Thỏa thuận về trần nợ công sẽ khó làm thay đổi cách thức chi tiêu trong liên bang.
Và các cuộc đàm phán giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và các thành viên đảng Cộng hòa tại Hạ viện, do Chủ tịch Kevin McCarthy dẫn đầu, gần như chắc chắn sẽ không đạt được bất kỳ thỏa thuận nào có thể làm thay đổi đáng kể cách thức chi tiêu liên bang trong thập kỷ tới.
Trong các cuộc nói chuyện với Tổng thống Biden, Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy và các phụ tá của ông đã tập trung gần như hoàn toàn vào việc cắt giảm một phần nhỏ ngân sách - được gọi là khoản chi tiêu tự chủ phi quốc phòng - bao gồm việc tài trợ cho giáo dục, bảo vệ môi trường, công viên quốc gia, thực thi pháp luật trong nước và các hoạt động khác.
Khoản ngân sách đó chiếm chưa tới 15% trong số 6.300 tỷ USD mà Chính phủ Mỹ dự kiến sẽ chi tiêu trong năm nay.
Mục chi này từ trước đến nay thường không quá lớn và được dự đoán là sẽ thu hẹp lại trong thập kỷ tới.
|
Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu về vấn đề nợ công tại Washington, DC ngày 17/5/2023. (Ảnh: AFP/TTXVN)
|
Mục chi này cũng không liên quan đến những nguyên nhân chính của việc tăng chi trong những năm tới: đó là các chương trình an sinh xã hội và chăm sóc sức khỏe, đang phải đối mặt với những khoản chi trả ngày càng lớn khi dân số Mỹ già đi.
Đảng Cộng hòa cũng từ chối cắt giảm chi tiêu quân sự, gần bằng chi tiêu tự chủ phi quốc phòng.
Do đó, các cuộc đàm phán gần như chắc chắn sẽ không đạt được bất kỳ thỏa thuận nào, điều có thể làm thay đổi đáng kể quá trình chi tiêu trong liên bang trong thập kỷ tới.
Kiềm chế chi tiêu của Chính phủ đã trở thành mục tiêu trọng tâm của các cuộc đàm phán về việc tăng trần nợ công.
Trước đó, đại diện của Tổng thống Mỹ Biden và các nghị sỹ Cộng hòa tại quốc hội ngày 23/5 đã kết thúc một vòng đàm phán về trần nợ công nữa mà không có dấu hiệu tiến triển.
Hai bên vẫn còn chia rẽ sâu sắc về cách thu hẹp thâm hụt ngân sách liên bang, trong đó các nghị sỹ Dân chủ cho rằng những người có thu nhập cao và giới doanh nghiệp nên nộp nhiều tiền thuế hơn, trong khi các nghị sỹ Cộng hòa lại muốn cắt giảm chi tiêu.
Các nghị sỹ Dân chủ muốn đóng băng chi tiêu cho năm tài chính 2024 bắt đầu vào tháng Mười ở mức đã được áp dụng vào năm 2023, và cho rằng làm như vậy là đồng nghĩa với cắt giảm chi tiêu vì ngân sách của các cơ quan sẽ không bắt kịp với lạm phát.
Nhưng ý tưởng này đã bị các nghị sỹ Cộng hòa phản đối, với mong muốn phải cắt giảm chi tiêu rõ ràng.
Ông Biden muốn giảm thâm hụt ngân sách bằng cách tăng thuế với người giàu và giải quyết các lỗ hổng về thuế đối với các ngành dầu và dược phẩm. Nhưng Chủ tịch Hạ viện Mỹ Kevin McCarthy cho biết ông sẽ không đồng ý tăng thuế.
Rất khó để dự đoán chính xác điều gì sẽ diễn ra tiếp theo, nhưng các nhà kinh tế cảnh báo rằng, nếu Chính phủ Mỹ vỡ nợ thì điều này sẽ gây ra tình trạng suy thoái, kéo theo đổ vỡ hệ thống tài chính, khiến các dịch vụ an sinh xã hội bị đình trệ, hàng loạt nhân viên Chính phủ bị sa thải và lãi suất cho vay thế chấp tăng vọt.
Theo kênh tin tức kinh tế CNBC, hầu hết các nhà kinh tế có chung nhận định rằng vụ vỡ nợ sẽ dẫn tới thảm họa tài chính có thể kích hoạt bán tháo hàng hóa trên diện rộng, đẩy kinh tế xuống dốc và lãi suất tăng vọt.
Hầu hết người Mỹ ủng hộ một dự luật để nâng trần nợ công mà không phải cắt giảm chi tiêu. Và cái mốc ngày 1/6 đang đến rất gần.
Theo Kiều Trang / Vietnam Plus