Tại căn cứ quân sự Fort Bragg ở bang Bắc Carolina (Mỹ) tháng trước, 48 chiếc trực thăng tấn công Apache và trực thăng vận tải Chinook thực hiện các bài tập di chuyển quân và thiết bị dưới làn lửa đạn và tấn công mục tiêu. Hai ngày sau đó, trên bầu trời bang Nevada, 119 quân nhân thuộc Sư đoàn 82 của Lục quân Mỹ nhảy dù từ những máy bay vận tải quân sự C-17 trong đêm tối để thực hiện bài tập mô phỏng một cuộc xâm nhập. Vào tháng tới, tại nhiều địa điểm khắp nước Mỹ, hơn 1.000 lính dự bị sẽ tập cách thiết lập các trung tâm huy động để đưa quân ra nước ngoài trong tình huống khẩn cấp.
Đầu tháng tới khi diễn ra Thế vận hội Mùa đông tại làng Pyeongchang của Hàn Quốc, Lầu Năm Góc có kế hoạch cử thêm lực lượng đặc biệt đến bán đảo Triều Tiên, bước đi đầu tiên mà một số quan chức Mỹ nói là nhằm lập ra một lực lượng đặc nhiệm ở bán đảo tương tự lực lượng đang chiến đấu ở Iraq và Syria.
|
Lính nhảy dù thuộc Sư đoàn 82 của Lục quân Mỹ trong đợt tập trận vào tháng 5/2016. Ảnh: Getty Images. |
Một số quan chức khác nói rằng, kế hoạch này liên quan đến nỗ lực chống khủng bố, báo Mỹ New York Times đưa tin. Trong quân đội Mỹ, việc lên kế hoạch cho tình huống khẩn cấp là hoạt động bình thường. Nhưng quy mô và thời gian của các đợt tập trận lần này cho thấy trọng tâm hiện nay của quân đội Mỹ là chuẩn bị cho diễn biến bất thường có thể xảy ra ở Triều Tiên.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis và Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng Joseph Dunford trước đó đều khẳng định sử dụng ngoại giao để giải quyết tham vọng hạt nhân của Bình Nhưỡng. Một cuộc chiến với Triều Tiên sẽ rất “thảm khốc”, ông Mattis nói gần đây. Nhưng nhiều quan chức và cựu quan chức của Lầu Năm Góc đều nói trong các cuộc phỏng vấn rằng những hoạt động tập dượt như trên chủ yếu nhằm thực hiện lệnh của Bộ trưởng Mattis và các tướng lĩnh khác để sẵn sàng cho bất kỳ hành động quân sự nào trên bán đảo Triều Tiên.
Những lời lẽ của Tổng thống Mỹ Donald Trump khiến các lãnh đạo cấp cao và chỉ huy trong quân đội Mỹ hiểu rằng họ cần đẩy nhanh chuẩn bị kế hoạch khẩn cấp. Vào đợt khẩu chiến lên đến đỉnh điểm, ông Trump tuyên bố trước Liên Hợp Quốc rằng có thể “phá hủy hoàn toàn Triều Tiên” nếu nước này đe dọa Mỹ, rồi còn gọi nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un là “Người tên lửa nhỏ”. Đáp lại, ông Kim tuyên bố sẽ triển khai “biện pháp đáp trả cứng rắn nhất trong lịch sử” đối với Mỹ và gọi ông Trump là kẻ “rối loạn thần kinh”. Sau khi Bình Nhưỡng và Seoul nối lại đối thoại, lời lẽ của ông Trump đã dịu bớt. Trong cuộc trả lời phỏng vấn báo Mỹ The Wall Street Journal gần đây, Tổng thống Trump được dẫn lời nói rằng ông “có thể đã có mối quan hệ tốt với ông Kim Jong-un”, dù hai bên liên tục sỉ nhục nhau. Tuy nhiên, ông Trump hôm 14/1 cho rằng báo đã dẫn sai lời ông.
Một báo động sai ở Hawaii cuối tuần qua gây ra cơn hoảng loạn suốt 40 phút sau khi một nhân viên phản ứng khẩn cấp của bang gửi nhầm tin nhắn cảnh báo có tên lửa đạn đạo đang lao đến quần đảo này. Điều này cho thấy người Mỹ lo lắng về Triều Tiên ra sao.
