Tanveer Aziz Kingrani dự định dành trọn tháng 8 để chuẩn bị cho kỳ thi tại Đại học Sindh. Thế nhưng, sinh viên ngành vật lý 23 tuổi lại ở trong căn lều trú ẩn với 18 thành viên gia đình khi ngôi làng của anh ngập hoàn toàn trong nước lũ.
Là cư dân của làng Haji Manik Khan - cách thành phố Dadu 20 km ở tỉnh Sindh, miền Nam Pakistan, Kingrani và gia đình nằm trong số 33 triệu người buộc phải rời nhà do những trận mưa và bão lũ lớn chưa từng có trút xuống khu vực vào tháng trước.
Tuy nhiên, ngoài nỗi đau mất nhà, còn một điều khác luôn hiện hữu trong tâm trí Kingrani. “Mùa màng của chúng tôi bị phá hủy hoàn toàn. Chúng tôi bị lỗ ít nhất 1,8 triệu rupee Pakistan (8.000 USD)”, anh nói với Al Jazeera.
Trên khoảng đất nông nghiệp 12 ha, cha của Kingrani đã gieo lúa, bông và lúa mì suốt mùa đông. Thế nhưng, những cơn mưa không chỉ phá hủy ruộng lúa và bông đang chuẩn bị chín, mà nó còn khiến gia đình anh lo lắng về vụ lúa mì sắp tới.
“Có nhiều khả năng nước sẽ không rút hoàn toàn trong 3 tháng tới, do đó chúng tôi sẽ bỏ lỡ khoảng thời gian gieo trồng lúa mì”, Aziz Kingrani - cha của Tanveer, vị giáo sư đã nghỉ hưu - cho biết.
“Tôi không có nguồn thu nhập nào khác ngoài ruộng đồng và lương hưu. Tôi không biết làm thế nào để nuôi sống 18 người bằng đồng lương hưu ít ỏi. Có khi tôi phải gọi người con trai đang học đại học về nhà giúp đỡ”, ông nói.
Câu chuyện của gia đình Kingrani là điển hình cho những gì mà hàng triệu hộ gia đình trên khắp Pakistan bị ảnh hưởng bởi trận lũ lụt tồi tệ nhất từ trước đến nay tại quốc gia Nam Á hơn 220 triệu dân.
Gần 1.600 người thiệt mạng, vài triệu người phải di tản, trong khi ước tính thiệt hại lên tới 30 tỷ USD vì thiên tai.
Bão lũ quét qua không chỉ gây ra thiệt hại về người, khi giới lãnh đạo các nước còn chứng kiến thách thức lớn nhất ở phía trước, do thiên tai tàn phá đường xá và cơ sở hạ tầng, phá hủy và hư hại hàng triệu ha cây trồng.
Mất thời gian để đánh giá toàn cảnh thiệt hại
Gần đây nhất, sau khi rời Philippines, siêu bão Noru gây ra thiệt hại lớn, làm tốc mái nhà, sập đường dây điện và làm hư hại nhiều công trình.
Tính đến ngày 27/9, Bộ Nông nghiệp Philippines ước tính tổn thất về nông nghiệp của nước này trong siêu bão Noru, có tên địa phương là Karding, là 1,29 tỷ peso (21,9 triệu USD), lớn hơn gấp 9 lần so với ước tính 160 triệu peso một ngày trước đó, Bloomberg và Inquirer đưa tin.
Chính phủ cho biết lúa, gạo chiếm gần 90% trong tổng số 72.231 tấn nông sản thất thoát. Tuy nhiên, đây vẫn chưa phải con số cuối cùng và các cơ quan chức năng vẫn đang đánh giá thêm.
Các con số thiệt hại trên được tính ở các khu vực Cordillera, Ilocos, thung lũng Cagayan, Trung Luzon, Calabarzon và khu vực Bicol. Chính phủ hôm 25/9 dự kiến cơn bão có thể ảnh hưởng đến 76% diện tích trồng lúa của cả nước.
