Trước đó, trong cuộc phỏng vấn với trang Bloomberg hôm 17-4, ông Bolton cho rằng Mỹ cần phải thấy "dấu hiệu thực sự" về việc Triều Tiên sẵn sàng từ bỏ vũ khí hạt nhân trước khi hội nghị thượng đỉnh lần 3 giữa Tổng thống Donald Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un có thể diễn ra.
"Chúng tôi chưa bao giờ hy vọng ông Bolton sẽ đưa ra những bình luận phù hợp. Nhưng ít nhất ông ấy cũng nên hiểu được tình trạng các cuộc đàm phán giữa các quan chức hàng đầu liên quan đến hội nghị thượng đỉnh lần 3 vì ông là cố vấn an ninh hàng đầu của Nhà Trắng" - bà Choe, một trong những nhà đàm phán hạt nhân hàng đầu của Triều Tiên, nói với hãng thông tấn Triều Tiên KCNA.
Nữ thứ trưởng ngoại giao này cũng cảnh báo sẽ không có gì tốt đẹp nếu ông Bolton tiếp tục đưa ra những bình luận thiếu thận trọng như thế.
|
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo (phải) tiếp Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Đảng Lao Động Triều Tiên Kim Yong-chol hồi tháng 1-2019 tại thủ đô Washington - Mỹ. Ảnh: REUTERS |
Hãng tin Reuters nhận định đây là lần thứ hai Triều Tiên lên tiếng chỉ trích một quan chức cấp cao Mỹ trong chưa đầy một tuần trong bối cảnh tiến trình đàm phán hạt nhân giữa hai nước giậm chân tại chỗ.
Hôm 18/4, Triều Tiên tuyên bố không muốn thảo luận với Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo và kêu gọi Washington thay thế ông bằng một nhà đàm phán khác thận trọng và trưởng thành hơn. Đáp lại, ông Pompeo hôm 19-4 nhấn mạnh mình sẽ tiếp tục dẫn đầu các cuộc đàm phán giải trừ hạt nhân với Triều Tiên, đồng thời bác bỏ đòi hỏi của Bình Nhưỡng.
Theo tờ South China Morning Post (Hồng Kông), trong khi Mỹ đã nới lỏng chiến dịch gây áp lực tối đa lên Triều Tiên sau 2 cuộc gặp giữa ông Donald Trump và ông Kim Jong-un, các lệnh trừng phạt thứ cấp vẫn còn đó. Sau hội nghị thượng đỉnh lần thứ hai vào cuối tháng 2, Bộ Tài chính Mỹ đã trừng phạt 2 công ty vận tải biển của Trung Quốc vì bị cho là giúp Triều Tiên lách lệnh trừng phạt.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên cũng nhắc lại rằng kiên nhẫn của ông là có hạn và chỉ cho Mỹ thời hạn đến cuối năm nay để đưa ra quyết định linh hoạt hơn về nới lỏng lệnh trừng phạt.
Ông Kim Jong-un từng đến Bắc Kinh gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sau hội nghị thượng đỉnh lần đầu tiên ở Singapore hồi năm 2018. Dù vậy, theo sau hội nghị thượng đỉnh lần 2, nhà lãnh đạo Triều Tiên dự kiến đến Nga gặp Tổng thống Vladimir Putin vào cuối tháng này.
Trước thềm hội nghị thượng đỉnh này, theo hãng tin Yonhap, ông Kim Jong-un đã gửi thư cho ông Putin khẳng định sẽ nỗ lực tăng cường quan hệ song phương. Điện Kremlin hôm 19-4 cho biết hai nhà lãnh đạo sẽ thảo luận về sự phát triển của mối quan hệ song phương, vấn đề phi hạt nhân hóa và hợp tác khu vực.
Theo South China Morning Post, dù Triều Tiên thực hiện chiến thuật như thế nào trong thời gian tới đi nữa thì Bình Nhưỡng đã đưa ra thông điệp chiến lược rất rõ ràng rằng Triều Tiên quyết tồn tại dù có hay không có Mỹ. Sau hội nghị thượng đỉnh gần đây nhất, dường như Bình Nhưỡng sẽ không có bất cứ động thái nhượng bộ nào nữa đối với Washington. Nếu nhận định này chính xác, Mỹ sẽ phải cân nhắc lại chiến thuật đàm phán với Triều Tiên.
Theo Xuân Mai/TTXVN