Chưa có cảnh báo
Cuộc tập dượt ở căn cứ Fort Bragg là một trong những bài tập tấn công trên không lớn nhất trong những năm gần đây ở Mỹ. Còn cuộc tập trận ở căn cứ không quân Nellis tại bang Nevada dùng gấp đôi số lượng máy bay vận tải quân sự để vận chuyển lính nhảy dù.
Đợt tập dượt cho lực lượng dự bị vào tháng tới sẽ thổi luồng gió mới vào các trung tâm huy động vốn hầu như không hoạt động từ sau các cuộc chiến tranh ở Iraq và Afghanistan. Mỹ đã triển khai lực lượng phản ứng đặc biệt đến những sự kiện toàn cầu trước đây như World Cup 2014 tại Brazil nhưng chỉ sử dụng khoảng 100 người mỗi nhóm, ít hơn nhiều so với con số có thể được cử sang Olympic sắp tới tại Hàn Quốc, New York Times dẫn lời một số quan chức Mỹ.
Tại một cuộc họp nhiều thành phần ngày 2/1, tướng Tony Thomas, chỉ huy Bộ Tư lệnh các chiến dịch đặc biệt ở Tampa, bang Florida, cảnh báo 200 thường dân và quân nhân có mặt tại đó rằng sẽ có thêm nhiều nhân lực thuộc lực lượng đặc biệt được điều động từ Trung Đông đến khu vực Triều Tiên vào tháng 5 hoặc tháng 6 tới, nếu căng thẳng leo thang trên bán đảo. Phát ngôn viên của tướng Thomas, đại úy Jason Salata, xác nhận thông tin này nhưng cho biết chưa có quyết định được đưa ra. Tư lệnh Lục quân, tướng Mark Mille, trong nhiều cuộc họp gần đây ở Lầu Năm Góc nêu ra hai thảm họa quân sự lịch sử của Mỹ để cảnh báo hậu quả nếu thiếu chuẩn bị cho khả năng chiến tranh ở Triều Tiên.
Nhưng khác với thời gian chuẩn bị cho chiến tranh Iraq, khi Lầu Năm Góc bắt đầu chuyển quân rầm rộ năm 2002 nhằm chuẩn bị cho cuộc chiến bắt đầu năm 2003, các quan chức quân sự Mỹ thời gian này nói rằng, con tàu chiến tranh vẫn chưa rời khỏi ga. Vẫn chưa có cảnh báo đi lại nào đối với công dân Mỹ về việc phải tránh xa Hàn Quốc hay Nhật Bản, cũng như chưa có cảnh báo nào đối với cộng đồng doanh nghiệp Mỹ đang làm ăn ở khu vực này. Khó có khả năng Lầu Năm Góc sẽ có hành động quân sự trên bán đảo Triều Tiên mà không cảnh báo trước. Giới chức Mỹ cho biết, trừ khi chính quyền của ông Trump tin rằng Mỹ có thể hạ gục Triều Tiên chỉ bằng một cuộc không kích và khiến Bình Nhưỡng không thể tấn công Seoul.
Trung Quốc vắng mặt trong cuộc họp bàn về Triều Tiên
Hôm nay, các ngoại trưởng từ 17 quốc gia thuộc Sáng kiến An ninh hạt nhân sẽ nhóm họp tại Vancouver, Canada (do Mỹ và Canada đồng tổ chức) để bàn cách kiềm chế tham vọng hạt nhân của Triều Tiên thông qua áp lực ngoại giao và tài chính. Nhưng Trung Quốc sẽ không dự cuộc họp này, dù là một bên quan trọng cho bất kỳ giải pháp lâu dài nào cho bán đảo. Dù Triều Tiên và Hàn Quốc gần đây có một số bước đi hạ nhiệt, Mỹ và các nước khác cho rằng cộng đồng quốc tế phải tìm cách mở rộng trừng phạt Triều Tiên. Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson dự kiến đề xuất các biện pháp tăng cường an ninh trên vùng biển quanh Triều Tiên để chặn những tàu cố tình không tuân thủ các biện pháp trừng phạt cũng như “chặn những nguồn tiền và nguồn lực” đến Triều Tiên, Reuters đưa tin hôm qua.
Theo Bình Giang/Báo Tiền Phong