Các đồng nghiệp nước ngoài của chúng tôi, những người đang theo dõi tiến trình điều chế vaccine ngừa COVID-19 của Nga đang tìm cách bày tỏ một số quan điểm mà theo chúng tôi là hoàn toàn không có cơ sở và xuất phát từ động cơ cạnh tranh không lành mạnh” - ông Murashko nhấn mạnh.
Quan chức này cho hay lô vaccine COVID-19 đầu tiên do Viện Nghiên cứu Gamaleya phát triển đang trong quá trình sản xuất và sẽ được đưa vào sử dụng trong vòng hai tuần tới cho đối tượng có nguy cơ lây nhiễm cao là các nhân viên y tế. Vaccine ngừa COVID-19 sẽ luôn được tiêm trên tinh thần tự nguyện, tức các nhân viên y tế có thể lựa chọn tiêm hoặc không. Ông cũng chia sẻ khoảng 20% nhân viên y tế “đang nghĩ rằng họ chưa cần tiêm vaccine”.
Bên cạnh đó, Nga giai đoạn đầu sẽ công bố một ứng dụng để những người được tiêm vaccine xác nhận tình trạng sức khỏe sau khi tiêm. Ứng dụng này cũng theo dõi các tác dụng phụ của việc sử dụng vaccine.
Hiện chuyên gia ở hàng loạt nước đang lên tiếng bày tỏ lo ngại về độ an toàn và tính hiệu quả của vaccine do Nga sản xuất. “Tôi nghĩ quyết định của Nga thực sự đáng sợ và ẩn chứa nhiều rủi ro. Họ đang đốt cháy giai đoạn thử nghiệm để đẩy vaccine ra càng nhanh càng tốt trong khi chưa thử nghiệm đủ trên người” - hãng tin Reuters dẫn lời ông Daniel Salmon, Giám đốc Viện An toàn vaccine tại ĐH Johns Hopkins (Mỹ), nhận định.
Tương tự, giới chức Đức cũng tỏ ra nghi ngờ và nhấn mạnh nước này cũng như toàn bộ Liên minh châu Âu (EU) chỉ cấp phép cho các loại thuốc hoặc vaccine đã qua thử nghiệm lâm sàng đầy đủ.
“An toàn của bệnh nhân là ưu tiên lớn nhất trong khi Nga lại chưa đưa ra bất kỳ dữ liệu nào về chất lượng, hiệu quả và độ an toàn của vaccine mà họ điều chế” - Bộ trưởng Y tế Đức Jens Spahn khẳng định.
Theo Phạm Kỳ/PLO