Inquirer nhận định dự báo giá cả hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng sẽ tăng nhanh do ảnh hưởng của siêu bão. Domini Velasquez - nhà kinh tế học tại China Banking Corp - cho rằng tác động của Noru sẽ cảm nhận rõ nhất trong giá gạo khi bão quét qua Trung Luzon - nơi được coi là vựa lúa của đất nước.
“Karding có thể sẽ đẩy lạm phát vào cuối năm khi cơn bão tấn công các tỉnh trồng lúa trước khi bắt đầu mùa thu hoạch. Diễn biến gần đây nhất làm trầm trọng thêm rủi ro tăng giá gạo do năng suất thấp hơn dự kiến, cùng với giá phân bón cao hơn vào nửa đầu năm và áp lực giá bên ngoài khi Ấn Độ cấm xuất khẩu một số mặt hàng”, bà cho hay.
|
Người dân đi làm qua con đường ngập nước sau mưa ở Jacobabad, Pakistan hôm 30/8. Ảnh: Reuters.
|
Sonny Africa - Giám đốc điều hành Tổ chức phi lợi nhuận IBON - cho biết tác động của cơn bão có thể ảnh hưởng tới khả năng phục hồi kinh tế của đất nước. Chính phủ Philippines đã mở cửa trở lại nền kinh tế vào đầu quý II, tập trung phục hồi sau đại dịch.
Không chỉ vậy, những thiệt hại về nông nghiệp trong cơn bão Noru đang làm nghiêm trọng thêm tình trạng thiếu lương thực của đất nước trong những tháng qua, khiến lạm phát leo dốc lên gần mức cao nhất kể từ năm 2018.
Chính phủ cho biết họ sẽ cung cấp các khoản viện trợ, khoản vay và hạt giống cho nông dân bị ảnh hưởng.
Với Pakistan, ngành nông nghiệp chiếm gần 1/4 GDP đất nước. Sức tàn phá của trận lũ lụt hồi tháng 8 xảy ra vào thời điểm Pakistan đang vật lộn với dự trữ ngoại hối cạn kiệt và lạm phát tăng cao nhất trong 5 thập niên, chạm mức 27,3% vào tháng 8.
Theo báo cáo ngày 29/8 của Tổ chức Nông lương Liên Hợp Quốc, gần 80% cây trồng ở Sindh - sản xuất khoảng 30% tổng sản lượng bông, nguồn thu quan trọng của Pakistan - đã bị phá hủy. Gần 70% ngành công nghiệp dệt may của Pakistan - nguồn cung cấp việc làm và ngoại hối quan trọng - sử dụng bông nội địa.
Abdul Rahim Nasir - Chủ tịch Hiệp hội nhà máy dệt Pakistan - cho biết điều này sẽ kéo lùi sự phát triển của đất nước, đặc biệt khi nguồn ngoại tệ đang ngày càng cạn kiệt.
Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo trong khi có thể xác định tác động tài chính trực tiếp của thảm họa đối với cơ sở hạ tầng, cây trồng và vật nuôi, chính phủ cần chuẩn bị cho việc ảnh hưởng của thiên tai lan rộng tới phần còn lại của nền kinh tế.
“Điều khó xác định ngay bây giờ là thiệt hại kinh tế diện rộng, chẳng hạn như giảm hoạt động kinh tế, tác động trực tiếp lên giá sinh hoạt. Sẽ mất nhiều tháng để xác định những thiệt hại toàn diện này”, Shahrukh Wani - nhà kinh tế học tại Blavatnik School of Government, Đại học Oxford - nhận định.
Ai là bên chịu trách nhiệm?
Philippines, một trong những quốc gia dễ bị tổn thương nhất trước tác động của biến đổi khí hậu, bị ảnh hưởng bởi trung bình 20 cơn bão mỗi năm.
“Siêu bão Noru là lời nhắc nhở nghiệt ngã rằng cuộc khủng hoảng khí hậu đang diễn ra ngay bây giờ. Các nhà lãnh đạo quốc gia về thế giới cần tăng cường chủ động hành động để giảm thiểu và chuẩn bị cho những tác động trong tương lai”, Jon Bonifacio - điều phối viên quốc gia của Mạng lưới vì môi trường Kalikasan People - nhận định.
