Ngôi làng Baan Thatafang, tỉnh Mae Hong Son nằm bình yên giữa một đỉnh đồi ở vùng phía bắc Thái Lan. Bên dưới là con sông Salween quanh năm đỏ nặng phù sa, ngăn cách Thái Lan với quốc gia láng giềng Myanmar. Để tới được làng Baan Thatafang, người dân phải vượt qua một cung đường núi ngoằn ngoèo tới chóng mặt và chèo thuyền vượt sông dữ.
|
Đường vào làng Baan Thatafang rất hiểm trở. |
Hiện nay, có khoảng 1 triệu người dân tộc thiểu số đang sống ở vùng phía tây và bắc Thái Lan dù con số này chưa được kiểm chứng. Nhiều ngôi làng không được đăng ký, dân cư di chuyển thường xuyên và lối sống du mục khiến chính phủ rất khó kiểm soát. Phần lớn dân ở đây không có giấy tờ tùy thân.
Tuyên bố của chính phủ Thái Lan năm 2005 khẳng định bất kì cá nhân nào không có chứng minh thư nhân dân đều được xem là không có tư cách công dân. Điều này gây ra rất nhiều rắc rối cho người dân bản địa.
Không sở hữu giấy tờ tùy thân, đồng nghĩa người dân không thể đăng ký sở hữu đất, tiếp cận dịch vụ y tế, trường học, kết hôn và làm việc trên chính khu vực mình sinh sống. Nguy hiểm hơn, họ trở thành nạn nhân của nạn mại dâm và buôn người.
|
Các bé gái tại làng Baantafang. |
“Chúng tôi biết rằng có rất nhiều thiếu nữ ngày nay làm việc ở các khu đèn đỏ đến từ các cộng đồng thiểu số. Họ không thể tìm được việc nào khác do thiếu giấy tờ hợp pháp”, Mickey Choothesa, sáng lập viên tổ chức ngăn ngừa buôn bán người COSA, nói.
Mickey giải thích rằng, trong khi vẫn có tình trạng các thiếu nữ bị bắt cóc trong đêm và bán vào nhà thổ, nhiều cô gái chấp nhận bán mình vì quá nghèo đói. Họ không có tiền nên đồng ý biến mình thành món hàng mà không biết tương lai mịt mờ chờ đợi trước mắt.
Các thiếu nữ thường bị bán tới các thành phố lớn như Chiang Mai hay thủ phủ tình dục Pattaya. Một số cô gái bị chính những người có quyền trong tỉnh Mae Hong Son kiểm soát và biến thành “món tráng miệng” phục vụ quan chức cấp cao. Những cô gái này trở thành công cụ để những kẻ muốn leo lên nấc thang quyền lực cao hơn dùng hối lộ sếp của mình.
|
Thiếu nữ ở tây bắc Thái Lan. |
Kể từ khi thành lập vào năm 2006 tới nay, tổ chức COSA ở Chiang Mai đã giúp đỡ 27 cô gái có cuộc sống dễ chịu hơn và không phải tham gia vào các đường dây mại dâm. Tại đây, họ được học hành, cung cấp chỗ ở và có việc làm.
Outin, một giáo viên làm việc cho trường học địa phương, nói rằng vấn nạn buôn bán người và mại dâm là rất nghiêm trọng ở làng Baan Thatafang. “Các em nhỏ không có chứng minh thư, không được tới trường và dễ dàng trở thành nạn nhân của những kẻ lừa đảo”.
|
Giáo dục được xem là con đường bền vững nhất giúp trẻ em gái Thái Lan tự bảo vệ mình. |
Để giải quyết vấn nạn này, Outin tin rằng giáo dục là con đường bền vững và tốt nhất. “Tôi sẽ dạy một em trong làng cho tới khi em có thể đọc, viết. Sau đó, em sẽ dạy cho những đứa trẻ khác và cứu giúp nhiều bạn bè hơn. Đó là ước mơ của tôi”.
Theo Quang Minh/Dân Việt