Mỹ im lặng khó hiểu trước xung đột Armenia - Azerbaijan

Google News

Việc Mỹ không can thiệp tình hình Nagorno-Karabakh liên quan việc nước này theo đuổi mục tiêu “nước Mỹ trên hết” của ông Trump, bên cạnh lo ngại tạo thêm mâu thuẫn với Nga.

Ngày 5-10, Ngoại trưởng ba nước Mỹ, Pháp, Nga đã ra tuyên bố chung yêu cầu các bên xung đột tại vùng Nagorno-Karabakh ngừng bắn vô điều kiện ngay lập tức, theo hãng thông tấn TASS. Tuyên bố nêu rõ thế đối đầu giữa Armenia và Azerbaijan đang đe dọa nghiêm trọng an ninh khu vực và gây ra hậu quả “không thể chấp nhận được” lên đời sống người dân.
My im lang kho hieu truoc xung dot Armenia - Azerbaijan
 Binh sĩ Armenia chuẩn bị được điều động ra tiền tuyến tại vùng Nagorno-Karabakh ngày 29-9. Ảnh: AP
Đáng chú ý, dù chiến sự bùng phát ở Nagorno-Karabakh từ ngày 27-9, đây chỉ mới là tuyên bố thứ hai của Mỹ liên quan đến tình hình tại đây sau một tuyên bố chung khác được Tổng thống Donald Trump công bố cùng Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hôm 1-10. Ngoài ra, cả hai lần đều cũng không phải thông điệp độc lập của Washington. Với vai trò là đồng chủ tịch nhóm Minsk thuộc Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) và là cường quốc hàng đầu thế giới, giới quan sát thời gian qua kỳ vọng Mỹ sẽ làm được nhiều hơn là những tuyên bố chỉ mang tính ngoại giao mà không thực chất.
Hệ quả chủ trương ngoại giao của ông Trump
Trả lời phỏng vấn tờ The Guardian, cựu đại sứ Mỹ chuyên trách các vấn đề Á-Âu Carey Cavanaugh chia sẻ ông cảm thấy “rất đau lòng” khi phải chứng kiến vai trò ngày càng nhạt của Mỹ trong giải quyết xung đột ở khu vực này. Trong lúc cộng đồng quốc tế và các cường quốc khác nỗ lực ngăn chặn căng thẳng ở Nagorno-Karabakh lan rộng thành một cuộc chiến tranh tổng lực thì Mỹ chỉ im lặng đứng nhìn.
“Mỹ những tuần qua không hề phối hợp trong cuộc thảo luận về tình hình chiến sự Nagorno-Karabakh. Washington dường như đã quyết định là sẽ không can dự vào mâu thuẫn giữa Armenia và Azerbaijan. Nếu Tổng thống Donald Trump muốn nghe thêm tin tức về Azerbaijan thì đó là bởi ông đang tìm kiếm một cơ hội làm ăn gì đó ở đây thôi” - ông Cavanaugh nhận định.
Theo ông, những diễn biến trên là ví dụ mới nhất cho thấy Mỹ đang tách rời dần khỏi sân khấu về chính trị và ngoại giao trên toàn thế giới và làm trầm trọng hơn lo ngại của giới chuyên gia rằng ông Trump đã đánh mất vị thế lãnh đạo toàn cầu của Mỹ. Ông Trump kể từ khi vào Nhà Trắng năm 2017 đã quyết liệt theo đuổi mục tiêu “nước Mỹ trên hết” thông qua các động thái rút khỏi các tổ chức và thiết chế quốc tế, cũng như tránh can thiệp vào những vấn đề mà ông đánh giá không đem lại lợi ích quốc gia cho Mỹ.
Quan điểm của ông Trump càng được thể hiện rõ hơn thông qua phát ngôn của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo khi trả lời phỏng vấn của đài Fox News hôm 1-10. Cụ thể, quan chức này khẳng định bản chất xung đột ở Nagorno-Karabakh là tranh chấp lãnh thổ giữa Armenia và Azerbaijan. Vì vậy, Mỹ không khuyến khích những quốc gia không liên quan “quốc tế hóa tình hình ở đây” mà nên đứng ngoài để lãnh đạo hai bên tranh chấp tự đàm phán về thỏa thuận ngừng bắn.
Thái độ của chính quyền Tổng thống Trump cũng hoàn toàn khác biệt so với thái độ của chính quyền Tổng thống Barack Obama khi giao tranh giữa Armenia và Azerbaijan nổ ra vào năm 2016, cũng ở khu vực Nagorno-Karabakh.
“Ở thời điểm đó, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã điện đàm với các nhà lãnh đạo của cả hai nước. Sau đó, ông cùng với hai ngoại trưởng Nga và Pháp đã tham gia hội nghị thượng đỉnh đầu tiên của Azerbaijan và Armenia. Sự hiện diện của ông đóng vai trò quan trọng bởi nó giúp các bên có thể nhất trí một số biện pháp nhằm bình ổn tình hình và ngăn chặn xung đột leo thang” - theo chuyên gia Olesya Vartanyan thuộc Tổ chức Khủng hoảng Quốc tế (ICG).
Bà Vartanyan cảnh báo rằng với cách tiếp cận hiện tại của chính quyền ông Trump, hai bên Armenia và Azerbaijan sẽ phải tự đứng ra giải quyết mâu thuẫn của hai nước khiến khả năng nổ ra các cuộc giao tranh mới tăng cao.
Mỹ ngại làm phật ý Nga?
Ngoài ra, The Guardian còn cho rằng một lý do khác khiến Mỹ chọn giải pháp im lặng nằm ở việc Nagorno-Karabakh từng là lãnh thổ thuộc Liên Xô. So với những người tiền nhiệm, nước Mỹ dưới thời Tổng thống Trump thường đứng bên lề nhiều vấn đề quốc tế nếu nó nằm trong phạm vi ảnh hưởng của Nga, nên Nagorno-Karabakh không phải là một ngoại lệ. Ông Trump cũng được cho là hay tránh đưa ra những tuyên bố có thể khiến Tổng thống Putin khó chịu, bất chấp các đồng minh của Mỹ thuyết phục thế nào.
Đơn cử, liên quan đến nghi vấn nhân vật đối lập Nga Alexei Navalny bị đầu độc hồi tháng 9, Mỹ cũng giữ im lặng tương tự tình hình ở Nagorno-Karabakh khiến chính quyền hai nước Anh và Lithuania buộc phải lên tiếng đề nghị Washington phải thể hiện lập trường cứng rắn hơn vì tính chất nghiêm trọng của vụ việc.
Mặt khác, sự thờ ơ của Mỹ đối với khu vực Nagorno-Karabakh nói chung cũng thể hiện rõ từ tháng 8-2017 khi Mỹ bổ nhiệm ông Andrew Schofer làm đặc phái viên mới tại nhóm Minsk nhưng không cấp cho ông này tư cách đại sứ. Điều đó khiến ông Andrew Schofer có thẩm quyền thấp hơn so với các đồng nghiệp của Nga và Pháp trong nhóm.
“Theo tôi, quyết định không để ông Andrew Schofer làm đại sứ thật sự rất khó hiểu và có thể làm tổn hại các nỗ lực duy trì hòa bình ở đây. Việc duy trì sự bình đẳng giữa các nước là điều quan trọng vì nó sẽ khiến các bên có tranh chấp có cảm giác cân bằng và không phải lo lắng về việc Nga hay Mỹ sẽ có ảnh hưởng quá lớn đến nhóm Minsk” - cựu đại sứ Carey Cavanaugh bình luận.
Theo PLO