Nhiều thiếu nữ tuổi teen ở Anh đã bị ép kết hôn với người nước ngoài để giúp những người này có được thị thực Anh, tờ The Times đưa tin.
Nhiều cô gái bị ép kết hôn đã yêu cầu chính phủ không được trao visa cho chồng của họ, những người đến từ nước ngoài như Pakistan và Ấn Độ.
Nhưng chính phủ vẫn “nhắm mắt làm ngơ”, theo các nhà hoạt động. Trong gần một nửa số trường hợp, thị thực của những người chồng vẫn được chấp thuận.
|
Nhiều thiếu nữ tuổi teen ở Anh đã bị ép kết hôn với người nước ngoài để giúp những người này có được thị thực Anh. |
Các quan chức đang phớt lờ lời kêu cứu từ nạn nhân vì sợ nếu cấm thị thực từ người ngoại quốc thì sẽ bị đánh giá là phân biệt chủng tộc, theo các nhà hoạt động.
Một nạn nhân, Rubie Marie, chỉ mới 15 tuổi khi được đưa đến Bangladesh và buộc phải cưới một người đàn ông 30 tuổi.
Cô kể mình bị "mặc quần áo như búp bê" khi chú của cô nhận tiền từ nhiều đàn ông trong một ngôi làng.
"Họ biết xin visa Anh sẽ dễ hơn nếu kết hôn với cô gái người Anh, kể cả khi cô ấy chưa đủ tuổi", Marie nói với tờ The Times. "Nếu bạn có hộ chiếu Anh, bạn có giá trị rất nhiều”.
Rubie, người lớn lên ở Wales với sáu anh chị em, bị đưa đến Bangladesh trước kỳ thi GCSE (chứng chỉ giáo dục phổ thông trung học) của cô.
Sau cuộc điều tra kéo dài 6 tháng, The Times tiết lộ rằng trong một số trường hợp, nhiều người đàn ông đã hãm hiếp các cô gái, khiến họ mang thai vì tin rằng một đứa con chung sẽ giúp xin visa dễ hơn nữa.
Một nạn nhân tuổi teen cho biết mình “sống như nô lệ” ở Bradford nước Anh sau khi chồng cô được phép nhập cảnh vào Anh.
Yvette Cooper, quan chức tại bộ nội vụ, nói: "Mặc dù đã được cảnh báo để giúp đỡ nạn nhân của hôn nhân ép buộc, có vẻ như bộ nội vụ đã thất bại và đặt nạn nhân vào nguy hiểm".
Năm ngoái, bộ đã xử lý 88 trường hợp liên quan đến việc một người bị ép kết hôn muốn chặn visa của vợ/chồng của họ, The Times viết.
Tuy nhiên, 42 trong số các thị thực vẫn được cấp và 10 trường hợp khác vẫn chưa có kết quả.
Karma Nirvana, tổ chức từ thiện hỗ trợ các nạn nhân của hôn nhân ép buộc, nhận được gần 13.000 cuộc gọi một năm đến đường dây trợ giúp của họ.
Jasvinder Sanghera, người sáng lập của tổ chức này và đang là cố vấn chính phủ, cho biết: “Chúng ta đang thấy điều này xảy ra trên toàn quốc. Ngay cả khi các quan chức biết đó là hôn nhân ép buộc, họ vẫn lo sợ truyền thống, văn hóa, tôn giáo và họ rất ngại đối phó với những vấn đề này. Họ đang nhắm mắt làm ngơ”.
Theo Trà My/Dân Việt