Do đó, những thảm họa thiên nhiên thảm khốc liên tiếp ập tới khiến lời kêu gọi các nước phát triển đền bù cho nhóm đang phát triển về tác động tàn phá do khủng hoảng khí hậu gây ra lại một lần nữa được chú ý.
Thuật ngữ được ưa chuộng cho khái niệm này là thanh toán “tổn thất và thiệt hại”. Tuy nhiên, một số nhà vận động muốn mở rộng khái niệm và định nghĩa thành “bồi thường khí hậu”, theo AFP.
“Theo tiền lệ trong lịch sử, cuộc cách mạng công nghiệp không chỉ gia tăng khí thải và ô nhiễm carbon, mà còn là lịch sử của chủ nghĩa thực dân và khai thác tài nguyên, của cải, lao động", nhà hoạt động khí hậu Meera Ghani nói.
Những ý tưởng như vậy kéo dài suốt nhiều thập niên. Các quốc đảo nhỏ dễ bị ảnh hưởng bởi mức nước biển dâng cao là nhóm đầu tiên thúc đẩy những ý tưởng này.
Các nhà vận động chỉ ra thực tế rằng những quốc gia dễ bị tổn thương nhất ở Global South - nhóm nước châu Phi, châu Mỹ Latinh và khu vực đang phát triển của châu Á - thải ra dưới 1% lượng khí thải nhà kính toàn cầu, trái ngược với các quốc gia G20 chiếm tới 80%.
Ứng phó khí hậu toàn cầu hiện có 2 cách tiếp cận: Một là “giảm nhẹ” - giảm lượng khí thải, hai là “thích ứng” - thực hiện các bước thay đổi hệ thống và cải thiện hạ tầng cho những thay đổi đã xảy tới.
Tuy nhiên, hiện tại, ngay cả mục tiêu khiêm tốn về tài chính thích ứng cũng khó đạt được. Các nền kinh tế phát triển đã đồng ý chuyển 100 triệu USD cho các nước đang phát triển vào năm 2020. Tuy nhiên, cam kết này đã bị phá vỡ, ngay cả khi phần lớn nguồn vốn được huy động dưới hình thức cho vay.
“Nếu bắt đầu từ việc Global North (nhóm quốc gia châu Âu, Bắc Mỹ và khu vực phát triển của châu Á - PV) là bên phải chịu trách nhiệm chính với tình hình khí hậu hiện nay, thì tại sao các nước đóng góp ít phát thải khí nhà kính lại phải yêu cầu họ viện trợ, với hình thức chủ yếu là khoản vay cùng các điều kiện hoàn trả khó khăn”, Maira Hayat - trợ lý giáo sư nghiên cứu về môi trường và hòa bình tại Đại học Notre Dame ở Indiana - đặt câu hỏi.
Tuy nhiên, không phải chuyên gia khí hậu nào cũng đồng tình với cách nhìn này. Daanish Mustafa - giáo sư địa lý quan trọng tại King's College London - cho rằng mặc dù ông đồng tình Global North phải chịu trách nhiệm cho tình hình hiện tại, việc dựng lý lẽ bào chữa cho hành động và chính sách của lãnh đạo Pakistan làm trầm trọng thêm các thảm họa.
Nhóm các nhà khoa học khí hậu thuộc World Weather Attribution nhận thấy biến đổi khí hậu có thể góp phần gây ra lũ lụt. Tuy nhiên, tác động kinh hoàng cũng là do “vị trí khu định cư của con người, cơ sở hạ tầng và đất nông nghiệp gần với vùng đồng bằng dễ ngập lụt", bên cạnh các yếu tố địa phương khác.
Ông Mustafa cho biết lượng khí thải của Pakistan - mặc dù ở mức thấp trên quy mô toàn cầu - đang tăng nhanh với lợi ích thuộc về một tầng lớp nhỏ. Chuyên gia cho rằng quốc gia này nên theo đuổi con đường phát triển carbon thấp, thay vì áp dụng con đường của phương Tây và tự gây tổn hại cho chính mình.
Theo Phương Linh/Zing News