Tháng 3/2020, công ty nghiên cứu thị trường YouGov công bố dữ liệu cho thấy Anh là quốc gia có tỷ lệ người đeo khẩu trang nơi công cộng rất thấp.
Chỉ 38% người Anh nói rằng họ đeo khẩu trang khi ra khỏi nhà, so với 88% người Tây Ban Nha và 83% dân Italy.
Tuy nhiên sau một năm, mọi chuyện đã hoàn toàn thay đổi. Con số này ở Anh đã tăng cao bất ngờ, cụ thể là hơn 90%.
Giáo sư Stephen Reicher, thành viên nhóm Cố vấn Khoa học cho Trường hợp Khẩn cấp (Sage), cho biết dữ liệu mới nhất của ONS đã củng cố cho những lập luận, suy đoán được đưa ra trước đó.
"Hầu hết mọi người cảm thấy rằng việc dỡ bỏ các biện pháp phòng chống dịch vào ngày 19/7 là quá sớm nên họ sẽ tiếp tục đeo khẩu trang và giữ khoảng cách. Những gì diễn ra trong suốt đại dịch khiến người dân hiểu đâu là mối nguy hiểm và đâu là lựa chọn phù hợp".
|
Hơn 90% người Anh tiếp tục đeo khẩu trang dù các quy định bắt buộc đã được dỡ bỏ. Ảnh: Matthew Horwood. |
Từ bắt buộc đến tự nguyện
Từ ngày 24/7/2020, đeo khẩu trang là điều bắt buộc tại Anh. Không chỉ trên các phương tiện giao thông công cộng, Bộ Y tế khuyến cáo mọi người đeo khẩu trang cả trong không gian kín, những nơi không đảm bảo sự giãn cách xã hội.
Nếu không tuân thủ, người dân có thể bị phạt tiền tới 100 bảng Anh.
Quy định được đưa ra sau khi hàng loạt nghiên cứu khoa học trên khắp thế giới cho thấy tác dụng quan trọng của việc che chắn mặt mũi giúp giảm nguy cơ lây lan Covid-19.
Tại thời điểm đó, Bộ Y tế Anh nhận nhiều chỉ trích vì bị cho hành động chậm, ban hành quy định muộn màng về việc đeo khẩu trang.
Susan Michie, giáo sư tâm lý học sức khỏe tại Đại học London (Anh), cho rằng việc thiếu thông điệp rõ ràng có thể là một trong những lý do khiến khẩu trang ít phổ biến tại Anh so với các nước khác vào năm ngoái.
|
Đeo khẩu trang trở thành lựa chọn cá nhân ở Anh. Ảnh: Alamy Stock Photo. |
Thế nhưng, thái độ của người Anh với khẩu trang dường như đã hoàn toàn thay đổi sau một năm chung sống với Covid-19.
Ngày 19/7 năm nay được gọi là "Ngày Tự do" ở Anh khi chính phủ nước này chấm dứt hầu hết hạn chế Covid-19, trong đó có việc bắt buộc đeo khẩu trang.
Khi tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ đạt trên 60%, dịch bệnh gần như được kiểm soát, việc che chắn mặt mũi nơi công cộng đã trở thành "quyền lựa chọn cá nhân" thay vì là "yêu cầu pháp lý".
Những con số thống kê cho thấy hầu hết người Anh giờ đây đã tự nguyện đeo khẩu trang. Theo ONS, 91% người dân vẫn đeo khi đi mua sắm. 89% cho biết họ đã đeo khẩu trang khi ra khỏi nhà trong suốt bảy ngày qua.
Tiến sĩ Mariangela Simao, trợ lý tổng giám đốc WHO về tiếp cận thuốc và các sản phẩm y tế, cho biết: "Mọi người không thể cảm thấy an toàn chỉ vì họ đã tiêm 2 mũi vaccine. Họ vẫn cần phải tự bảo vệ mình".
Chứng nghiện khẩu trang
Khẩu trang là một phần quan trọng trong chiến lược ngăn chặn Covid-19 của Anh, nhưng cũng gây ra những cảm xúc và phản ứng trái ngược.
Các khảo sát cho thấy đa số mọi người đã coi khẩu trang là một phương tiện quan trọng ngăn chặn sự lây lan của virus. Nhưng vẫn có những người xem việc đeo khẩu trang là chà đạp lên quyền cá nhân.
Nhưng câu hỏi nhiều người thắc mắc là về lâu về dài, việc đeo khẩu trang ở Anh sẽ như thế nào?
Theo một nghiên cứu từ Đại học Bangor (Anh) được công bố trên The Conversation hôm 6/8, câu chuyện ở xứ sở sương mù đang nằm ở đâu đó giữa chuyện chính trị hóa việc che chắn mặt mũi ở Mỹ và chứng nghiện khẩu trang của châu Á.
Trước mắt, việc đeo khẩu trang ở Anh khó có thể phản ánh những gì đã xảy ra tại Nhật Bản hay Trung Quốc.
Các quốc gia Đông Á này đã có gần hai thập kỷ làm quen với chiếc khẩu trang. Người dân ở đây che chắn mặt mũi cẩn thận vì nhiều lý do: y tế, văn hóa, môi trường.
|
Chứng nghiện khẩu trang trở nên trầm trọng hơn ở Nhật từ khi đại dịch bùng phát. Ảnh: Reuters. |
Khẩu trang được đeo để khỏi phải trang điểm, giữ ấm, chống nắng, tránh gây chú ý và giao tiếp. Chúng cũng bảo vệ người dân khỏi ô nhiễm (100 thành phố trên toàn thế giới có ô nhiễm không khí nặng nề nhất đều ở châu Á).
Đặc biệt trong suốt giai đoạn đối mặt với bệnh cúm gia cầm và SARS, thông điệp mà chính phủ các nước châu Á lặp đi lặp lại về việc đeo khẩu trang đã biến nó trở thành "trách nhiệm công dân" thay vì là "sự lựa chọn cá nhân".
Anh hay Mỹ đều không có lịch sử như vậy. Việc đeo khẩu trang, giờ đây nói chung là không bắt buộc ở Anh, do đó có nhiều khả năng được coi là vấn đề của sự lựa chọn cá nhân.
Tuy vậy, dường như việc tiếp xúc thường xuyên với những người đeo khẩu trang - dù là trên TV hay trên đường phố - đã tạo ra thái độ ủng hộ khẩu trang và thay đổi hành vi lâu dài ở Anh.
Vì lợi ích chung của xã hội, khẩu trang sẽ tiếp tục được mô tả trên các phương tiện truyền thông, kể cả trong bối cảnh hư cấu như phim ảnh, ca nhạc. Dần dà, việc đeo khẩu trang sẽ được bình thường hóa, kể cả khi đại dịch kết thúc.
Theo Lê Vy/Zing