hiệu quả với nhiều đối tượng phạm tội và tiếp nhận thông tin về tội phạm.
Cảnh sát giao thông Công an thành phố Đà Nẵng, Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Khánh Hòa… đều lập fanpage tiếp nhận thông tin tố giác tội phạm cho thấy mức độ hữu ích của công cụ này trong công tác trấn áp tội phạm và cách tiếp cận mới của lực lượng công an các địa phương ở nước ta trong xã hội công nghệ thông tin.
Ẩn mình trong thế giới mạng xã hội, cảnh sát nhiều nước đã cải trang luồn sâu vào tổ chức tội phạm để nắm tình hình và từ đó lập kế hoạch, phá thành công nhiều vụ án, bắt giữ được nhiều đối tượng phạm tội.
Cảnh sát thành phố Cincinati (bang Ohio, Mỹ) đã phối hợp với Viện nghiên cứu công nghệ của Đại học Cincinati xây dựng thành công một cơ sở dữ liệu thu thập, phân tích, so sánh các thông tin và mối liên hệ về một nhóm người trên mạng xã hội.
Nhờ đó, sau 9 tháng theo dõi, phân tích, cảnh sát đã đủ căn cứ xác định được các đối tượng và phá án, bắt giữ đồng loạt 71 thành viên của một băng nhóm tội phạm khét tiếng. Trong một số vụ án, các thông tin, hình ảnh thu thập được trên mạng xã hội là căn cứ để giúp cảnh sát đấu tranh với đối tượng phạm tội ngoan cố, khiến chúng phải tâm phục, khẩu phục nhận tội.
Mạng xã hội cũng là công cụ hữu ích để cảnh sát nắm bắt những phản hồi đa chiều về các hoạt động của mình, các vấn đề chưa hợp lý phát sinh và các nhân viên cảnh sát để từ đó có các điều chỉnh phù hợp, đem lại lợi ích thiết thực nhất cho người dân.
Thông tin từ mạng xã hội giúp cảnh sát kịp thời phát hiện những tiêu cực trong nội bộ để xử lý, tránh tình trạng tái diễn (ví dụ như các hình ảnh mà người dân đăng tải về tình trạng cảnh sát nhận hối lộ, lạm quyền trong khi thi hành công vụ hoặc vi phạm điều lệnh…). Mặc dù mạng xã hội có nhiều trợ lực cho cảnh sát nhưng hiện nay cảnh sát cũng đang gặp nhiều khó khăn trong việc khai thác thông tin từ đây.
Các đối tượng đã cảnh giác hơn trong việc sử dụng mạng và đưa thông tin lên. Một số đối tượng lập tài khoản giả và đưa thông tin giả để đánh lừa sự theo dõi của cảnh sát.
Các đối tượng sử dụng các công cụ bảo mật tài khoản và các thanh công cụ ẩn để che giấu hoạt động của tài khoản mình, lọc và phát hiện ra tài khoản lạ nào đang theo dõi mình để kịp thời ẩn thân.
Ngoài ra, trong quá trình điều tra thông tin trên mạng xã hội, cảnh sát cũng không dễ nhận được sự hợp tác từ các quản trị của mạng xã hội bởi cả Facebook, Twitter… đều có các điều khoản rất chặt chẽ trong việc bảo mật thông tin cá nhân cho người dùng.
Theo Phương Dung/Cảnh Sát Toàn Cầu