Theo The Economic Times, tên lửa phòng không nói trên có xuất xứ từ Israel. Sau khi nhận được cảnh báo khoảng 25 chiến đấu cơ Pakistan bay qua khu vực biên giới hai nước vào ngày 27-2, nó được khai hỏa nhưng dường như bắn nhầm chiếc trực thăng quân sự Mi-17 V5 của quân đội Ấn Độ.
Chiếc Mi-17 V5 lúc đó cất cánh tại sân bay Srinagar lúc 10 giờ (giờ địa phương) để thực thi nhiệm vụ thường xuyên. Trực thăng bị rơi vào 10 giờ 10 phút sáng cùng ngày gần huyện Budgam thuộc khu vực Jammu và Kashmir. 6 nhân viên của Không quân Ấn Độ (IAF) trên máy bay đã thiệt mạng.
|
Một trực thăng Mi-17 của Không quân Ấn Độ. Ảnh: Wikipedia |
Vụ việc xảy ra 1 ngày sau khi IAF trả đũa vụ tấn công của phiến quân Jaish-e-Mohammed (JeM) ở huyện Pulwama dọc đường cao tốc Jammu – Kashmir hôm 14-2 khiến ít nhất 40 nhân viên quân sự thiệt mạng và nhiều người khác bị thương.
Quân đội Ấn Độ sau đó xác nhận IAF thực hiện vụ không kích nhằm vào cơ sở hạ tầng của JeM – tổ chức khủng bố đặt trụ sở tại Pakistan.
Báo The Economic Times cho biết một cuộc điều tra liên quan đến vụ rơi chiếc Mi-17 V5 đang diễn ra, tập trung vào "cách cải thiện hệ thống để ngăn chặn bất kỳ sự cố nào như vậy trong tương lai".
Đài Sputnik đưa tin 1 ngày sau khi Ấn Độ mở chiến dịch không kích ở thị trấn Balakot – Pakistan, hai nước đã bắt đầu một cuộc đụng độ trên không, lần đầu tiên sau 5 thập kỷ.
Ít nhất 25 chiến đấu cơ của Không quân Pakistan được cho là cố gắng xâm phạm biên giới Ấn Độ để tấn công các mục tiêu quân sự. Truyền thông Ấn Độ bình luận rằng một mục tiêu di chuyển chậm như trực thăng Mi-17 V5 có thể bị nhầm lẫn với một máy bay không người lái (UAV) vũ trang tầm thấp nên khả năng bị bắn hạ là rất cao.
Hôm 12-3, báo The Hindustan Times đưa tin Pakistan đã triển khai toàn bộ chiến đấu cơ F-16 của nước này dọc biên giới Ấn Độ ngay cả khi cộng đồng quốc tế kêu gọi giảm căng thẳng giữa hai bên.
Theo Phạm Nghĩa/ Người lao động