Theo các quan chức chính phủ, kế hoạch này sẽ bao gồm nhiệm vụ tập hợp một liên minh toàn cầu nhằm gây sức ép với Iran trong các cuộc đàm phán hướng tới “một khuôn khổ an ninh mới” vượt ra ngoài vấn đề chương trình hạt nhân.
Dự kiến kế hoạch mới sẽ được công bố trong bài phát biểu chính sách đầu tiên của Ngoại trưởng Mỹ Pompeo trước công chúng dưới cương vị của một ngoại trưởng vào 9h sáng (giờ địa phương) tại tổ chức chính sách Heritage Foundation.
“Chúng ta cần khung chương trình mới đề cập toàn diện các mối đe dọa của Iran. Điều này bao gồm các vấn đề xung quanh chương trình hạt nhân – tên lửa, công nghệ tên lửa, vai trò trong việc hỗ trợ khủng bố, các hoạt động bạo lực và khiêu khích làm bùng phát cuộc nội chiến tại Syria và Yemen”, Brian Hook – giám đốc hoạch định chính sách Bộ Ngoại giao Mỹ tiết lộ cho phóng viên.
|
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo. Ảnh: AFP/Getty Images
|
Tuy nhiên, nhiều cựu quan chức, cựu nhân viên ngoại giao và chuyên gia phân tích lại nghi ngờ về động cơ thực sự sau kế hoạch mới của Mỹ.
“Một thỏa thuận tốt hơn, lớn hơn là kế hoạch viển vông. Mục tiêu thực sự không phải là thỏa thuận lớn hơn, tốt hơn. Mà mục tiêu thực sự là gây sức ép cực lớn lên Iran nhằm làm suy yếu chế độ nước này”, Robert Einhorn – cựu quan chức ngoại giao Mỹ đang làm việc tại Viện Phân tích Brookings nhận xét.
Quan chức Mỹ cho biết Nhà Trắng sẽ nhằm tới việc làm giảm mức độ ảnh hưởng của Iran trong khu vực thông qua một chiến dịch gây sức ép tối đa mới. Tuy nhiên, theo nguồn tin thân cận sự việc, kết quả cuối cùng của kế hoạch mới thay đổi phụ thuộc vào người nào nhận nhiệm vụ triển khai kế hoạch.
Cụ thể, Cố vấn An ninh Quốc gia John Bolton rất vui mừng khi chứng kiến kết thúc chiến dịch sẽ có sự thay đổi chế độ, trong khi Ngoại trưởng Pompeo lại nghiêng về phe cảm thấy việc lật đổ chính quyền hiện giờ của Tehran là quá sớm. Điều mà họ hy vọng là chỉ muốn chiến dịch gây sức ép có thể buộc Iran rút khỏi các hoạt động khu vực ở Syria, Yemen và các nơi khác để tập trung ổn định trong nước.
“Kế hoạch B” của chính quyền Wahsington được đưa ra chưa đầy 2 tuần sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump quyết định Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân mang tên Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA) và áp đặt các lệnh trừng phạt mới đối với Ngân hàng Trung ương Iran.
Chuyên gia Hook nhấn mạnh tác dụng của những lệnh trừng phạt này sẽ là thúc đẩy Iran quay trở lại bàn đàm phán, “bằng việc tái áp dụng các lệnh trừng phạt mà Mỹ đã dỡ bỏ khi còn tham gia JCPOA, điều này sẽ gây sức ép kinh tế đối với Iran”.
Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích cho rằng với quyết định rút khỏi thỏa thuận hạt nhân, và cách tiếp cận của chính quyền Tổng thống Trump với châu Âu, điều này đồng nghĩa các lệnh trừng phạt có thể không hiệu quả như lần trước.
Họ giải thích một chiến dịch gây sức ép tối đa cần một cộng đồng liên minh đoàn kết. Hiện Nga và Trung Quốc một phần nào đó không có ý định muốn giúp xây dựng một thỏa thuận hạt nhân Iran thứ hai và đã lên tiếng thể hiện thái độ không hài lòng về quyết định rời bỏ thỏa thuận ban đầu của Mỹ, trong khi quyết định của Tổng thống Trump cũng khiến cho các đồng minh châu Âu tức giận.
Theo Hồng Hạnh/Báo Tin tức