Mỹ đang hiện thực hóa lãnh đạo thế giới bằng sức mạnh quân sự?

Google News

Giới phân tích cho rằng, thực chất việc rút khỏi Hiệp ước INF là Mỹ đang hiện thực hóa chủ trương lãnh đạo thế giới bằng sức mạnh quân sự.

Ngày 20/10, Tổng thống  Mỹ Donald Trump tuyên bố rằng, ông có ý định rút khỏi Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) với 3 lý do: Nga đã vi phạm hiệp ước, Trung Quốc sở hữu kho tên lửa khổng lồ, khiến Mỹ bị tụt hậu so với các đối thủ. Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng, thực chất là Mỹ đang hiện thực hóa chủ trương lãnh đạo thế giới bằng sức mạnh quân sự.

My dang hien thuc hoa lanh dao the gioi bang suc manh quan su?
 Tổng thống Trump ngày 20/10 tuyên bố Mỹ sẽ rút khỏi hiệp ước hạt nhân INF với Mỹ. Ảnh: Reuters
Từ ngân sách quốc phòng đến phân bổ chi tiêu…
Tổng thống Mỹ D. Trump ngay từ khi tranh cử hồi năm 2016, ông đã nói rằng, ông sẽ làm cho “Nước Mỹ vĩ đại trở lại”, và nước Mỹ sẽ tiếp tục lãnh đạo thế giới bằng sức mạnh quân sự.
Trước đó, ngày 13/8, Tổng thống Trump đã ký ban hành Đạo luật Ủy quyền quốc phòng (NDAA) năm 2019, với mục tiêu “nhằm nâng cấp các lực lượng quân sự Mỹ”. Theo đó, chi tiêu quốc phòng đã ở con số kỷ lục là 716 tỷ USD trong năm tài chính 2019 bắt đầu từ 1/10, tăng 3% so với năm 2018.
Theo phân bổ chi tiêu của NDAA thì quân nhân Mỹ sẽ tăng thêm 15,6 nghìn người, với lục quân 487,5 nghìn người, hải quân 335,4 nghìn người, lính thủy đánh bộ 186,1 nghìn người và không quân 329,1 nghìn người.
Về trang bị kỹ thuật quân sự, NDAA chi 22 - 360 triệu USD cho mua các xe bọc thép, hiện đại hóa như: 135 xe tăng Abrams M1, 60 xe bọc thép Bradley, 200 xe bọc thép đa mục đích và 3,4 nghìn xe quân sự khác.
Về không quân, NDAA chi 40 tỷ USD (trong đó có 7,6 tỷ USD để mua 77 máy bay chiến đấu F-35 mới nhất, phát triển các phương tiện không người lái, đặc biệt là máy bay chiến đấu không người lái - EQ-4). Chi 24,1 tỷ USD cho việc chế tạo 13 tàu chiến mới, nghiên cứu chế tạo tàu sân bay thứ tư lớp Ford và tàu ngầm chiến lược mới nhất lớp Columbia.
Thành lập “Lực lượng Vũ trụ” - Binh chủng thứ 6 của quân đội Mỹ, ngang hàng với 5 binh chủng đã có từ trước, đồng thời chi 65 triệu USD cho chuẩn bị Chiến tranh Hạt nhân quy mô nhỏ, và chi 4,6 tỷ USD vào việc ngăn chặn “nguy cơ Nga tấn công châu Âu” của Nga.
Đạo luật NDAA còn cho phép chi tiêu cụ thể nhằm vào 5 hoạt động thể hiện sự cứng rắn đối với Trung Quốc như: (1) Chi tiêu hỗ trợ và hợp tác, (2) Xây dựng chiến lược và hoạt động phòng thủ (3) Mở rộng không gian chiến lược, (4) Hạn chế tác động không mong muốn, (5) Chi tiêu cho báo cáo thường niên.
Những động thái nêu trên cho thấy Tổng thống Mỹ D. Trump đã chuẩn bị cho các bước đi nhằm thực hiện hóa chủ trương lãnh đạo thế giới bằng sức mạnh quân sự. Vì thế, việc ông Trump tuyên bố rằng, ông ấy muốn rút khỏi INF với Nga là điều đã được tiên liệu.
Sự phản ứng khác nhau của dư luận…
Ngay sau tuyên bố của ông Trump, nội bộ nước Mỹ và quốc tế đã có sự phản ứng khác nhau, khiến giới nghiên cứu và dư luận đặc biệt quan tâm.
Ngay trong nội bộ nước Mỹ cũng có những quan điểm và cách đánh giá khác nhau. Những người ủng hộ Tổng thống Trump thì cho rằng, Nga phải chịu trách nhiệm về vấn đề này. Tuy nhiên, việc rút khỏi INF cần phải có một chiến lược cơ bản và toàn diện và phải tham khảo ý kiến của Quốc hội và đồng minh, nếu không “có thể đe dọa đến các lợi ích an ninh quốc gia dài hạn của Mỹ”.
Thượng nghị sỹ Bob Corker cho rằng, thông báo của ông Trump có lẽ chỉ là một nỗ lực nhằm khiến Nga phải quay lại tuân theo hiệp ước, giống như việc Mỹ đe dọa rời NAFTA trước khi tái đàm phán một thỏa thuận thương mại mới sẽ được ký kết.
