Mặc dù các chiến lược ngày càng “đắt đỏ” của Lầu Năm Góc nhằm bảo vệ Afghanistan trước sự nổi dậy của Taliban dường như không mang lại kết quả tích cực, các đơn vị “cố vấn và hỗ trợ” của Mỹ lại vẫn đang gấp gáp ra mặt trận Nam Á này ngay cả khi kỳ vọng thành công là khá thấp và chương trình huấn luyện tại Mỹ cũng chưa hoàn thành.
Vội vàng tăng quân tới Afghanistan
Hồi tháng 8/2017, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã công bố chiến lược mới về Afghanistan, theo đó cam kết Mỹ sẽ tiếp tục hỗ trợ chính phủ và quân đội Afghanistan. Ông Trump cũng nói rằng sứ mệnh chống khủng bố của binh sỹ Mỹ tại Afghanistan sẽ được gia hạn và ông đã phê duyệt việc tăng thêm 4000 quân tới quốc gia Nam Á này.
|
Mỹ đang gấp gáp tăng thêm quân tới Afghanistan. Ảnh: Sputnik |
Sau tuyên bố của Tổng thống Donald Trump, 1.000 binh sỹ được huấn luyện đặc biệt đã “gấp gáp” chuẩn bị ra mặt trận để tiếp tục hỗ trợ Kabul đối phó với Taliban - cuộc chiến mà nhiều chuyên gia đánh giá là đã thất bại.
Lực lượng hỗ trợ an ninh số 1 của Quân đội Mỹ (SFAB) dự kiến là đơn vị đầu tiên trong số 6 đơn vị được huấn luyện đặc biệt sẽ tới Afghanistan nhằm “cố vấn và hỗ trợ” cho các lực lượng an ninh tại Kabul. Theo Politico, đơn vị này đã cắt một nửa thời gian trong chương trình huấn luyện kéo dài 1 năm để sẵn sàng tới Afghanistan sau tuyên bố của Tổng thống Donald Trump.
Trong một tuyên bố ít ỏi, dù mang tính rập khuôn kiểu mẫu những bình luận công khai của Lầu Năm Góc, người đứng đầu nhóm SFAB Kristopher Farrar cho biết: “Đây là cách chúng tôi giúp định hình cuộc chiến một cách khác đi so với những gì chúng ta từng làm”.
Tư lệnh SFAB Scott Jackson cũng nói rằng đợt triển khai quân lần này sẽ không giống như những đợt triển khai quân trước đây. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa rõ các binh sỹ mới sẽ đóng góp như thế nào ở quốc gia Nam Á mà hiện hơn một nửa lãnh thổ nằm trong tầm kiểm soát của các lực lượng vũ trang và đối lập này.
Khả năng thành công thấp
Hãng tin ABCNews dẫn các đánh giá của tình báo Mỹ cho biết, hiện có 20 trong số 34 tỉnh của Afghanistan đang được xem là “mất an ninh”, trong khi 54 trong số 105 quận tại quốc gia Nam Á này đang nằm dưới tầm kiểm soát trực tiếp của Taliban.
Các chuyên gia và nhà phân tích lâu nay vẫn bày tỏ hoài nghi những nỗ lực quân sự của Mỹ tại Afghanistan. Một số người thậm chí còn liên hệ cuộc chiến của Mỹ tại Afghnaistan với cuộc chiến của Mỹ tại Việt Nam trong thế kỷ 20, đồng thời khuyến cáo rằng, Mỹ nên tìm cách giảm tối đa thiệt hại và rời khỏi Afghanistan hơn là tiếp tục ở lại và đổ máu không cần thiết.
|
Washington cần tới một giải pháp đối thoại hơn là hành động quân sự đối với Taliban, điều mà suốt 17 năm nay họ luôn làm nhưng không gặt hái được mấy thành công. Ảnh: Afghanistan Times. |
Ông David Sedney, một cựu quan chức cấp cao của Lầu Năm Góc cho rằng, bất cứ ai nghĩ rằng, đơn vị sắp được triển khai tới Afghanistan sẽ nhanh chóng thay đổi mọi thứ, đều sẽ là kỳ vọng quá mức. “Tôi nghĩ họ sẽ làm được sự khác biệt, nhưng mức độ khác biệt đó như thế nào thì chúng ta sẽ chẳng biết được trong vài năm nữa”.
Chuẩn tướng nghỉ hưu Donald Bolduc của Mỹ cũng hoài nghi về thành công của chiến dịch SFAB mới. Ông cho rằng, chiến dịch lần này sẽ không làm được gì nhiều hơn so với các phái bộ Mỹ đã triển khai trước đây.
Còn theo ông Jason Dempsey, nhà nghiên cứu cao cấp tại Trung tâm An ninh Mỹ mới và là cựu sỹ quan bộ binh tại Afghanistan nhận định: “Cho dù Tổng thống Donald Trump nói gì, thì nó cũng sẽ là vì chiến dịch bầu cử giữa nhiệm kỳ. Liệu chúng ta có thực sự ở đó về lâu dài? Bạn có thể hứa hẹn bao nhiêu lần rằng lần này mọi thứ sẽ khác?”.
Theo Thùy Linh/VOV