Greenland vốn là hòn đảo tự trị thuộc lãnh thổ Đan Mạch, diện tích 2,1 triệu km2, được bao phủ bởi 80% diện tích là băng tuyết. Thế nhưng, hòn đảo này lại có tiềm năng và vị trí địa lý quan trọng, mà nếu như có được, nó có thể giúp Mỹ củng cố vị thế của mình trên trường quốc tế.
Greenland còn có vị trí đặc biệt đối với tuyến đường vận chuyển mới ở Bắc Đại Tây Dương được hình thành sau khi các tảng băng lớn ở đây bắt đầu tan chảy. Tuyến đường này giúp rút ngắn đáng kể thời gian vận chuyển trên biển so với trước đây.
Điều này có giá trị vô cùng quan trọng với Mỹ, bởi nó sẽ thúc đẩy giao thương của Mỹ. Đặc biệt, trong bối cảnh cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung ngày càng leo thang, đây có thể là một quân bài chiến lược giúp Mỹ hạ bệ đối thủ hàng đầu của mình hiện nay.
|
Băng tan tại bờ biển tây bắc Greenland. Ảnh: Getty |
Trước đây, Trung Quốc cũng từng để mắt tới Greenland và mong muốn xây dựng một “Con đường tơ lụa” qua đây để tăng cường giao thương ở khu vực Bắc Đại Tây Dương, nhưng ý tưởng này sau đó đã không được hiện thực hóa.
Phía Washington cho rằng Trung Quốc luôn mang tham vọng lớn đối với các nguồn tài nguyên thiên nhiên và mong muốn phát triển các tuyến liên kết thương mại, đặc biệt là tuyến giao thương qua đường biển ở Bắc Đại Tây Dương.
Bởi vậy, giới quan sát cho rằng, việc Tổng thống Trump đề xuất mua Greenland và nỗi thất vọng của ông khi bị từ chối là dấu hiệu cho thấy Mỹ đang lo lắng về sự tăng trưởng kinh tế cũng như mở rộng ảnh hưởng của Trung Quốc trên toàn cầu.
Bên cạnh đó, Greenland còn nổi tiếng với nguồn tài nguyên thiên nhiên vô cùng phong phú gồm cả than, kẽm, đồng, quặng sắt và khoáng chất quý hiếm. Với nguồn tài nguyên phong phú trên, Mỹ hoàn toàn có thể tăng cường lợi thế của mình trong cuộc đối đầu với Trung Quốc.
Greenland có vị trí chiến lược ở Bắc Cực, từ đó có thể oanh kích hay ngăn chặn tên lửa của Nga hay Trung Quốc. Mỹ hiện đã có căn cứ không quân Thule trên đảo này, dùng làm cổng do thám điện tử.
Trong quá khứ, Mỹ từng không ít lần "mua đất vùng ven chờ lên giá", đề xuất mua Greenland, có lẽ Tổng thống Trump muốn đi vào lịch sử với tư cách tổng thống đã mở rộng bờ cõi thêm 2,1 triệu km2 (hơn 1/5 tổng diện tích nước Mỹ) và sơn hà thêm 3 múi giờ.
Tuy nhiên, như nữ Thủ tướng Mette Frederiksen trong buổi họp báo ngày 21/8 đã khẳng định rõ quan điểm, Đan Mạch sẽ không bán lại Greenland cho Mỹ. Bà còn gọi ý tưởng mua lại Greenland của ông Trump là “điên rồ”.
Theo An Nhiên/Báo Đất Việt