Mỹ có động thái mới nhằm chặn nguồn cung chip toàn cầu cho Huawei

Google News

Chính quyền của Tổng thống Mỹ ngày 15/5 đã có động thái nhằm chặn các nguồn cung chip toàn cầu cho tập đoàn công nghệ Huawei của Trung Quốc, làm dấy lên những lo ngại về biện pháp trả đũa của Bắc Kinh.
 
 

Quy định mới được Bộ Thương Mại Mỹ công bố sẽ tăng cường quyền hạn của Mỹ trong việc yêu cầu giấy phép bán các sản phẩm bán dẫn được sản xuất ở nước ngoài theo công nghệ của Mỹ cho tập đoàn công nghệ Huawei, từ đó làm tăng khả năng của Washington trong việc ngăn chặn xuất khẩu chip cho nhà sản xuất điện thoại thông minh (smartphone) lớn thứ hai thế giới này.
Một quan chức của Bộ Thương mại Mỹ cho biết hành động này sẽ đặt nước Mỹ, các công ty Mỹ và an ninh quốc gia của Mỹ lên trên hết.
Huawei chưa bình luận gì về diễn biến này, nhưng Trung Quốc đã có phản ứng nhanh chóng, với một bài báo đăng ngày 15/5 trên tờ Global Times của Trung Quốc cho hay Bắc Kinh sẵn sàng đưa các công ty Mỹ vào “danh sách các tổ chức không tin cậy” trong động thái nhằm đáp trả lại quyết định hạn chế mới của Mỹ đối với Huawei.
My co dong thai moi nham chan nguon cung chip toan cau cho Huawei
Một cửa hàng của Huawei ở Thâm Quyến, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc. Ảnh: AFP/TTXVN 
Theo bài báo, các biện pháp này bao gồm việc tiến hành điều tra và áp đặt các lệnh giới hạn đối với các công ty Mỹ như Apple Inc, Cisco Systems Inc và Qualcomm Inc, cũng như ngừng mua máy bay của Boeing.
Trong khi đó, quy định mới của Bộ Thương mại Mỹ, có hiệu lực từ ngày 15/5 nhưng có thời gian ân hạn 120 ngày, cũng sẽ ảnh hưởng đến công ty sản xuất bán dẫn của Đài Loan (Trung Quốc) Taiwan Semiconductor Manufacturing Co Ltd, nhà sản xuất chip theo hợp đồng lớn nhất và là nhà cung cấp chủ chốt của Huawei. Công ty này ngày 14/5 vừa công bố kế hoạch xây dựng một nhà máy ở Mỹ.
Dù sự thay đổi quy định nói trên là nhằm vào Huawei và nguồn cung chip mà “ông lớn” này phụ thuộc vào, nhưng các nhà sản xuất chip của Mỹ có thể cũng sẽ chịu thiệt hại dài hạn, nếu các nhà sản xuất chip phát triển các nguồn thiết bị mới nằm ngoài phạm vi điều chỉnh của các quy định của Mỹ.
Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, hầu hết các nhà sản xuất chip đều dựa vào thiết bị được sản xuất bởi các công ty Mỹ như KLA, Lam Research và Applied Materials.
Trong khi một số công cụ phức tạp cần để sản xuất chip đang đến từ các công ty bên ngoài nước Mỹ như Tokyo Electron và Hitachi của Nhật Bản, cũng như ASML của Hà Lan, nhưng giới phân tích cho rằng rất khó để tập hợp một chuỗi toàn diện cho việc sản xuất các sản phẩm bán dẫn tiên tiến mà không cần đến ít nhất vài thiết bị của Mỹ./.
Theo Khánh Ly/Bnews