Theo SCMP, điều này khiến chính phủ phải tạm thời hạn chế hoạt động của các trang mạng xã hội như WhatsApp, Facebook và Instagram để kiểm soát thông tin sai lệch lan truyền.
Trước đó, khi bạo lực nổ ra ở thủ đô Indonesia vào sáng sớm 22/5 khiến một số người thiệt mạng, những thông tin bắt đầu lan truyền trên mạng xã hội, cáo buộc các nạn nhân bị bắn bởi "cảnh sát đến từ Trung Quốc".
Kèm theo thông tin này là bức hình cho thấy một nhân viên an ninh với nước da sáng hơn so với trung bình của người Indonesia và dòng chú thích: "Trung Quốc đã gửi lực lượng an ninh tới Indonesia dưới vỏ bọc lao động nước ngoài".
|
Những người ủng hộ ông Subianto đối đầu với cảnh sát trong cuộc bạo động hôm 22/5. Ảnh: AP. |
Ở bức hình khác, một người đàn ông chụp tấm hình selfie và đằng sau là một sĩ quan thuộc lực lượng cảnh sát cơ động Indonesia (Brimob) có nước da sáng, đi kèm chú thích: "Các bạn tôi ơi, nhân viên Brimob này không nói được tiếng Indonesia".
"Thánh chiến"
Những thông tin bài Trung Quốc này nhanh chóng lan truyền trên mạng xã hội, dẫn tới việc chính phủ phải tạm thời chặn hoặc hạn chế nội dung ảnh, video trên Facebook, Instagram và WhatsApp, để ngăn chặn những thông tin sai lệch được truyền đi.
Bộ trưởng Truyền thông Rudiantara nói với phóng viên rằng các biện pháp hạn chế được sử dụng để ngăn cản những hình ảnh có nội dung gây kích động "cảm xúc".
Theo luật thông tin trên Internet của Indonesia, việc tạo và phát tán tin tức giả là bất hợp pháp, và người vi phạm có thể bị phạt tù. Ông Harry Sufehmi, đồng sáng lập Mafindo, tổ chức chống lại nạn tin giả của Indonesia, cho biết: "Chúng tôi chưa từng thấy điều gì như vậy trước đây, về số lượng, độ nghiêm trọng và việc lan truyền có tổ chức".
Các cuộc bạo loạn bắt nguồn từ dòng người biểu tình phản đối kết quả cuộc bầu cử tổng thống ngày 17/4, với chiến thắng dành cho Tổng thống đương nhiệm Joko Widodo giành được 55,5% phiếu bầu. Đối thủ của ông Widodo, cựu tướng quân đội Mitchowo Subianto thất bại với số phiếu 44,5%.
Ông Subianto không công nhận kết quả và kêu gọi mọi người ra đường tuần hành phản đối để thể hiện "sức mạnh nhân dân".
Abdul Gani, 33 tuổi, là một trong hàng nghìn người biểu tình có mặt tại thủ đô Jakarta, anh đến từ thành phố Makassar, tỉnh Nam Sulawesi. Abdul cho biết anh coi sự kêu gọi của mọi người là "thánh chiến" và cho rằng thông tin về "cảnh sát Trung Quốc đại lục" không phải là giả.
"Tôi quyết định đến đây bằng tiền của mình vì tôi tin rằng đây là thánh chiến", anh Abdul nói.
"Tôi tin rằng những người anh em bị bắn bởi cảnh sát Trung Quốc. Chúng tôi đang bảo vệ đất nước, ngăn cản nó rơi vào sự hỗn loạn, nghèo đói và bị bóc lột bởi ngoại bang".
"Chúng tôi có bằng chứng để chứng minh điều đó không phải là tin giả. Làm sao họ có thể là người Indonesia nếu họ không thể nói ngôn ngữ của chúng tôi? Họ (những người từ Trung Quốc) luôn lợi dụng nỗi đau của chúng tôi. Lịch sử cho chúng ta thấy họ đã hưởng lợi như thế nào trong những năm dưới thời Suharto và bây giờ là dưới thời Jokowi", anh Abdul tuyên bố.
Abdul cáo buộc tổng thống Widodo đang bán nước cho Trung Quốc vì ông Widodo "đến Trung Quốc rất nhiều lần" và không nghe theo những mong muốn của người dân Indonesia.
|
Khói lửa trên đường phố Jakarta. Ảnh: Bloomberg.
|
Một cơn ác mộng
Khoảng 3 triệu người Hoa ở Indonesia, phần nhỏ trong dân số 260 triệu người phần lớn theo đạo Hồi của đất nước vạn đảo, một lần nữa lại phải sống trong sợ hãi khi tâm lý bài Trung Quốc gia tăng.
Một số người chia sẻ với SCMP rằng họ lo sợ mình sẽ trở thành nạn nhân của những cuộc tấn công như đã từng xảy ra vào năm 1998, khi những đám đông giận dữ phá hoại cửa hàng, nhà cửa của người Hoa, khiến hơn 1000 nạn nhân thiệt mạng.
"Nó giống như cuộc bạo động tháng 5/1998. Sự khác biệt là cơ quan an ninh bây giờ đã chủ động, không giống như hồi đó khi họ để mặc cho mọi thứ diễn ra", một người Indonesia gốc Hoa cho biết.
"Cứ mỗi khi có bạo lực hoặc bạo động, cộng đồng người Hoa ở Indonesia lại lo sợ bị tấn công. Nó là một cơn ác mộng", người này chia sẻ.
Tổ chức theo dõi nhân quyền cho biết những thông tin giả này được tạo ra để nhắm tới cộng đồng người Hoa và các công việc kinh doanh của người Hoa ở Indonesia.
|
Người Indonesia đốt xe, phá hoại cửa hàng của người Hoa trên đường phố Jakarta trong cuộc bạo động tháng 5/1998, hơn 1000 người đã thiệt mạng. Ảnh: AFP. |
"Những nhóm này, bao gồm cả ông Prabowo và rất nhiều cố vấn, từng được biết đến với việc lợi dụng những cảm xúc tôn giáo và sắc tộc, bao gồm giọng điệu bài Trung Quốc, nhằm kích động người dân để có được quyền lực", ông Andreas Harsono, nhà nghiên cứu người Indonesia cho tổ chức Theo dõi Nhân quyền, nhận định.
"Họ đã làm điều đó ở Java vào năm 1998 với cuộc bạo động chống người Hoa, và họ đang cố gắng làm điều đó một lần nữa vào lúc này", ông Harsono cho biết.
"Mặc dù không dễ để kích động tâm lý bài Trung Quốc ở một số khu vực khác của Indonesia, nhưng việc này dễ dàng hơn ở Jakarta. Nguyên nhân là tâm lý phân biệt với người Hoa ở Indonesia đã có từ hàng thế kỷ trước, bắt đầu từ khi nước này còn là thuộc địa của Hà Lan. Điều đó tiếp tục tái diễn trên diện rộng vào các năm 1945-1956, 1965-1968 và 1998", chuyên gia Harsono kết luận.
Theo Sơn Trần/Zingnews