Ông Corker nói: “Có lẽ đây chỉ là một động thái để khẳng định rằng nếu các anh không tuân thủ thì chúng tôi sẽ rút khỏi hiệp ước này”. Ông nhận định: “Tôi hy vọng đó cũng là một trường hợp như vậy. Tôi mong chúng ta có thể tìm cách để tiếp tục ở lại hiệp ước”.
Trong giới chức ngoại giao Mỹ lại có ý kiến khác cho rằng, Mỹ rút khỏi INF chỉ có lợi cho Nga. Ông Steven Pifer, một cựu quan chức của Bộ Ngoại giao Mỹ và là một chuyên gia về kiểm soát vũ trang tại viện Brookings cho rằng, “Các quan chức Nga có lẽ đang hào hứng với tin tức này”. Điều đó tức là Moscow có thể triển khai rộng rãi hơn loại tên lửa này nếu INF bị “khai tử”.
Ông Pifer giải thích: “Moscow sẽ tự do triển khai tên lửa hành trình 9M729 và các tên lửa đạn đạo tầm trung nếu họ muốn mà không có trở ngại nào nữa. Mỹ hiện không có loại tên lửa này nên Washington sẽ phải nhanh chóng triển khai để theo kịp Nga”.
Thượng nghị sỹ Đảng Cộng hòa Tom Cotton ủng hộ và viện dẫn thêm lý do Mỹ muốn rút khỏi INF, bởi “Trung Quốc đang dự trữ các loại tên lửa và họ sẽ không để bị giới hạn bằng bất cứ giá nào” (95% trong số 2.000 tên lửa đạn đạo đã vượt quá quy định của INF). Ông nói: “Từ lâu tôi đã kêu gọi Mỹ cân nhắc đến việc liệu hiệp ước này có phục vụ cho lợi ích của đất nước chúng ta hay không”.
Các nước đồng minh châu Âu lại có những phản ứng lưỡng tính, vừa đồng tình với việc chỉ trích Nga vi phạm Hiệp ước, vừa coi INF là “cần thiết” để đảm bảo an ninh xuyên Đại Tây Dương. Ngoại trưởng Đức Heiko Maas đã chỉ trích quyết định của ông Trump và gọi đó là một hành động “đáng tiếc”, và “điều này sẽ đặt ra những câu hỏi khó cho chúng tôi và EU.
Tổng thư ký NATO, ông Jens Stoltenberg lại nói rằng, NATO vẫn “lo ngại về việc Nga thiếu tôn trọng các cam kết quốc tế, trong đó có INF”. Theo ông, điều cấp thiết là Nga phải giải quyết các mối lo ngại của phương Tây về hệ thống tên lửa mới, có tên là 9M729 một cách đầy đủ và minh bạch.
Trong khi đó, Nga đã bác bỏ cáo buộc vi phạm INF của ông Trump và yêu cầu phía Mỹ phải đưa ra bằng chứng cụ thể. Thứ trưởng Ngoại Giao Nga Sergei Ryabkov khẳng định việc Tổng thống Donald Trump quyết định rút khỏi INF với Nga là “một bước đi nguy hiểm”.
Ông Ryabkov nhấn mạnh, hiệp ước được Washington và Matxcơva ký kết trong thời Chiến tranh Lạnh “vô cùng quan trọng đối với an ninh quốc tế… hướng đến việc duy trì sự ổn định mang tính chiến lược. Ông Ryabkov lên án Mỹ luôn tìm cách buộc các nước khác phải nhượng bộ bằng chiến thuật bắt bí”.
Phát biểu tại một cuộc họp báo thường kỳ, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Doanh cho biết, Trung Quốc phản đối Mỹ đơn phương rút khỏi INF, cho đây là động thái sai lầm của Washington.
Ngày 22/10, Chánh văn phòng nội các Nhật Bản, ông Yoshihide Suga khẳng định, Nhật Bản sẽ theo dõi chặt chẽ các động thái tiếp theo của Mỹ và Nga, bởi INF có vai trò quan trọng trong việc kiểm soát và giải trừ vũ khí hạt nhân và bảo đảm an ninh trong khu vực.
Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc António Guterres, đã kêu gọi Nga và Mỹ giải quyết bất đồng về INF để tránh xảy ra thảm họa khi căng thẳng giữa các quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân không thể kiểm soát. Ông nói: “Rõ ràng cả Nga và Mỹ đều chịu trách nhiệm chính trong việc duy trì sự ổn định chiến lược toàn cầu, và bất kỳ bước đi thiếu cân nhắc nào cũng có thể gây hậu quả khó lường”.
Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng, việc chính quyền Tổng thống Donald Trump đánh tiếng để chuẩn bị rút khỏi INF với Nga và tố cáo Nga vi phạm chỉ là cái cớ, còn nguyên nhân thực sự của động thái này là việc Mỹ từng bước hiện thực hóa chủ trương “Nước Mỹ trên hết” và nước Mỹ sẽ lãnh đạo thế giới bằng sức mạnh quân sự./.
Theo CTV Nguyễn Nhâm/VOV.VN