Nhật Bản mất gần 2 tỷ USD mỗi năm vì... phấn hoa

Google News

Mỗi năm, nền kinh tế Nhật Bản thiệt hại hàng tỷ USD vì có quá nhiều cây cho phấn hoa.

 Nạn phấn hoa gây dị ứng và sốt cỏ khô đã khiến doanh số bán khẩu trang y tế tăng vọt. Ảnh: Reuters.
Theo Viện Nghiên cứu Dai-Ichi Life, trong năm 2018 Nhật Bản sẽ mất khoảng 200 tỷ yên (tương đương 1,8 tỷ USD) vì các bệnh dị ứng liên quan tới phấn hoa anh đào. Ông Toshihiro Nagahama – trưởng ban kinh tế của Viện cho biết, thiệt hại lớn này đến từ việc nhiều người không muốn ra đường vì sợ phấn hoa, dẫn tới việc giảm tiêu dùng. Đồng thời, người lao động cũng hay nghỉ ốm vì bị dị ứng hơn và nếu có làm việc, hiệu quả cũng thấp hơn bình thường.
Trong khi đó, năm 2018 được dự đoán là một trong những năm có tỷ lệ bệnh sốt cao nhất trở lại đây khi mà lượng phấn hoa tại một số vùng của xứ sở hoa anh đào đã tăng gấp đôi so với năm ngoái. Theo số liệu chính thức, thủ đô Tokyo là nơi chịu ảnh hưởng khá nặng khi một nửa dân số thành phố bị sốt cỏ khô – nhiều hơn so với mức 1/3 dân số của năm 2008.
Tình hình trở nên nghiêm trọng hơn khi mà nhiều cây tuyết tùng và trắc bách diệp được trồng làm cảnh trong thành phố đã trưởng thành hoàn toàn và đang trong thời kỳ tạo phấn hoa nhiều nhất trong vòng đời.
Mỗi năm, Tokyo đã phải chi tới 7 triệu USD để chặt bỏ những cây gây di ứng và thay thế bằng các loại cây ít phấn hoa hơn với tốc độ khoảng 60 héc-ta mỗi năm từ năm 2006. Tuy nhiên, tốc độ chặt bỏ lại bị hạn chế vì e ngại việc này sẽ gây lỡ đất và lũ lụt ở những ngọn đồi xung quanh thành phố. Trong khi đó, theo các nhà chức trách, Tokyo đang có khoảng 30.000 héc-ta cây tạo phấn hoa!
“Thực sự không đủ nhanh”, ông Mamory Ishigaki – người chịu trách nhiệm về rừng cây của Tokyo – tiết lộ chi phí để trồng lại toàn bộ cây sẽ lên tới vài tỷ USD. “Tokyo rất muốn tăng tốc độ trồng lại cây, tuy nhiên việc này sẽ mất khoảng 1-2 thế kỷ để hoàn thành”.
Tuy nhiên, không phải ai cũng chịu thiệt hại từ vấn đề này. Do nhu cầu khẩu trang y tế và thuốc men tăng cao, các công ty dược phẩm và cửa hàng bán thuốc đang “hốt bạc”. Cụ thể, doanh số thuốc sốt cỏ khô vào tháng Ba vừa rồi đạt 20 tỷ yên (tương đương 184 triệu USD) – cao hơn 50% so với cùng kỳ năm trước và là mức cao nhất trong 10 năm trở lại đây.
Theo Tiểu Đào/Dân Việt