Tại cuộc họp báo hôm thứ Sáu (19/1) ở New York, Ngoại trưởng Nga Lavrov đã bình luận về vai trò của Mỹ trong cuộc khủng hoảng ở miền bắc Syria, trong đó leo thang thành cuộc xung đột Thổ Nhĩ Kỳ-Kurd mới, sau thông tin về kế hoạch của Washington để tạo ra “lực lượng biên giới”, bao gồm cả người Kurd.
“Thực tế là Mỹ đang tham gia một cách nghiêm túc trong việc tạo ra các cơ quan chính phủ thay thế trên phần lớn lãnh thổ Syria. Và dĩ nhiên, điều này hoàn toàn mâu thuẫn với nghĩa vụ mà họ từng nhiều lần cam kết, ở cả Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, về việc duy trì chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Syria”, ông Lavrov nhấn mạnh.
|
Xe quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ có mặt tại khu vực biên giới với Syria. Ảnh: Reuters. |
Ông nói thêm, sự không đồng nhất giữa tuyên bố và hành động của Washington đối với Syria cũng là “đặc điểm của chính sách ngoại giao Mỹ hiện đại”, bao gồm cả những lý do cho sự hiện diện của Mỹ ở Syria, và các lý do cho hành động của liên minh do Mỹ đứng đầu.
Theo Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Rex Tillerson, Washington sẽ duy trì sự hiện diện quân sự tại Syria để đảm bảo nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng không thể trở lại.
Người đứng đầu Bộ Ngoại giao Nga tiết lộ, từng nhiều lần thảo luận về tình hình Syria với Ngoại trưởng Mỹ.
“Rex Tillerson nói với tôi nhiều lần rằng, lý do duy nhất cho sự hiện diện của họ tại Syria là đánh bại Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Bây giờ, họ có một số kế hoạch lâu dài hơn. Chúng tôi sẽ phải tính đến điều này và tìm kiếm các giải pháp ngăn cản sự hủy diệt chủ quyền của Syria.
Cũng tại buổi họp báo, ông Lavrov phủ nhận các báo cáo về việc lực lượng Nga rút khỏi khu vực Afrin, nơi đang diễn ra giao tranh khốc liệt giữa Thổ Nhĩ Kỳ và người Kurd.
Từ lâu, Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ được biết đến là đồng minh trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Tuy nhiên, mối quan hệ này dẫn trở thành “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt”, một trong những nguyên nhân liên quan đến lực lượng người Kurd.
Trong cuộc chiến ở Syria, Mỹ công khai hậu thuẫn phe nổi dậy người Kurd, bao gồm Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) và Lực lượng Dân quân người Kurd (YPG). Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ luôn xếp YPG vào danh sách các nhóm khủng bố cần tiêu diệt hàng đầu.
Căng thẳng leo thang khi rộ lên thông tin Mỹ muốn xây dựng lực lượng an ninh biên phòng Syria hậu IS, lấy lí do ngăn cản sự trở lại của khủng bố. Trong đó, người Kurd đóng vai trò không nhỏ.
Động thái này không chỉ khiến Damascus, Moscow tức giận, mà còn đẩy Thổ Nhĩ Kỳ vào cuộc xung đột với người Kurd tại biên giới phía bắc Syria.
Mời độc giả xem video: Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đưa xe tăng tới miền bắc Syria. (Nguồn Al Jazeera)
Ngày 19/1, Thổ Nhĩ Kỳ nã pháo từ làng biên giới Sugedigi, tỉnh Hatay, vào khu vực Afrin của Syria. Ngoài ra, hàng chục xe buýt chở lực lượng đặc nhiệm của Thổ Nhĩ Kỳ cũng có mặt tại biên giới hai nước, theo hãng thông tấn Anadolu.
Theo Bộ trưởng Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ Nurettin Canikli, hành động này thay cho tuyên bố khởi động chiến dịch quân sự chống lại người Kurd. Ông nhấn mạnh, quân đội nước này không hề xâm phạm lãnh thổ Syria, chỉ bắn phá qua biên giới.
Phát ngôn viên của YPG cho biết, đây là vụ bắn phá nghiêm trọng nhất của Thổ Nhĩ Kỳ nhằm vào khu vực người Kurd, kể từ khi gia tăng đe dọa tấn công; đồng thời khẳng định sẽ đáp trả thích đáng.
Chính phủ Damascus cảnh báo, sẽ xem xét sự hiện diện quân sự của Ankara trên lãnh thổ Syria như một sự vi phạm chủ quyền, và tuyên bố sẽ bắn hạ bất kỳ máy bay Thổ Nhĩ Kỳ nào trong không phận của Syria.
Theo Tú Anh/Tiền Phong