Theo tờ Bưu điện Hoa nam Buổi sáng (SCMP), Yasumasa Aoki không tự hào với quá khứ của mình. Ông từng là thành viên thân tín của băng đảng xã hội đen yakuza khét tiếng Inagawa-kai cho đến khi phải ngồi tù hơn một thập kỷ.
Trả giá bằng bản án tù 15 năm, Aoki dường như muốn chôn chặt quá khứ và giúp đỡ những người khác hoàn lương.
Giúp người khác hoàn lương
“Tôi gia nhập băng đảng xã hội đen từ khi còn thiếu niên. Trong suốt 15 năm bị giam giữ, tôi không còn muốn ở trong hàng ngũ Yakuza”, Aoki nói.
Vài năm trước, Aoki thành lập Olive House, văn phòng trợ giúp cho những người gặp rắc rối với chính quyền. Tọa lạc ở thành phố Kumamoto, văn phòng luôn mở cửa chào đón những tay “đầu trộm đuôi cướp” có quyết tâm từ bỏ cuộc đời tội phạm.
“Nhiều người bị kết án tù, nhưng lại thấy mất phương hướng khi được trả tự do. Điều đó vô tình khiến họ dễ sa ngã, phạm tội trở lại”, Aoki nói trên tạp chí This Week in Asia của SCMP.
“Tôi muốn giúp đỡ họ. Đó có thể không phải là nơi đủ an toàn để họ ở lại lâu dài, nhưng cơ sở vật chất ở đây có thể đảm bảo cho họ cuộc sống yên ổn”, ông Aoki nói.
|
Một thành viên băng đảng tội phạm Nhật đeo ngón tay giả. |
Đây được coi là quyết định dũng cảm và có phần liều lĩnh của Aoki. Bởi người lôi kéo các thành viên rời bỏ
băng đảng sẽ bị trả thù. Thành viên bất tín cũng phải chịu hình phạt như cắt ngón tay hay thậm chí bị đánh đập tới chết, theo SCMP.
Được thành lập từ năm 1949 ở thị trấn vùng biển Atami, băng đảng Inagawa-kai phát triển nhanh chóng, kiểm soát các ngành nghề nhạy cảm trong khu vực. Thành viên của Inagawa-kai kiếm sống chủ yếu từ các hoạt động phi pháp như cờ bạc, ma túy, tống tiền và mại dâm.
Inagawa-kai không ngần ngại đối đầu với các đối thủ để tranh giành địa bàn, gây ra vô số cuộc đụng độ đẫm máu. Nhưng đến nay, băng đảng này chỉ còn không đến 2.000 người.
Ngày tàn
Nhận tài trợ từ các tổ chức tôn giáo và chính phủ, Olive House đã giúp được 71 người, bao gồm cả những người bị kết án treo và thành viên của các băng nhóm tội phạm. Ngoài việc cung cấp nơi cư trú trong 6 tháng, Aoki còn giúp họ kiếm việc làm.
Mọi chuyện khởi đầu không hề suôn sẻ, Aoki thừa nhận rằng 10% số người đến đây đã quay trở lại con đường phạm tội. Trong bối cảnh chính quyền Nhật Bản mở cuộc truy quét hoạt động của thế giới ngầm, Aoki tin rằng nỗ lực của mình sẽ hỗ trợ đắc lực cho cảnh sát.
“Cảnh sát đang siết chặt và truy quét các băng đảng tội phạm. Ngày càng ít người có thể sống được trong thế ngầm”, Aoki nói. “Rồi sẽ đến lúc các băng đảng này không thể tiếp tục tồn tại”.
Theo thống kê của cơ quan cảnh sát quốc gia Nhật Bản, số lượng băng đảng Yakuza liên tục giảm trong suốt 13 năm qua và hiện ở mức thấp kỷ lục, chỉ còn khoảng 34.500. So với năm 1964, con số này ở mức 184.000.
Cảnh sát Nhật cho biết, các Yakuza có liên quan 17.737 vụ án hình sự vào năm 2017, trong đó có 4.693 vụ liên quan đến ma túy, 2.095 vụ tra tấn, giết người và 1.874 vụ trộm cắp. Các điều luật mới như yêu cầu thủ lĩnh các băng đảng phải chịu trách nhiệm pháp lý nếu thành viên có hành vi phạm tội, tác động mạnh đến hoạt động của các Yakuza.
Người dân Nhật Bản ngày càng thể hiện rõ quan điểm phản đối Yakuza. Họ không muốn các băng đảng mở văn phòng ở các khu dân cư, với lý do ảnh hưởng tới đời sống cộng đồng.
Chính quyền địa phương cũng có những hành động cụ thể, nhằm giảm liên kết giữa các băng đảng và thành viên.
Hồi tháng 2, nhà chức trách tỉnh Fukouka đã thiết lập chương trình hỗ trợ tài chính cho các thành viên băng đảng bị bỏ rơi hoặc muốn hoàn lương. Chính quyền tỉnh Fukouka cam kết dành 4,2 triệu yên (gần 39.000 USD) trong ngân sách hàng năm, chi trả cho các dịch vụ ăn ở, đi lại, để các thành viên Yakuza tìm việc làm mới.
"Những tên côn đồ ở Fukouka và phía bắc Kuyshu rất liều lĩnh. Chính quyền địa phương vẫn treo thưởng 1.000 USD cho những ai tự nguyện giao nộp lựu đạn. Tôi không ngạc nhiên khi sáng kiến này giúp làm giảm số lượng băng nhóm xã hội đen", Jake Adelstein, phóng viên Mỹ nói.
Adelstein nói anh tin rằng các băng đảng tội phạm vẫn sẽ hoạt động cầm chừng đến năm 2020, đó là thời điểm Thế vận Hội mùa hè diễn ra ở Tokyo. Đây sẽ là khoảng thời gian nhạy cảm quyết định sự tồn tại của Yakuza.
Theo Đăng Nguyễn/Dân Việt