Hôm nay (4/11, giờ Nhật Bản), Tổng thống Mỹ Donald Trump đã rời Mỹ để bắt đầu chuyến công du châu Á, trong đó từ ngày 5-7/11, sẽ thăm Nhật Bản, chặng dừng chân đầu tiên trong chuyến thăm châu Á đầu tiên kể từ khi lên nhậm chức.
|
Thủ tướng Abe (trái) và Tổng thống Trump trong một lần gặp trước đây. Ảnh: NYMag. |
Chuyến thăm mang đậm ý nghĩa biểu tượng, là sự tái khẳng định cam kết coi Nhật Bản là một trong những đồng minh thân cận nhất của Mỹ. Qua chuyến thăm này, Nhật Bản cũng sẽ cùng với Mỹ tiến tới giải quyết những vấn đề nổi cộm của thế giới, đặc biệt là vấn đề Triều Tiên.
Khẳng định quan hệ đồng minh
Trong buổi ra mắt Nội các mới vừa qua, Thủ tướng Shinzo Abe đã nhấn mạnh tới quan hệ Nhật-Mỹ với tư cách là trục chính trong chính sách ngoại giao của Nhật Bản. Ông cho rằng chuyến thăm này của Tổng thống Trump tới Nhật sẽ làm sâu sắc thêm quan hệ tin tưởng dựa trên tình bạn truyền thống giữa hai nước. Hai bên sẽ trao đổi về những vấn đề nổi cộm của thế giới, trong đó đặc biệt thảo luận sâu về biện pháp đối phó với Triều Tiên.
Ngoài ra ông Abe còn khẳng định đây là chuyến thăm sẽ tập hợp được sự chú ý của những nhà lãnh đạo từ các thành viên kinh tế lớn trên thế giới, khu vực Đông Á để có thể tạo ra cơ hội mới cho Nhật Bản xúc tiến chính sách ngoại giao tích cực, củng cố thêm mối liên kết chặt chẽ giữa Nhật Bản và cộng đồng quốc tế.
Trong buổi trả lời phỏng vấn FOXnews, Tổng thống Mỹ nói: “Thủ tướng Abe là bạn thân của tôi. Và chuyến thăm Nhật Bản là chuyến công du quan trọng nhất đối với tôi. Qua đây chúng tôi sẽ làm sâu sắc thêm mối quan hệ đồng minh Nhật-Mỹ”.
Như vậy, chuyến thăm Nhật Bản của Tổng thống Donald Trump sẽ khẳng định thêm cho dân chúng Nhật Bản một điều rằng đồng minh Nhật Bản-Mỹ vẫn vững chắc, và nỗ lực của Thủ tướng Abe trong việc chủ động, quyết liệt trong các cuộc tiếp xúc với Tổng thống Trump trong thời gian qua là một kết quả tốt đẹp. Một trang mới sẽ mở ra trong quan hệ hai nước dưới thời Tổng thống Trump.
>>> Mời độc giả xem clip: Tổng thống Mỹ Donald Trump có chuyến thăm ngắn đến Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương trước khi rời Mỹ.
Chính vì vậy, dư luận Nhật Bản hoan nghênh chuyến thăm của Tổng thống Trump và hy vọng sự hợp tác kinh tế giữa hai nước sẽ phát triển mạnh mẽ. Giới phân tích cho rằng, sau chuyến thăm, chắc chắn quan hệ thương mại hai nước sẽ có bước đột phá.
“Trấn áp hơn đối thoại” với Triều Tiên
Vấn đề hạt nhân của Triều Tiên sẽ là chủ đề quốc tế nổi bật nhất dự kiến sẽ được thảo luận trong cuộc hội đàm giữa ông Abe và ông Trump. Về vấn đề này Thủ tướng Abe khẳng định rằng hai bên sẽ tiếp tục những nỗ lực khởi động lại đối thoại Triều Tiên đã bế tắc trong vòng 20 năm qua. Qua đó, sẽ loại bỏ kế hoạch phát triển tên lửa đạn đạo và hạt nhân của Triều Tiên hoàn toàn bằng phương pháp kiểm soát chặt chẽ không thể đảo ngược. Đồng thời hợp tác với cộng đồng quốc tế gây áp lực cao nhất đối với Triều Tiên với mục đích làm thay đổi chính sách phát triển hạt nhân của nước này.
Về phía Tổng thống Mỹ Donal Trump, ông mạnh mẽ trong việc thực hiện các biện pháp trừng phạt Triều Tiên, và còn cho rằng chỉ có một “cuộc chiến” mới giải quyết được. Tuy nhiên, nếu Tổng thống Donald Trump thực hiện một cuộc tấn công vào Triều Tiên, chưa chắc Nhật Bản đã có ý định tham gia. Do đó, trong cuộc thăm Nhật Bản lần này, phía Nhật Bản sẽ có những phân tích, đưa ra biện pháp ngoại giao hòa bình để tham khảo ông Trump. Và nếu như thế, có thể ông Trump sẽ “lắng nghe” và tăng cường những biện pháp trừng phạt Triều Tiên vốn đã có hiệu quả trong thời gian qua.
Đối với Triều Tiên, đến nay ông Trump vẫn khư khư quan điểm “trấn áp hơn đối thoại”. Và một kịch bản nữa có thể xảy ra là có thể Nhật Bản cũng thuận theo Mỹ trong việc “mạnh tay” với Triều Tiên.
Trong đó, cả hai nước đều thống nhất sẽ tiếp tục yêu cầu Triều Tiên thực hiện nghiêm túc Nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, liên kết cộng đồng quốc tế, đầu tiên là Trung Quốc và Nga, để gây sức ép với Triều Tiên.
Trong cuộc hội đàm, hai bên còn thảo luận về chiến lược về khu vực tự do Ấn Độ Dương nhằm ổn định và tăng trưởng khu vực châu Á và châu Phi thông qua khu vực Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương. Qua đó, mong muốn kiềm chế Trung Quốc với hành vi đang mở rộng lợi ích tại khu vực Biển từ Hoa Đông, Biển Đông đến Ấn Độ Dương với việc đưa ra ý tưởng “Vành đai và Con đường”.
Kết quả trong chuyến thăm Nhật Bản sẽ là động lực để ông Trump quyết đoán hơn với những vấn đề quốc tế và khu vực trong chuyến thăm Trung Quốc, Việt Nam và Philippines. Hy vọng rằng những giải pháp hòa bình sẽ được đưa ra cho một khu vực và thế giới yên ổn.
Bùi Hùng/VOV-Tokyo