Chưa đầy sáu tuần kể từ thượng đỉnh lịch sử Mỹ-Triều Tiên diễn ra tại Singapore hồi đầu tháng 6-2018, Tổng thống Trump đang ngày càng trở nên “thiếu kiên nhẫn” với tốc độ các cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa, mặc dù các cam kết tại thượng đỉnh không quy định rõ ràng về thời gian.
Mỹ bề ngoài lạc quan, bên trong sốt ruột
Các quan chức Bình Nhưỡng đã hủy bỏ hoặc trì hoãn các cuộc gặp mặt nằm trong chương trình đàm phán hai bên về giải trừ hạt nhân sau thượng đỉnh Mỹ-Triều, đồng thời ngừng tháo dỡ một cơ sở thử nghiệm động cơ tên lửa hạt nhân mà ông Trump trước đây đã tuyên bố sẽ bị phá bỏ.
Thậm chí Sputnik dẫn lời các cố vấn tổng thống Mỹ nói rằng các đại diện của Triều Tiên “đòi hỏi nhiều hơn” và nhìn chung họ “kháng cự một cách cứng rắn”. Trong khi đó, thông tin tình báo Mỹ cho thấy rằng Triều Tiên vẫn tiếp tục các hoạt động nhằm che giấu những khía cạnh quan trọng nhất trong chương trình hạt nhân của nước này.
Bài viết của Josh Dawsey trên tờ Washington Post cho biết ông Trump vẫn tiếp tục yêu cầu các quan chức chính phủ Mỹ báo cáo mỗi ngày về tình hình các cuộc đàm phán. Thậm chí tại các cuộc gặp gỡ với các cố vấn, ông Trump đã tỏ ra giận dữ, cho dù trước công luận và đặc biệt trên Twitter cá nhân, ông Trump công khai thông tin về tình hình các cuộc đàm phán diễn ra giữa hai bên một cách đầy lạc quan.
Tuần trước, ông Trump nói với công luận qua Twitter rằng “Chúng tôi không vội vàng gia tăng tốc độ. Chúng tôi không có giới hạn về mặt thời gian. Chúng tôi chỉ đang tiến thẳng về tiến trình phía trước. Nhưng mối quan hệ (Mỹ-Triều Tiên hiện nay) đang rất tốt”.
|
Ảnh: AFP |
Dawsey nói với CNN vào Chủ nhật: “Ông ấy (Trump) nói rằng mọi người có thể ngủ ngon vào ban đêm. Và về cơ bản ông ấy tuyên bố hòa bình trên bán đảo Triều Tiên nhưng rõ ràng không phải như vậy”. Ông Trump đã đưa ra tất cả tuyên bố đầy lạc quan về những gì đang diễn ra ở Triều Tiên nhưng thực tế cho đến nay không có nhiều tiến triển.
Bằng chứng rõ ràng nhất là chuyến đi gần nhất của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo hôm 6-7 đã không đạt được kết quả, dù là vấn đề cơ bản nhất để thể hiện thiện chí của Bình Nhưỡng - vấn đề hài cốt binh sĩ Mỹ.
Thậm chí phía Triều Tiên còn tỏ ra thử thách sự kiên nhẫn của Mỹ đến mức truyền thông, điển hình như Washington Post, mô tả là “xúc phạm”. Theo đó, Chủ tịch Kim Jong-un bất ngờ từ chối gặp ông Pompeo, trong khi các quan chức Bình Nhưỡng hủy một cuộc gặp với Mỹ sau khi để phái đoàn ngoại giao đến từ Washington phải đợi chờ vài giờ đồng hồ.
Triều Tiên không ngừng “mặc cả”
Trong khi đó, CNN hôm qua (23-7) dẫn lời một quan chức rất hiểu biết về quan điểm của Triều Tiên cho rằng các cuộc đàm phán giữa Mỹ và Triều Tiên về vấn đề hạt nhân sẽ phụ thuộc vào sự sẵn sàng của Washington trong việc tiến hành “một động thái táo bạo” và thiết lập nên một hiệp ước hòa bình.
Nguồn tin độc quyền này của CNN nhận định nếu Mỹ không thực hiện các thỏa thuận đình chiến để kết thúc cuộc chiến tranh Hàn Quốc, duy trì tình hình hòa bình lâu dài nhằm đảm bảo sự tồn tại của chính quyền Bình Nhưỡng do ông Kim Jong-un làm lãnh đạo, Triều Tiên sẽ không tiếp tục tiến hành các cuộc đàm phán về phi hạt nhân hóa.
Việc thực hiện một hiệp ước hòa bình có giá trị về mặt pháp lý cần có sự chấp thuận của ít nhất 2/3 nghị sĩ Mỹ.
Triều Tiên vẫn đang đặt ra nhiều áp lực với chính quyền ông Trump trong việc tiến hành gỡ bỏ các lệnh trừng phạt. Bình Nhưỡng cho rằng nước này đã làm “rất nhiều” việc, trong đó phải kể đến động thái đóng băng các hoạt động thử tên lửa và hạt nhân, phá hủy một trong những cơ sở hạt nhân, thúc đẩy quá trình trao trả hài cốt binh sĩ Mỹ.
Dù vậy, khi thảo luận với các quan chức Nhà Trắng, ông Trump vẫn tỏ ra thất vọng khi không có nhiều tiến triển trong các cuộc đàm phán hai bên, mặc dù ông Trump xem việc đóng băng hạt nhân của Triều Tiên là một chỉ dấu tích cực. Cả ông Trump và Ngoại trưởng Pompeo đều tỏ ra sốt ruột, hối thúc Triều Tiên có những động thái nhanh chóng và rõ ràng hơn, kể từ sau khi Trump-Kim đưa ra tuyên bố bốn điểm tại Singapore.
Trong tình thế hiện nay, nếu Mỹ không có những động thái tích cực và hiệu quả hơn, phi hạt nhân hóa vẫn sẽ “giậm chân tại chỗ”. Câu hỏi đặt ra là trong bối cảnh “cò kè bớt một thêm hai” như vậy, liệu nhà lãnh đạo nào trong số ông Trump và ông Kim sẽ “hết kiên nhẫn” trước, đạp đổ hết tất cả những gì hai bên xây dựng nên trong thời gian qua, thậm chí để lại hậu quả tồi tệ hơn mà rất nhiều nhà quan sát đã từng đề cập.
Theo THÙY ANH /PLO